19/11/24 08:10

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn

     Công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn được xác định là một trong những công tác trọng tâm của Ngành, là nhiệm vụ thường xuyên được tập trung chỉ đạo. Lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn chú trọng triển khai, quán triệt đến toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên được phân công công tác này thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của Ngành để mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được kịp thời và đúng quy định của pháp luật, của Ngành.
     Trong thời gian qua, căn cứ vào các quy định của pháp luật, Chỉ thị, Quy chế, Quy định của ngành Kiểm sát điều chỉnh công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn (như: Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 28/7/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về “tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”; Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao; Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành theo Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao…) cũng như thực tế áp dụng các quy định đó vào công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn của VKSND hai cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh, những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót nhất định trong công tác này. Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn trong thời gian tới nhằm mục đích đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần được bảo vệ, giảm tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo… gửi vượt cấp, kéo dài. Với nhiệm vụ được phân công tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên cần vận dụng một số giải pháp sau đây:
     - Nghiên cứu, nắm vững các quy định về công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn; đặc biệt là các quy định mới về công tác này tại Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Quy chế số 222). Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên cần phải nâng cao trách nhiệm đối với công việc được giao nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất; cũng như không ngừng nâng cao tinh thần học hỏi đồng nghiệp qua kinh nghiệm thực tế, trao dồi kiến thức pháp luật chung, các Quy chế, Quy định riêng của Ngành và cập nhật các văn bản liên quan để áp dụng vào giải quyết công việc.
     - Đơn vị (bộ phận) giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần xác định chính xác nội dung đơn để chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo việc giải quyết đơn được kịp thời, nhanh chóng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa đơn vị (bộ phận) giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp với các đơn vị (bộ phận) nghiệp vụ trong quá trình giải quyết đơn, đặc biệt là đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát.
     - Đơn vị (bộ phận) giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần chủ động tham mưu lãnh đạo Viện trong việc thực hiện chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nói chung; tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn nói riêng. Thường xuyên đối chiếu, đôn đốc việc giải quyết đơn của các đơn vị (bộ phận) nghiệp vụ cũng như của các cơ quan tư pháp nhằm đảm bảo tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn đúng theo quy định.
     - Chủ động giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài (giải quyết đúng pháp luật, đúng quyền và lợi ích…); cũng như, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật và đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao hiểu biết, giúp người dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… tránh xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài xảy ra.
     - Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như triển khai việc phối hợp xây dựng các Quy định, Quy chế liên ngành về công tác này. Tuy nhiên, qúa trình phối hợp, cần xác định rõ quan điểm Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp đều là chủ thể tham gia phối hợp nhưng Viện kiểm sát có vị trí, vai trò là chủ thể tiến hành hoạt động kiểm sát, còn các cơ quan tư pháp là chủ thể bị kiểm sát tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn (đối tượng kiểm sát) để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, kiến nghị chấn chỉnh những, vi phạm, xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương, tăng cường hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp./.
     Tin bài: Hoàng Thị Ngọc, Thanh tra – Khiếu tố VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lên đầu trang