26/12/24 11:19

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU RÚT KINH NGHIỆM VỤ ÁN HÌNH SỰ BỊ HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU HỦY ÁN ĐỂ ĐIỀU TRA LẠI

Ngày 06/12/2024, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đỗ Nhật Trường cùng đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nội dung cụ thể: 

Trong các ngày 06/10/2023 và 14/11/2023, tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nguyễn Đỗ Nhật Trường và Hoàng Ngọc Long Quân cùng đồng phạm đã tập hợp lực lượng để đánh nhau. Vụ thứ nhất, vào ngày 06/10/2023, hai nhóm đối tượng trên hô hào, la hét, dùng phương tiện là xe mô tô, dùng hung khí là dao tự chế, vỏ chai bia, đá chọi vào nhau trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, khu phố Hồng Lan, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Vụ thứ hai, vào ngày 14/11/2023, hai nhóm đối tượng trên chuẩn bị phương tiện là xe mô tô và công cụ gồm dao, rựa, ba chĩa, kiếm tự chế, vỏ chai bia la hét, đuổi đánh nhau trên nhiều tuyến đường thuộc thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hậu quả làm đối tượng Trịnh Hoàng Phúc bị thương với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 36%.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 63/2024/HSST ngày 31/5/2024 của Tòa án nhân dân huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định:

+ Các bị cáo Lê Minh Trung Hiếu, Lương Vĩnh Phát, Đỗ Thông, Lương Vĩnh Đạt, Cao Hoàng Phúc đồng phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

+ Các bị cáo Võ Hoàng Hiệp, Nguyễn Chí Tài, Nguyễn Ngọc Khánh, Trần Hữu Cao Sang phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 126/2024/HS-PT ngày 06/12/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 63/2024/HS-ST ngày 31 tháng 5 năm 2024 của Tòa án nhân dân huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra lại theo quy định pháp luật.

Ngày 23/12/2024, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện về các nội dung sau:

- Thứ nhất, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được nên phải hủy án để điều tra, bổ sung lại, cụ thể: 

Đối với hành vi của các bị cáo: Lê Minh Trung Hiếu, Lương Vĩnh Phát, Đỗ Thông, Lương Vĩnh Đạt, Cao Hoàng Phúc cùng với các bị cáo Nguyễn Đỗ Nhật Trường, Hoàng Ngọc Long Quân, Hồ Viết An, Nguyễn Huỳnh Sơn, Hồ Hoàn Kiếm, Trần Hữu Cao Sang, Phan Văn Hậu, Nguyễn Văn Huy, Hoàng Nhật Phy, Trương Công Thành, Nguyễn Ngọc Khánh và Trịnh Hoàng Phúc có hành vi cùng nhau tập hợp lực lượng, chuẩn bị hung khí là dao bầu, ba chĩa, vỏ chai bia, kiếm tự chế la hét, đuổi đánh nhau trên nhiều tuyến đường thuộc thị trấn Ngãi Giao, là nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Khi tới trước số nhà 99 đường Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì Trịnh Hoàng Phúc cầm 01 cây rựa và Phát cầm cây ba chĩa dài (đã gãy mũi) đánh nhau. Phát đánh trúng vào chân làm Phúc té ngã xuống bậc thềm nhà thì Hiếu cầm 01 con dao bầu chém nhiều nhát trúng vào vùng đầu, tay; Thông cầm mũi cây ba chĩa đâm trúng vào bụng, chân; Đạt cầm cục gạch đập trúng vào vùng đầu; Cao Hoàng Phúc dùng chân đạp vào vùng đầu rồi giật cây rựa trên tay của Trịnh Hoàng Phúc chém vào chân Trịnh Hoàng Phúc gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 36%.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo Lê Minh Trung Hiếu, Lương Vĩnh Phát, Đỗ Thông, Lương Vĩnh Đạt, Cao Hoàng Phúc không cố ý tước đoạt sinh mạng của Trịnh Hoàng Phúc vì khi đã đánh Phúc té ngã, các bị cáo đã dừng lại. Khi Phúc đứng dậy, không có bị cáo nào tiếp tục đánh Phúc nữa. Do đó, không đủ căn cứ để khởi tố các bị cáo nêu trên về tội “Giết người”.

Tuy nhiên, qua lời khai của các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm các bị cáo đều khẳng định: “Khi Trịnh Hoàng Phúc được bị cáo Sơn đưa đi cấp cứu, các bị cáo còn ngăn cản không cho Sơn đưa Phúc đi. Khi Trịnh Hoàng Phúc được Sơn chở đi thì Phát đuổi theo đến Trung tâm y tế huyện Châu Đức đập phá và tìm Phúc để đánh nhưng được mọi người trong nhóm can ngăn nên Phát bỏ về”. Như vậy, từ các hành vi khách quan của các bị cáo: Dùng hung khí nguy hiểm (dao bầu, gạch, gậy 3 chĩa) tấn công vào vùng trọng yếu (đầu, bụng); Ngăn cản không cho bị hại đi cấp cứu điều trị thương tích. Có cơ sở xác định hành vi của nhóm đối tượng này có dấu hiệu của tội “Giết người”.

Ngoài hành vi trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của Trịnh Hoàng Phúc thì các bị cáo nêu trên còn có hành vi cùng nhau tập hợp lực lượng, chuẩn bị hung khí là dao bầu, ba chĩa, vỏ chai bia, kiếm tự chế la hét, đuổi đánh nhau trên nhiều tuyến đường thuộc thị trấn Ngãi Giao, là nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương là có dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự công cộng” nhưng không được cấp sơ thẩm xem xét đến là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

- Thứ hai, về việc áp dụng pháp luật (vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật): Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điều 54, điều 65 Bộ luật Hình sự không đúng dẫn đến xử phạt dưới khung hình phạt; trả tự do cho một số bị cáo tại phiên toà không đúng. Ngoài ra, áp dụng điểm i khoản 1 Điều 51 không đúng hướng dẫn tại Mục 4 Phần I Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07-4-2017 của Tòa án nhân dân tối cao về tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự).

Đối với vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nghiên cứu, quán triệt, rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

 

    Tin, bài: Nghiêm Thị Lan Hương – Phòng 7

Lên đầu trang