Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký ban hành Thông tư số 04/2014/TT-TTCP quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thay thế Thông tư số 11/2011/TT-TTCP ngày 09-11-2011 và có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2015.
Sự cần thiết phải ban hành Thông tư mới về nhận định tình hình, đánh giá công tác PCTN
Thông tư số 11/2011/TT-TTCP quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN ở Việt Nam. Sau thời gian hơn 02 năm triển khai thực hiện, công tác thu thập thông tin và báo cáo theo hướng dẫn của Thông tư còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống chỉ số, tiêu chí của Thông tư đã thể hiện một số hạn chế như: Hệ thống thông số, tiêu chí phức tạp. Nhiều chỉ số, tiêu chí không thực sự cần thiết, khó đo lường. Không có hướng dẫn đầy đủ và dễ hiểu về cách tính toán các chỉ số, tiêu chí.
Bên cạnh đó, từ thực tế tổ chức thực hiện cho thấy Thông tư 11 có một số điểm thiếu sót như: việc thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn trong triển khai, không xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp với Thanh tra Chính phủ, kết quả đo lường các chỉ số và tiêu chí nhận định công tác PCTN chưa được công bố rộng rãi nên hạn chế tác dụng và ảnh hưởng của Thông tư trong việc tăng cường minh bạch trong PCTN. Thực tế đó đòi hỏi cần có một Thông tư mới thay thế cho Thông tư số 11 để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên.
Một Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Thông tư mới quy định
về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng
Kết quả nhận định, đánh giá không mang tính phân loại, xếp hạng
Với bố cục gồm 4 chương và 20 điều, Thông tư số 04 quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN. Áp dụng với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Thông tư nêu rõ các nguyên tắc nhận định và đánh giá là: phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực PCTN và các lĩnh vực quản lý khác có liên quan; bảo đảm tính khách quan, toàn diện, trung thực, công khai, minh bạch; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức có liên quan; kết quả và các thông tin, dữ liệu có liên quan đến việc nhận định, đánh giá phải được công khai, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm sự kết hợp giữa kết quả tự nhận định, đánh giá của cơ quan nhà nước với cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức; kết quả nhận định, đánh giá có giá trị tham khảo nhằm phân tích, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN; không mang tính phân loại, xếp hạng giữa các bộ, ngành, địa phương.
Quy định về nhận định tình hình tham nhũng:
Theo quy định của Thông tư số 04, việc nhận định tình hình tham nhũng được thực hiện theo các nội dung cụ thể: mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng; mức độ thiệt hại kinh tế do tham nhũng; mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng. Trên cơ sở 3 nội dung này, các bộ, ngành, địa phương có thể bổ sung hoặc cụ thể hóa các nội dung về nhận định tình hình tham nhũng cho phù hợp với yêu cầu của công tác PCTN trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.
Về phương pháp, các bộ, ngành, địa phương tự nhận định tình hình tham nhũng theo các nội dung nói trên căn cứ vào tổng điểm của các điểm thành phần và được tính theo thang điểm 100.
Cụ thể, Điểm tổng hợp = (2) x Điểm thành phần 1 + (1) x Điểm thành phần 2
Trong đó Điểm thành phần 1 được tính tối đa là 30 điểm và tối thiểu là 0 điểm căn cứ vào các số liệu thống kê được tổng hợp theo ngành, lĩnh vực, địa phương theo quy định cụ thể của Thông tư. Điểm thành phần 2 được tính tối đa là 40 điểm và tối thiểu là 0 điểm căn cứ vào kết quả khảo sát cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định cụ thể của Thông tư.
Căn cứ vào số điểm tổng hợp, các bộ, ngành, địa phương tự nhận định về tình hình tham nhũng với các cấp độ cụ thể như sau:
Về mức độ phổ biến hành vi tham nhũng: rất phổ biến; phổ biến; ít phổ biến; không phổ biến. Về mức độ thiệt hại kinh tế do tham nhũng: thiệt hại rất lớn; thiệt hại lớn; thiệt hại trung bình; thiệt hại thấp; không thiệt hại. Về mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng: đặc biệt nghiêm trọng; rất nghiêm trọng; nghiêm trọng; ít nghiêm trọng; không nghiêm trọng.
Quy định về đánh giá công tác PCTN
Thông tư 04 quy định việc đánh giá công tác PCTN được thực hiện theo các nội dung cụ thể: chỉ đạo, điều hành công tác PCTN; xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Trên cơ sở 4 nội dung này, các bộ, ngành, địa phương có thể bổ sung hoặc cụ thể hóa các nội dung về đánh giá công tác PCTN cho phù hợp với yêu cầu của công tác PCTN trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.
Về phương pháp, các bộ, ngành, địa phương tự đánh giá công tác PCTN trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý căn cứ vào số điểm tổng hợp trên thang điểm 100.
Cụ thể, Điểm tổng hợp = (2) x Điểm thành phần 1 + (1) x Điểm thành phần 2
Trong đó, Điểm thành phần 1 được tính tối đa là 30 điểm và tối thiểu là 0 điểm dựa trên tổng điểm số của 04 nội dung trên. Điểm thành phần 2 được tính tối đa là 40 điểm và tối thiểu là 0 điểm căn cứ vào cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về công tác PCTN.
Thông tư cũng quy định rõ các tiêu chí và cách tính điểm đánh giá đối với từng nội dung cụ thể.
Hằng năm, các bộ, ngành địa phương gửi kết quả tự nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác PCTN và các thông tin, dữ liệu có liên quan cho Thanh tra Chính phủ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về PCTN.
Nhã Lan