GS, TS Nguyễn Chí Hiếu
Tạp chí Cộng sản
ngày 04-12-2024
Những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức của Việt Nam trong bối cảnh kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, luôn xuất hiện cùng nhau, đan xen nhau. Việc nhận diện rõ những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đó có vai trò, ý nghĩa quan trọng, là cơ sở xây dựng những chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô và đề xuất được những giải pháp cụ thể, mang tính hệ thống, khả thi để khắc phục khó khăn, tận dụng mọi thời cơ cho công cuộc phát triển đất nước nhanh, bền vững, vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm với nhân dân tỉnh Hưng Yên_Ảnh: TTXVN
Trên cơ sở đánh giá đúng thời cơ, thách thức, thế và lực của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định rõ dấu mốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng; từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại(1). Thực tế cho thấy, đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện; thế và lực của đất nước ngày càng tăng trên trường quốc tế, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Rõ ràng, đây là thuận lợi to lớn, tạo điều kiện cần thiết, chín muồi để Đảng ta đề ra chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ Đại hội XIV sắp tới.
Trong công cuộc đổi mới đất nước gần 40 năm qua, những thành tựu mà chúng ta đạt được là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%). Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ các năm trước đã được tập trung giải quyết và đạt những kết quả bước đầu. Chất lượng tăng trưởng cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm và có bước cải thiện; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, hiệu quả sử dụng nâng lên. Cán cân thương mại được cải thiện; xuất khẩu tăng nhanh. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện ba đột phá chiến lược đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân cải thiện rõ rệt. Uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được củng cố; Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trên thế giới; một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới; nhất là trong quá trình chuyển dịch sản xuất hiện nay trên thế giới. Việt Nam tái đắc cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, với số phiếu gần như tuyệt đối, 192/193 phiếu. Việt Nam cũng trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025… Những thành tựu này khẳng định uy tín của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật. Nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã đem lại kết quả tích cực; dịch bệnh bị đẩy lùi, kinh tế khôi phục, phát triển nhanh chóng trở lại, đời sống của nhân dân giữ được ổn định, nhất là khi kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát, suy thoái kinh tế ở các nước là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu… Nhiều chỉ số quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện và vươn lên trên các bảng xếp hạng quốc tế, như Top 30 các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022; xếp vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); nhiều chỉ số không ngừng được tăng cao, như chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), chỉ số các nước an toàn nhất, chỉ số Quốc gia hạnh phúc…
Hòa bình, hợp tác, toàn cầu hóa vẫn là xu thế lớn, dù gặp nhiều thách thức của chiến tranh, xung đột cục bộ, chiến tranh thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Nhân loại đã từng chứng kiến 2 cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, nhiều cuộc chiến tranh cục bộ, “chiến tranh ủy nhiệm”, “chiến tranh lạnh” ở thế kỷ XX, để lại nhiều hy sinh, mất mát, bất hạnh cho nhân dân các nước. Đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ucraina, Israel - Iran đang diễn ra hiện nay gây ra sự lo lắng và để lại nhiều hệ lụy khó lường trong quan hệ quốc tế, “bàn cờ chính trị” giữa các nước trên thế giới, nhất là giữa các nước lớn. Dù vậy, hòa bình vẫn là khát vọng chung của mọi lực lượng tiến bộ trên thế giới. Thế chiến lược cân bằng tiếp tục được tạo ra do hình thành “đa trung tâm quyền lực”, “nhiều cực phát triển”. Song, tranh giành lãnh thổ, nguồn tài nguyên, vị trí địa - chiến lược cùng các mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo… vẫn tiềm ẩn nguy cơ khiến cho chiến tranh, xung đột cục bộ còn xảy ra ở nơi này hay nơi khác, hình thức này hay hình thức khác.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng theo các hiệp định tự do thế hệ mới làm cho không chỉ lĩnh vực kinh tế, mà tất cả các lĩnh vực của đời sống đất nước chịu tác động mạnh mẽ, thường xuyên, trực tiếp của các yếu tố bên ngoài. Tự do hóa thương mại làm cho các luồng đầu tư, di chuyển lao động, thuế khóa hầu như không còn tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nền kinh tế đất nước ngày càng tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cho tình trạng tùy thuộc nhau ngày càng chặt chẽ. Hội nhập bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế mở rộng sang các lĩnh vực phi kinh tế, trong đó có vấn đề quyền con người như là giá trị phổ quát, xây dựng luật pháp, hợp tác quốc phòng - an ninh, trao đổi lý luận,… giữa các nhà nước, chính đảng khác nhau về ý thức hệ. Hội nhập quốc tế thúc đẩy giao lưu văn hóa, du học, chia sẻ thông tin… ngày càng mạnh mẽ. Hội nhập quốc tế không chỉ mang lại cơ hội mà cả thách thức đan xen, nhất là trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo vệ thị trường nội địa, giữ vững độc lập về chính trị, hoạch định luật pháp, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh có hiệu quả trước các hoạt động lợi dụng toàn cầu hóa để chống phá Đảng, Nhà nước, nhất là chống phá trên lĩnh vực ý thức hệ tư tưởng và lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, nhân quyền” để hòng xuyên tạc, bóp méo, hạ thấp thành tựu phát triển của đất nước ta.
