21/07/14 08:48

Vẹn nguyên cảm xúc sau 60 năm

(Chinhphu.vn) - Là trợ lý cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu trong quá trình đàm phán các điều khoản về quân sự tại Hội nghị Gieneva 1954, sau 60 năm, nguyên Thứ trưởng ngoại giao Hà Văn Lâu, lúc đó là Đại tá QĐND Việt Nam, vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc về Hội nghị quốc tế lần đầu tiên mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự với tư thế của người chiến thắng.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam

dự Hội nghị Geneva, tháng 5/1954. Ảnh tư liệu

Ông Hà Văn Lâu đã dành cho phóng viên Thế giới&Việt Nam cuộc trả lời phóng vấn nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva.

Để đến Hội nghị Geneva, chúng ta đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn song đã bước vào hội nghị với tư thế của người chiến thắng, xin ông chia sẻ về hành trình của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến hội nghị này? Và tại sao lại chọn Geneva làm địa điểm đàm phán?

Ông Hà Văn Lâu: Geneva là địa điểm Hội nghị 5 nước về Triều Tiên để ký Hiệp định đình chiến về Triều Tiên. Nhân dịp này, với mục đích chấm dứt lò lửa chiến tranh ở Đông Dương, Liên Xô và Trung Quốc chủ trương tiếp thu Hội nghị về Triều Tiên, tiến hành một hội nghị quốc tế về Đông Dương. Chủ trương này được các nước phương Tây Anh, Pháp, Mỹ chấp thuận, nên họ mời một số nước liên quan như Việt Nam, Campuchia và Lào cùng đại diện chính quyền Bảo Đại ở miền Nam Việt Nam tham dự.

Do đó, cuộc họp tại Geneva không do ta chọn hay quyết định, mà chỉ là một nước được mời tới dự, tuy ta thấy họp lúc này chưa đúng lúc, nhưng vì thiện chí hòa bình mà ta đồng ý tham dự.

Từ tháng 2/1954, theo lời mời của Trung Quốc, Đảng và Chính phủ ta đồng ý, chuẩn bị lên đường. Tôi chỉ nhận nhiệm vụ chuẩn bị tình hình quân sự chứ không tham gia việc chuẩn bị chung của Đoàn. Đoàn từ Việt Bắc, đến Trung Quốc bằng xe lửa qua Bằng Tường đến Bắc Kinh. Đến Trung Quốc, Đoàn ở lại vài ngày rồi đi Liên Xô cũng bằng xe lửa. Đến Liên Xô, có các cuộc gặp của Trưởng đoàn ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng với lãnh đạo Liên Xô.

Đến ngày Hội nghị về Triều Tiên kết thúc, đoàn ta mới nhận lời mời tham gia Hội nghị về Đông Dương.

Đồng chí Phạm Văn Đồng, trong phiên họp cuối cùng của Hội nghị đã kết thúc bản tuyên bố của đoàn ta bằng một lời kêu gọi đầy tính chiến đấu và dự báo: “Nhân dân Việt Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập, thống nhất, Tổ quốc là ở trong tay chúng ta! Những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta! Đồng bào hãy nhớ lấy lời Hồ Chủ tịch “cuộc đấu tranh phải gian khổ, nhưng cuối cùng, chúng ta nhất định thắng”.

Là trợ lý cho đồng chí Tạ Quang Bửu về quân sự, kỷ niệm nào là đáng nhớ đối với ông trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị?

Ông Hà Văn Lâu: Cuộc họp quốc tế nào cũng vậy, có những cuộc hội nghị chung và những cuộc họp riêng của một vài đoàn có liên quan. Có cuộc họp riêng bí mật và cuộc họp công khai. Hội nghị không có cuộc họp định kỳ công khai như tại Hội nghị Paris về Việt Nam sau này. Phần lớn là những cuộc họp tiếp xúc rõ ràng. Đoàn ta có bộ phận quân sự gồm đồng chí Tạ Quang Bửu và tôi, nghiên cứu, trình bày với đoàn hoặc Trưởng đoàn, rồi đi họp riêng với đoàn quân sự của Pháp gồm tướng Delteil và đại tá De Brébisson để bàn các vấn đề quân sự như tập kết, chuyển quân, vĩ tuyến, trao đổi tù binh...

Rất ít có cuộc họp chung của các Trưởng đoàn, trừ 2 cuộc họp đầu tiên và cuối cùng của Hội nghị. Họp chung tiến hành tại Hội trường chính của Hội nghị. Họp riêng thì tuy 2 bên thỏa thuận trong khuôn viên của Hội nghị.

