27/08/14 08:37

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Thực hiện Kế hoạch số 37/KH-CCTP ngày 20/6/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ngày 25/8/2014, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Đoàn công tác làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thư trưởng Bộ Công an. Về phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đồng chí Phó Viện trưởng: Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Văn Khánh. Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và Ủy viên chuyên trách Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự buổi làm việc.

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo kết quả tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và tình hình, kết quả hoạt động tư pháp 06 tháng đầu năm 2014 của Viện kiểm sát nhân dân. Thực hiện Kế hoạch số 37-KH/CCTP ngày 10/6/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 37/2012/QH, Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội, ngành Kiểm sát xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm (xây dựng thể chế; xây dựng Đảng, xây dựng Ngành; chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm) và 10 nhóm giải pháp lớn, đồng thời chỉ đạo toàn Ngành thực hiện quyết liệt các khâu đột phá đã lựa chọn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được tiến hành chặt chẽ và hiệu quả; các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát 100%; số cuộc kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tăng 3,7%. Trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra được đề cao, tiến độ giải quyết án nhanh hơn; chất lượng điều tra tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 91,8%. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng hiệu quả, đã khởi tố, điều tra một số vụ án oan, sai, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm, đồng tình, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, hạn chế vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp.

Tích cực phối hợp với Tòa án trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 1.704 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 48,3%). Đã tổng hợp, ban hành 269 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự (tăng 16,9%), qua đó góp phần tích cực vào việc nâng cao kỹ năng công tố và hạn chế sai sót trong công tác nghiệp vụ. Tòan ngành Kiểm sát đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chuyên sâu, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố tại phiên tòa…, nhờ đó, chất lượng, kỹ năng xét hỏi, luận tội, tranh tụng của Kiểm sát viên được nâng cao, góp phần bảo đảm tính dân chủ, công khai trong hoạt động tố tụng hình sự. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được tăng cường. Qua hoạt động kiểm sát, đã ban hành 6.027 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan khắc phục, xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp được chặt chẽ hơn; đã phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn, phức tạp, những vụ án tham nhũng trọng điểm, được dư luận quan tâm, đồng tình.

Trong sáu tháng đầu năm 2014, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án; đề cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Chất lượng, kỹ năng, xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa tiếp tục được nâng cao; gắn việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm với việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành quyền công tố cho Kiểm sát viên. Tiếp tục đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ Quốc hội giao (kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,4% (vượt chỉ tiêu 9,4%); tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,98% (vượt chỉ tiêu 4,98%); tỷ lệ kháng nghị các loại án được Tòa án chấp nhận đạt 80,8% (vượt chỉ tiêu 10,8%). Những thiếu sót, vi phạm, oan sai, bỏ lọt trong hoạt động tư pháp từng bước giảm.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Ngành kiểm sát tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, thực hiện tốt các đề án, báo cáo mà ngành Kiểm sát được giao nghiên cứu; hoàn thiện Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, giảm và hạn chế đến mức thấp nhất việc xay ra oan sai và bỏ lọt tội phạm. Kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ.



Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Phần tham luận, các đại biểu đều nhất trí với báo cáo 06 tháng đầu năm 2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng thời nghe thảo luận, đề ra các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, giải đáp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong thời gian qua.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận và biểu dương kết quả mà ngành Kiểm sát đạt được trongviệc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 và kết quả 6 tháng đầu năm 2014. Chỉ ra những hạn chế của ngành Kiểm sát trong thời gian qua như: Tiến độ xây dựng một số Đề án còn chậm; một số chủ trương về cải cách tư pháp chưa được tổ chức nghiên cứu, tổng kết kịp thời; chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên đặc biệt ở cấp huyện còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu…, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành Kiểm sát cần sớm khắc phục những hạn chế, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 63 của Quốc hội giao; tăng cường quán triệt sâu rộng đến đảng viên, cán bộ, công chức toàn Ngành về cải cách tư pháp và Hiến pháp 2013, từ đó tạo nhận thức thống nhất để thực hiện tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án luật ngành Kiểm sát được giao; hoàn thiện tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Chủ tịch nước yêu cầu cần thực hiện hiệu quả chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp; đảm bảo mọi hành vi phạm tội và người phạm tội được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa trong thời gian tới.
                                                                                                                                        Quốc Hưng

Lên đầu trang