Những thập niên tới, thế giới tiếp tục đối mặt với những vấn đề nan giải toàn cầu mà từng nhà nước, dân tộc không thể tự mình giải quyết được, thúc đẩy hợp tác toàn cầu dưới những hình thức khác nhau để ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Nguy cơ chạy đua vũ trang, xung đột quân sự, tranh chấp lãnh thổ hay tranh giành các không gian chiến lược mới (vũ trụ, đáy biển, Bắc Cực, Nam Cực…), nhất là chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa nước lớn trỗi dậy,… đe dọa đến hòa bình và phát triển. Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy thoái môi trường, dịch bệnh lây lan nhanh, an toàn lương thực, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, tài nguyên nước, tình trạng sa mạc hóa,… khiến các nước phải hợp tác, bắt tay nhau để cùng chung sức hành động. Phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước pháp quyền, tham gia toàn cầu hóa, nhiều vấn đề tiến bộ xã hội đặt ra ở từng quốc gia khiến các chính phủ phải đối mặt, rộng hơn là hợp tác trên quy mô toàn cầu để chia sẻ và thúc đẩy, như các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, bảo vệ tính đa dạng của sinh học, bản sắc văn hóa dân tộc...
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi nền sản xuất vật chất và tinh thần, rút ngắn khoảng cách giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ khi được số hóa, hình thành phương thức sản xuất thông minh; làm cho các lĩnh vực hoạt động tinh thần thuần túy trước đây trở thành các ngành kinh tế phi vật chất gắn với đổi mới sáng tạo; làm cho quan niệm giá trị tài sản, của cải không chỉ là những vật chất cụ thể có thể quan sát, đo lường bằng phương pháp thông thường mà có khi, đó còn là những cái vô hình như thương hiệu, giá trị lịch sử - văn hóa, bản quyền, sở hữu trí tuệ… Ngày nay, nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, các phương tiện giao thông và thông tin hiện đại mới cho phép con người vượt qua các giới hạn không gian và thời gian, tạo điều kiện đẩy mạnh sự giao lưu về mọi mặt từ kinh tế mậu dịch, đầu tư, du lịch đến văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh.
Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế, quyền con người ngày càng được đề cao là vấn đề lớn về nhận thức lý luận và thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới sắp tới. Quản lý phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, xã hội phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra trước hết phải có hệ thống pháp luật công bằng, không thiên vị, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế, dần loại bỏ những điểm trước đây được xem là “đặc thù”. Luật pháp đó phải lấy con người làm trung tâm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người chân chính, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn đòi hỏi phải hoàn thiện chế độ kiểm soát quyền lực, phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ tha hóa quyền lực, đặt ra những vấn đề mới về nhận thức và tổ chức thực tiễn cơ chế tổ chức các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữa quyền lực trung ương và địa phương, giữa quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội. Hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới là nhu cầu tất yếu khi dân chủ hóa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… ngày càng được mở rộng và nhân dân đòi hỏi ngày càng cao hơn. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, dân chủ trong Đảng, dân chủ trong bầu các cơ quan nhà nước, dân chủ về mặt tư tưởng, học thuật có vai trò quan trọng để phát huy cao nhất sức mạnh con người phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, lý luận về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải tiếp tục được nghiên cứu sâu sắc, xem đây là cách thức khơi dậy các nguồn lực và phát huy động lực để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Kinh tế thị trường vừa tạo cơ hội phát triển, vừa tạo sức ép, thách thức cho quá trình phát triển. Bên cạnh những ưu điểm, thị trường cũng có những mặt trái và “khuyết tật”, có ảnh hưởng tới con người và xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới; cụ thể là: (i) Các lực lượng có lợi thế trên thị trường thường tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách hướng lái chính sách của nhà nước, giành lấy các cơ hội tiếp cận thông tin và nguồn lực có lợi, hình thành nên “nhóm trục lợi”, đe dọa đến lợi ích của các lực lượng ít có lợi thế hoặc các nhóm yếu thế trong xã hội; (ii) Doanh nghiệp thường chỉ theo đuổi và làm cái gì có lợi nhuận, mà ít chú ý đến các hàng hóa công cộng, lợi ích công cộng (khi ít hoặc không đem lại lợi nhuận); (iii) Kinh tế thị trường lấy phân bổ kết quả sản xuất theo lao động, theo vốn đóng góp, gây nên tình trạng phân cực giàu - nghèo, bất bình đẳng xã hội, nhất là tình trạng nghèo của những người không có cơ hội tiếp cận nguồn lực, người gặp rủi ro, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; (iv) Tìm kiếm, tối đa hóa lợi nhuận nên doanh nghiệp thường có thiên hướng hy sinh các lợi ích công cộng, thậm chí có doanh nghiệp còn bất chấp cả những việc làm suy đồi đạo đức (như hy sinh môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng, làm hàng giả, hàng kém chất lượng…); (v) Tính tự phát của kinh tế thị trường dẫn đến các cuộc khủng hoảng chu kỳ hoặc suy thoái, gây ra các hệ lụy khôn lường cả về kinh tế và xã hội. Đồng thời, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam còn những hạn chế, bất cập, có tác động không nhỏ, như quyền sở hữu tài sản và bảo hộ sở hữu tài sản còn yếu; trình độ phát triển của các loại thị trường còn thấp, cải thiện chậm, giá cả của các nhân tố sản xuất bao gồm vốn, đất đai, lao động, tài nguyên thiên nhiên vẫn có những mặt chưa theo quy luật thị trường; vị trí, vai trò và chức năng của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước vẫn còn có yếu tố chưa phù hợp với tiêu chí, thông lệ của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất bằng công nghệ hiện đại tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh_Ảnh: TTXVN
Vì vậy, nền kinh tế thị trường cũng tạo ra những sức ép, thách thức không hề nhỏ đối với chiến lược phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: (i) Tính năng động của khu vực tư luôn đặt khu vực công trước nguy cơ trì trệ, “chảy máu chất xám” nếu chậm đổi mới chính sách tiền lương và dân chủ hóa môi trường làm việc; (ii) Nguy cơ “chảy máu chất xám” ra nước ngoài trong cuộc cạnh tranh nhân tài gay gắt mà lợi thế luôn thuộc về các nước phát triển; (iii) Định hướng chính trị, tư tưởng cho trí thức gắn với xây dựng liên minh công - nông - trí khó khăn hơn, khi trí thức có xu hướng làm việc tự do gắn với doanh nghiệp, nhiều hơn là tham gia trong khu vực nhà nước.