Có một lần tôi được đồng chí Phạm Văn Đồng cử đi gặp đại biểu Pháp về vấn đề thương binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Tôi đồng ý với Pháp về ngày máy bay  Pháp lên Điện Biên Phủ mang thương binh Pháp về Hà Nội. Nhưng khi về Đoàn, tôi báo cáo lại với Trưởng đoàn thì đồng chí Phạm Văn Đồng nói: “Có cần gì mà thỏa thuận sớm thế”. Tôi nhận thấy sai lầm của mình là không báo cáo trước với Đoàn, đây là bài học đầu tiên trong nghề ngoại giao của tôi.

Trong thời gian Hội nghị, có nhiều dịp được gặp và làm việc với các lãnh đạo đoàn, sự gần gũi hàng ngày có lẽ luôn để lại những ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc trong ông?

Ông Hà Văn Lâu: Đồng chí Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn, chịu trách nhiệm chung. Đồng chí lại là một trong số ít các vị lãnh đạo cách mạng của ta sau Bác Hồ, như đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Phạm Văn Đồng suy nghĩ rất nhiều, thường đi dạo một mình trong khu vườn, trước khi họp bàn trong đoàn. Đồng chí chú trọng những vấn đề chủ trương lớn nhưng khi nào cũng bàn trước, hỏi các đồng chí liên quan, không quyết định một mình.

Làm việc với đồng chí, tôi rất thoải mái, đồng chí vừa nắm cái chung, đi vào từng vấn đề thì rất cụ thể, chỉ đạo với thái độ rộng rãi, cởi mở (ví dụ như vấn đề cho thương binh địch ở Điện Biên Phủ như tôi nói trên). Đồng chí cũng rất tình cảm, về sau này tôi thường gặp để báo cáo với đồng chí. Có lần tôi đang ở Cuba làm đại sứ, về nước họp Đại hội Đảng, đồng chí cho mời cả gia đình tôi lên gặp đồng chí. Sau đó, tôi gặp đồng chí một lần nữa, nói cháu Diệu Hồng con gái tôi tiếc không được chụp ảnh với đồng chí, thì ngay ngày chủ nhật sau đó, đồng chí cho gọi cả gia đình, vợ con tôi lên chụp ảnh chung với đồng chí.

Với đồng chí Tạ Quang Bửu, là thầy dạy học toán cho tôi ở Trường tư thục Phúc Xuân, Huế, nên tôi coi đồng chí Bửu như người anh cả. Do đó, làm việc với đồng chí cũng rất dễ chịu. Đồng chí bàn bạc kỹ với tôi trước mỗi lần đi họp với đoàn quân sự Pháp. Đồng chí Tạ Quang Bửu và đồng chí Trần Công Tường phụ trách về nội dung bản Hiệp định Geneva. Bản tiếng Việt do tôi chịu trách nhiệm. Do vậy, việc ký kết Hiệp nghị trễ mấy tiếng đồng hồ, do tôi phát hiện trong bản tiếng Việt có sót một vài câu phải bổ sung nên đến 3 giờ 45 sáng ngày 21/7 mới ký được.

Thế còn việc phối hợp làm việc với các thành viên trong đoàn ta thì sao, thưa ông?

Ông Hà Văn Lâu:Trong Đoàn chính thức có 5 vị: đồng chí Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu phụ trách quân sự, Trần Công Tường và Phan Anh là luật sư, Hoàng Văn Hoan, chính trị. Có đồng chí Nguyễn Thành Lê, báo Nhân Dân làm người phát ngôn... Mỗi vị chuyên trách một số vấn đề của Hội nghị, không hạn chế thì giờ hội nghị chung hay họp riêng trừ thứ bảy, chủ nhật, các ngày khác thì tùy yêu cầu của các đoàn mà có việc gặp riêng. Riêng về quân sự, đồng chí Tạ Quang Bửu với tôi thường gặp nhau nhiều lần vì bàn nhiều vấn đề.

Là đoàn phó quân sự, ông thường gặp và làm việc với đối tác thuộc các đoàn khác (Liên Xô, Trung Quốc, Pháp...) như thế nào?  

Ông Hà Văn Lâu: Đoàn ta lần đầu tiên đi dự Hội nghị quốc tế mà không phải do ta chủ trương nên đoàn gồm ít người, mọi việc đi lại, ăn ở đều do Trung Quốc sắp xếp cho ta, ngay cả việc liên lạc với trong nước, các điện báo cáo về nước đều nhờ Trung Quốc dịch và chuyển. Tôi là người chịu trách nhiệm liên lạc với đoàn Trung Quốc về việc này, nên có lúc tôi sang đưa điện cho ông Chu Ân Lai vào lúc 12 giờ đêm. Liên lạc với đoàn Liên Xô ít hơn, do đồng chí Trưởng đoàn gặp riêng ông Molotov. Với đoàn Pháp, trừ việc 2 chuyên viên về quân sự gặp nhau thường xuyên hơn, các đồng chí khác trong Đoàn phụ trách các vấn đề nội dung khác thì gặp bàn với đối tượng Pháp.

                                            Phạm Văn Minh lấy từ nguồn chinhphu.vn(Hải Kim)
 

Lên đầu trang