QĐND - Thứ Năm, 12/06/2014, 4:15 (GMT+7)
QĐND - Trận đánh bi hùng ít người biết đến: Một tiểu đoàn Quân giải phóng quần nhau với 7 tiểu đoàn Mỹ-ngụy suốt 8 ngày đêm. 500 cán bộ, chiến sĩ K8 và 200 bộ đội địa phương hy sinh.
Những đồng đội còn sống và nhân dân địa phương đã quyết định lấy ngày 28-4 hằng năm làm ngày giỗ cho các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận quyết tử tại làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế năm 1968. Một tiểu đoàn phải chiến đấu với lực lượng địch mạnh hơn cả chục lần. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, chấp nhận hy sinh không để lọt vào tay địch. Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ K8 và 200 bộ đội địa phương đã mãi nằm lại trên mảnh đất Phước Yên ngày ấy.
K8 ở đâu? Thuộc đơn vị nào? Tại sao phải mở đường máu và chấp nhận hy sinh lớn đến như vậy? Những câu hỏi ấy luôn trong suy nghĩ của chúng tôi trong hành trình tìm hiểu về K8. Bắt đầu từ giải mã ký hiệu đến việc lật lại hồ sơ, chúng tôi từng bước lần ra được đầu mối đơn vị.
Cựu chiến binh và nhân dân dâng hương tại Đài tưởng niệm K8.
K8-Tiểu đoàn 8 (nay là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5), được thành lập tháng 9-1954, trước khi tập kết ra Bắc theo Nghị quyết của Liên khu ủy 5 (họp ngày 27 và 28-7-1954). Quá trình chiến đấu, tiểu đoàn đã nhiều lần thay đổi phiên hiệu đơn vị, nằm trong đội hình chiến đấu của nhiều quân khu, quân đoàn và mặt trận. Cuối năm 1967, Tiểu đoàn 8 được biên chế về Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4.
Theo lời giới thiệu của Trung tá Nguyễn Văn Tuyển, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5, chúng tôi đã liên lạc được với Đại tá Nguyễn Đức Thuận, nguyên cán bộ trung đội của Tiểu đoàn 8 năm ấy. Mừng vui khôn xiết, ông Thuận đã cung cấp thêm tư liệu giá trị và dành nhiều thời gian trao đổi với chúng tôi về K8. Cũng từ đây, chúng tôi đã tìm ra được những nhân chứng còn sống trong trận đánh bi tráng diễn ra từ ngày 26-3 đến 4-4-1968 tại làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Mở đường máu sau 8 ngày huyết chiến
Vào cuối tháng 2-1968, sau khi chiếm lại thành phố Huế, địch dùng biện pháp chiến lược mới là "quét và giữ", đẩy lực lượng ta ra càng xa thành phố Huế càng tốt. Chúng còn đưa quân lên càn quét phía tây hai huyện Hương Trà và Quảng Điền là căn cứ của Mặt trận Thừa Thiên-Huế, đồng thời phong tỏa đường 12 nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 4 lệnh cho Trung đoàn 3: Tổ chức cho K8 luồn sâu xuống phía đông huyện Quảng Điền, phối hợp với lực lượng địa phương củng cố chính quyền cách mạng mới được thành lập trong Tết Mậu Thân, tạo nên những căn cứ cách mạng ở đồng bằng, đồng thời kéo giãn địch ra, tạo điều kiện cho tổng tiến công nổi dậy đợt 2.
Nhân dân địa phương đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ K8.
Ngày 15-3, K8 bắt đầu cơ động vượt Quốc lộ 1A qua đoạn từ Hương Sơn đến Hương Thạnh. Khu vực này, địch từ căn cứ Từ Hạ thường xuyên tuần tra kiểm soát. Các "ấp chiến lược" dọc đoạn đường chúng mới tổ chức lại, ta không có cơ sở bên trong nên phải mất 2 đêm, K8 mới vượt qua đường xuống đóng quân ở làng Thanh Lương, thuộc xã Quảng Ninh (nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền). Dừng chân tại Thanh Lương được 2 ngày thì K8 bị lộ. Đơn vị phải tổ chức chống càn liên tục suốt 5 ngày, tiêu diệt được 46 tên Mỹ.