Mức sống và chất lượng sống của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, từ thụ hưởng đời sống vật chất đến đời sống văn hóa - tinh thần. Nhân dân khi đã được thỏa mãn các nhu cầu thông thường (ăn no, mặc ấm) thì sẽ phát sinh nhu cầu bậc cao như: tự do, dân chủ, an ninh, an toàn, khẳng định năng lực bản thân… Đây là những thách thức không nhỏ khi bước sang các giai đoạn, trình độ phát triển cao hơn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới sắp tới. Quản lý phát triển xã hội đặt ra những yêu cầu mới trong bối cảnh quy mô kinh tế ngày càng lớn hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng, trình độ phát triển cao hơn, cơ cấu xã hội đa dạng hơn, tâm lý xã hội phức tạp hơn. Những vấn đề xã hội phát sinh từ quá trình phát triển nếu không được nhận diện, quan tâm, xử lý kịp thời, căn cơ thường dẫn tới xung đột xã hội, tạo lực cản cho phát triển bền vững. Nhiều vấn đề xã hội xuất hiện luôn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm cơ sở hoạch định chính sách hiệu quả, như: nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội trong nền kinh tế thị trường, di cư nông thôn - đô thị, già hóa dân số, bảo hiểm y tế toàn dân... Thực tiễn phát triển mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Bối cảnh mới với sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa tình hình thế giới và trong nước, mỗi chính sách trong nước không thể không tính toán đầy đủ yếu tố quốc tế, đòi hỏi tầm nhìn rộng và sâu hơn; đất nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới thì đồng thời cũng sẽ xuất hiện những thách thức mới khó giải quyết hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nhu cầu của nhân dân cao hơn; cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thách thức ngày càng gay gắt hơn; các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường gắn bó chặt chẽ, đòi hỏi một năng lực tư duy lãnh đạo, quản lý sắc bén hơn, đa diện hơn, toàn diện hơn trong nhận diện và xử lý các vấn đề đặt ra; không gian và môi trường chiến lược cho phát triển đất nước rộng mở hơn nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Điều đó khiến cho công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, gồm cả những rào cản bên trong thuộc cơ chế, thể chế lãnh đạo, chỉ đạo và những thách thức từ bối cảnh bên ngoài.
Cơ động xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, nhưng đồng thời cũng chứa đựng sự phức tạp, đan xen nhau về kết cấu và sự biến động về tính chất của tầng lớp trong xã hội. Thực tế phát triển qua gần 40 năm đổi mới cũng cho thấy, còn có sự bất cập trong đánh giá về vị thế và uy tín nghề nghiệp trong xã hội, dẫn đến sự phản ánh chưa đúng giá trị nghề nghiệp, làm méo mó và nảy sinh nhiều tiêu cực trong quá trình di động nghề nghiệp của cá nhân: Những ngành nghề đòi hỏi phải có trình độ, nhiều “chất xám” như giáo viên, nhà khoa học... có vị thế chưa tương xứng trong xã hội. Bên cạnh đó, cơ chế và hình thức di động nghề nghiệp ở nước ta trong thời gian qua còn biểu hiện thiếu lành mạnh, chưa thực sự công bằng giữa các cá nhân. Còn tình trạng không ít cá nhân thăng tiến vị trí nghề nghiệp nhanh, nhưng chủ yếu dựa vào các yếu tố quan hệ thân hữu, chưa thực sự dựa vào năng lực và sự cạnh tranh tài năng giữa các cá nhân một cách bình đẳng, vẫn diễn ra một cách nhức nhối, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thực trạng này đặt ra những vấn đề bức thiết cần làm rõ từ phương diện lý luận và thực tiễn, từ đó đề ra được quyết sách phát triển đúng đắn trong kỷ nguyên phát triển mới, đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin, sự mong mỏi của nhân dân về những kỳ tích phát triển của đất nước ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Thể chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, cũng như đối với từng lĩnh vực. Theo đó, xây dựng thể chế, chính sách phù hợp là một trong các tiền đề - điều kiện cho phát triển hiệu quả, bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới. Một thể chế phù hợp, tiến bộ sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự đổi mới và phát triển; ngược lại, một thể chế không còn phù hợp sẽ trở thành lực cản kìm hãm sự sáng tạo, khát vọng, tâm huyết và hiệu quả hoạt động của các chủ thể trong xã hội. Bản thân thể chế, chính sách cũng không phải là bất biến, mà nó phải được liên tục đổi mới, hoàn thiện và phát triển cùng với sự phát triển và trình độ xã hội hóa ngày càng cao hơn của xã hội. Nâng cao chất lượng thể chế là khâu đột phá trong chính sách phát triển, trong đó có chính sách phát triển nhân tố con người. Tuy nhiên, hiện nay, đang có nhiều “điểm nghẽn” về thể chế, gây cản trở đến phát triển hạ tầng và nguồn lực, làm