Với nhiệm vụ chủ yếu là củng cố chính quyền cách mạng, Đảng ủy, chỉ huy K8 quyết định rút khỏi Thanh Lương tiến sâu xuống các thôn thuộc 2 xã Quảng Ninh và Quảng Đại (nay là Quảng Thọ và Quảng An). Trong thời gian này, ở phía đông Quảng Điền, K8 đã cùng du kích tổ chức nhiều trận chiến đấu nhỏ lẻ, có trận diệt 15 tên Mỹ, cùng địa phương tham gia củng cố chính quyền, xây dựng các phong trào cách mạng. Đến 4 giờ ngày 26-3, K8 hành quân trở lại làng Phước Yên, một ngôi làng nằm ven sông Bồ, một thời là thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, cách thành phố Huế khoảng 15km về phía đông bắc (thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền). Biết K8 đang xây dựng phong trào cách mạng trong nhân dân, bọn địch tìm mọi cách để phát hiện dấu vết của đơn vị. Thông tin chính xác từ bọn tề điệp báo về: “K8 đang ở Phước Yên” đã làm cho địch hí hửng. Chúng thực hiện một kế hoạch bủa vây, ép K8 đầu hàng.
8 giờ ngày 26-3, hai tiểu đoàn Mỹ và năm tiểu đoàn ngụy đổ quân xuống cánh đồng trước làng Phước Yên. Một vòng vây khép kín được hình thành. Nơi nào không có quân vây, chúng dùng dây thép gai rào lại. Đến 10 giờ, chúng dùng loa có công suất lớn ra tối hậu thư buộc K8 phải đầu hàng. Đáp lại lời bọn chúng là những loạt đạn cối, trung liên, AK của cán bộ, chiến sĩ K8 nổ giòn giã. Bọn địch cay cú trút bom đạn xuống làng Phước Yên với mật độ dày đặc. Sau gần 1 tuần liên tục chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ K8 đã quần nhau với 7 tiểu đoàn địch có hỏa lực mạnh hơn gấp hàng chục lần, đã tiêu diệt hơn 200 tên Mỹ. Tuy nhiên, K8 cũng bị tổn thất nặng nề, hơn hai phần ba quân số bị thương vong. Chiều ngày 3-4, tình huống trở nên nguy cấp. Tiểu đoàn 1 được lệnh của Trung đoàn 3 vào giải vây cho K8 nhưng không thành công. Trên hướng của Đại đội 2, trong khi cán bộ đại đội và phái viên cấp trên đang họp bàn tìm cách đối phó với địch, không khí cuộc họp vô cùng căng thẳng, thì xạ thủ B41 Đỗ Xuân Cường bước vào trình bày phương án mở đường máu cho đơn vị rút ra ngoài. Muốn thực hiện phương án đó, phải có một tổ từ 2 đến 3 người xung phong vượt qua vòng vây quân địch. Nghe Cường trình bày, cả cuộc họp lặng đi. Xét thấy không còn cách nào tốt hơn nên mọi người chấp thuận phương án của Cường. Hai chiến sĩ Cường và Quy xung phong thực hiện. Tất cả đạn B41 của đại đội gom lại còn được 14 quả, chất đầy hai sọt của Cường và Quy. Cường xông ra giữa vòng vây quân thù. Theo sau Cường là Quy với giỏ đạn trên lưng. Trên đường mở đường máu từ Phước Yên qua Quốc lộ 1A lên Hương Sơn, Hương Thạnh, Cường đã bắn 14 quả đạn B41 diệt nhiều thiết giáp và bộ binh địch, thu hút địch về phía mình. Chớp thời cơ đó, lực lượng còn lại của K8 tổ chức phá vòng vây. Tối 4-4, toàn bộ K8 chỉ còn lại hơn 46 người vượt ra ngoài vòng vây, trong đó có Tiểu đoàn trưởng và cán bộ tác chiến Quân khu...
Nhân chứng K8 ngày ấy-bây giờ
Khó khăn lắm chúng tôi mới liên lạc được với ông Đỗ Xuân Cường, xạ thủ B41 đã anh dũng chiến đấu nghi binh lừa địch cho K8 thoát khỏi vòng vây năm ấy. Thật buồn, ông Cường đang nằm điều trị tai biến mạch máu não trong Bệnh viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Dù rất yếu nhưng ông Cường vẫn kể cho chúng tôi những ký ức năm ấy. Đó là vào đêm 4-4-1968, trong khi cùng với đồng chí Quy sử dụng B41 tiêu diệt và thu hút địch về một phía, Đỗ Xuân Cường đã bị thương nặng, máu chảy nhiều rồi lịm dần. Đồng đội nghĩ Đỗ Xuân Cường đã chết, liền đào vội 1 hố lấp xác Cường rồi rút đi. Hôm sau, địch vào tảo trừ thì phát hiện Cường còn sống đã bắt đưa về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi tỉnh lại, Đỗ Xuân Cường đã nhanh trí đổi tên là Đỗ Hồng Xuân và trốn viện 2 lần nhưng thất bại. Tháng 5-1969, địch đưa người tù cứng đầu này ra nhà tù Phú Quốc. Sau ngày giải phóng, ông Cường trở lại cuộc sống đời thường với thương tật 81%, vẫn còn mảnh đạn trong đầu, liệt nhẹ nửa người và bị động kinh… Cuộc đời ông ngỡ như huyền thoại nhưng cũng lâm vào nhiều tình tiết éo le, ly kỳ. Gia đình sống ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng mỗi lần gặp mặt đồng đội ở Huế, bao giờ ông cũng đến sớm vài ngày về những nơi mình từng chiến đấu để tìm hài cốt đồng đội.