chậm bước phát triển của đất nước. Yêu cầu đặt ra cấp bách hiện nay là cần có sự đột phá về tư duy để giải quyết bài toán thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm(2). Vì vậy, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, là một định hướng quan trọng, giúp chúng ta có thể kế thừa những giá trị phổ quát của văn minh nhân loại, phát triển đất nước tiến bước cùng thời đại, thực hiện khát vọng phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phân tích, dự báo, xử lý thấu đáo tất cả những vấn đề mới đặt ra đều cần đến tri thức lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam, đủ sức đảm đương được sứ mệnh, nhiệm vụ nghiên cứu, tích cực tham mưu chính sách, chiến lược cho Đảng, Nhà nước để phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bên cạnh những thành tựu, thì thực tế cũng cho thấy còn không ít những thách thức, hạn chế, hay “khoảng trống” từ công tác nghiên cứu lý luận khi chưa làm rõ nhiều vấn đề lý luận mới, khó, phức tạp, nhất là liên quan đến xác định rõ hơn, sâu sắc hơn nội hàm, mục tiêu, phương thức, điều kiện để đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” trong thế kỷ XXI.
Chẳng hạn, cần tăng cường nghiên cứu lý luận về quốc gia - dân tộc, dân tộc - quốc gia và các khía cạnh mở rộng chủ quyền, lợi ích chiến lược, không gian sinh tồn, trình độ phát triển của quốc gia - dân tộc. Hiện nay, nghiên cứu lý luận về quốc gia - dân tộc còn khá hạn chế, trong khi đó quốc gia - dân tộc hiện đại đã biến đổi khác trước rất nhiều cả về mặt dân cư, nhà nước, lãnh thổ, chủ quyền, nền tảng kinh tế, bản sắc văn hóa, trình độ phát triển,… do tác động của toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế thị trường hiện đại, quản trị toàn cầu. Chính vì thiếu những luận cứ khoa học cho xây dựng quốc gia - dân tộc, nên chưa rõ khi xác định các trình độ phát triển của quốc gia - dân tộc, những điểm tương đồng và khác biệt giữa các loại hình quốc gia - dân tộc, sự mở rộng lợi ích quốc gia - dân tộc, tính đan xen, tương tác, chuyển hóa ngày càng lớn giữa những vấn đề quốc nội với quốc tế… Càng thiếu những nghiên cứu về quốc gia - dân tộc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, thời cơ và vận hội phát triển mở ra rộng lớn; tuy nhiên, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, nhất là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn diễn biến phức tạp, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... vẫn chưa được đẩy lùi có hiệu quả. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết chống phá, tăng cường gieo rắc thông tin xấu độc trên không gian mạng, nhằm xuyên tạc, bóp méo về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, thực hiện âm mưu xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra nhiều thách thức cũng như cơ hội đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cần đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trong bối cảnh các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá, kích động bạo loạn, lật đổ…, gia tăng lợi dụng các nền tảng truyền thông xã hội để đăng tải, phát tán tin bài, video… xuyên tạc, bôi nhọ, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là khi đất nước ta có những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng, như đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp… Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu; tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định, sức chiến đấu một số tổ chức đảng suy giảm, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa được đẩy lùi triệt để, còn phức tạp. Điều này gây tổn hại đến vị thế, uy tín của Đảng đối với nhân dân, tác động không tốt đến công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực tế này đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác cán bộ của Đảng. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết”(3).
Nhận diện rõ thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam có vai trò quan trọng trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, không ngừng tìm tòi, đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi để phát triển đất nước ta tiến bước cùng thời đại, thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với niềm tin và khí thế mới, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI./.
--------------------------
(1) Xem: GS, TS Tô Lâm: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1-11-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie
(2) Xem: “Toàn văn: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 21-10-2024, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-119241021113227895.htm
(3) GS, TS Tô Lâm: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, Tlđd