Đại tá Nguyễn Đức Thuận cũng là một trong những người may mắn sống sót trong trận huyết chiến này. Ông kể: Quá trình mở đường máu vượt ra khỏi vòng vây, tôi bị thương nặng ngất đi. Cũng may, Tiểu đoàn 1 khi vào ứng cứu đã phát hiện ra tôi nằm bên bờ sông Bồ và đưa tôi đi trong đêm nhưng vẫn không thoát khỏi vòng vây của địch. Đơn vị đã gửi tôi lại một cơ sở nội tuyến, đó là cơ sở của đồng chí Phạm Thị Thiệu, đảng viên hoạt động hợp pháp trong vùng địch. Các gia đình nòng cốt ở đây đã che chở cho tôi, cất giấu tôi dưới hầm bí mật, nuôi dưỡng và điều trị vết thương cho tôi dưới lòng đất. Thời gian sau đó, khi bình phục, tôi đã trở lại đơn vị và tiếp tục chiến đấu…
Câu chuyện bi tráng của Tiểu đoàn cảm tử còn được tái hiện qua lời kể của nhiều cựu chiến binh mà chúng tôi liên lạc được, đó là CCB Nguyễn Văn Lượng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa); Nguyễn Văn Thắng, Cao Xuân Phụ, Hồ Văn Hoang (Thừa Thiên-Huế)… Mỗi câu chuyện là những ký ức đau thương nhưng đầy tự hào, kiêu hãnh trong trận đánh của K8 bi tráng và anh hùng.
Hài cốt liệt sĩ và câu chuyện vinh danh
Đài tưởng niệm các liệt sĩ K8 đã được xây dựng ngay tại địa điểm mà cán bộ, chiến sĩ K8 mở đường máu vượt vòng vây năm xưa. Công trình do nhân dân Phước Yên và các cựu chiến binh quyên góp xây dựng. Ngày khởi công xây dựng đài tưởng niệm, trong khi đào đất dựng bia, mọi người đã phát hiện nhiều hài cốt liệt sĩ. Ít lâu sau, trong khi thi công công trình giao thông nội đồng tại đập Hóp, làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, nhân dân đã phát hiện ra nhiều hài cốt liệt sĩ trong lòng đất. Họ hy sinh trong tư thế đang chiến đấu, bên người vẫn còn mang vũ khí và quân trang, quân dụng…
Khi tìm hiểu về sự kiện này, chúng tôi luôn day dứt và tự hỏi: Tại sao một tiểu đoàn cảm tử, với bao chiến tích cùng trận huyết chiến bi hùng ở làng Phước Yên như thế sao vẫn chưa được nhiều người biết đến và vinh danh? Còn biết bao nhiêu chiến sĩ K8 đã hy sinh trong trận chiến đấu ấy? Hài cốt các anh, những ai đã tìm thấy, những ai vẫn còn nằm trong lòng Đất Mẹ?...
Các anh đã dựng lên một tượng đài quả cảm trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những con người cảm tử ngày ấy - cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 (K8) rất xứng đáng được vinh danh danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đây là tâm nguyện thiết tha của nhân dân xã Quảng Điền và các cựu chiến binh K8 còn sống. Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5 cũng đang hoàn tất hồ sơ với mong muốn K8 được vinh danh trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn vào tháng 9 năm nay.
Ông Nguyễn Đức Thuận khi liên lạc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân vẫn nhắc đi nhắc lại một điều: Đề nghị các cơ quan chức năng nên vào thực tế tại địa phương để nghe nhân chứng kể và nhân dân truyền khẩu lại về sự kiên cường, dũng cảm của K8, để có phương án tổ chức khai quật hài cốt đồng đội đang nằm dưới lòng đất. Đề nghị Nhà nước quản lý Đài tưởng niệm K8, xây dựng thành khu di tích. Một việc làm hết sức quan trọng nữa là tổ chức giải mã tên, phiên hiệu đơn vị, thông tin cho các gia đình có người thân hy sinh trong trận chiến đấu này được biết...
Văn Minh lấy từ nguồn QĐND.VN(Bài và ảnh: TRỊNH VĂN DŨNG)