Khi còn bé không ít những người con thường được bố mẹ trêu đùa rằng: “sau này mẹ già rồi ai sẽ nuôi mẹ”? Các con đứa nào cũng nhanh nhảu trả lời không mảy may suy nghĩ: là con. Thực ra mong muốn lớn nhất của cha mẹ khi sinh con ra không phải là có người chăm sóc lúc tuổi già. Mong ước lớn nhất của cha mẹ chính là con mình mạnh khỏe, có cuộc sống đủ đầy về vật chất lẫn tinh thần, biết sẻ chia, biết yêu thương đó là món quà lớn nhất dành cho họ. Khi ông mặt trời chưa dậy bố mẹ đã phải thức giấc, khi con sốt ốm, con đói, con đau có bố mẹ nào ăn ngon ngủ yên. Bố mẹ yêu thương, quan tâm dành tất cả những điều tốt đẹp cho con là thế nhưng thực tế điều họ nhận lại là những xót xa chua chát. Tôi đã từng được xem bộ phim “Một Điều Ước” của đạo diễn Lý Hải, tôi đánh giá cao về tính chân thực của bộ phim nhưng cho đến hôm nay chính tôi lại là người thực tế giải quyết vụ án tranh chấp về nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già. Hi vọng những vụ án như thế này sẽ không còn trên thực tế nữa.
Gia đình ông A bà B có ba người con. Bà A chết để lại căn nhà chung cho ông A và ba con. Người con cả và con út từ chối nhận di sản thừa kế của mẹ để lại cho cha dưỡng tuổi già. Sau đó căn nhà chung của ông A, bà B được bán đi. Năm 2021 ông A về ở chung với người con giữa. Tranh chấp phát sinh kể từ khi ông A đổ bệnh phải cần người chăm sóc. Người con giữa cho rằng hiện nay mình đã sáu mươi ba tuổi không thể một mình nâng đỡ chăm sóc được bố. Ngoài ra bà còn phải chăm sóc một người con ung thư vì vậy bà khởi kiện yêu cầu anh trai và em út phải đến nơi hiện nay bố đang ở để chăm sóc bố, nếu không chăm được thì bỏ tiền ra để thuê người chăm sóc. Đối với vấn đề cấp dưỡng: Lương của người bố gần hai mươi triệu nên không yêu cầu cấp dưỡng. Bản án sơ thẩm tuyên xong cả ba người con đều kháng cáo. Bản án phúc thẩm tuyên người con giữa sẽ trực tiếp chăm sóc bố, người con cả đang bị bệnh, không có thu nhập nên trách nhiệm chăm sóc bố thuộc về người con giữa và con út. Buộc người con út phải trả tiền công chăm sóc bố cho chị mỗi tháng cho đến khi bố thay đổi người chăm sóc hoặc không có nhu cầu chăm sóc.
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực nhưng người con giữa tiếp tục khởi kiện lại. Các nội dung khởi kiện giống với nội dung Bản án phúc thẩm đã giải quyết nên Tòa trả lại đơn. Hiện nay người con này tiếp tục khiếu nại yêu cầu tòa phải thụ lý để giải quyết.
Luật HNGĐ 2014, Điều 111 quy định: “Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình”. Trong vụ án này người bố có tài sản, cụ thể là lương và trợ cấp gần 20 triệu/ 1 tháng nên không ai phải cấp dưỡng nuôi bố.
Về vấn đề chăm sóc: Người anh cả và em út cho rằng tiền lương của bố hàng tháng đều do người con giữa lĩnh nên phải có trách nhiệm chăm sóc cho bố. Nhận thấy, Điều 71 Luật HNGĐ quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.” Như vậy việc chăm sóc cha mẹ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của tất cả các con. Đây là công việc phải do tất cả các con cùng thực hiện. Ý nghĩa của việc tự tay chăm sóc cha mẹ thể hiện sự hiếu đạo của người con. Trong vụ án này cả ba người con đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên nếu không thể trực tiếp chăm sóc cho bố thì có thể thuê người đến chăm sóc.
Về số tiền lương của bố hàng tháng người chị giữa lĩnh và chi phí thực tế cho bố như nào chính người chị giữa hiểu nhất. Hiện tại người bố tinh thần không còn minh mẫn, ba người con đều khó khăn về kinh tế nếu tiền lương của bố chi cho các khoản phí ăn uống, khám chữa bệnh dư ra thì có thể chi trả cho tiền thuê người chăm sóc. Số tiền còn thiếu người không trực tiếp chăm sóc sẽ cùng nhau phải có nghĩa vụ. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực nên tôi không bàn luận thêm.
Vấn đề tị nạnh nhau giữa chị em trong gia đình chắc chắn sẽ không phải là hiếm. Tôi hi vọng vụ án này sẽ sớm khép lại, hi vọng những người trong cuộc sẽ bớt ganh tị nhau trong việc chăm sóc đấng sinh thành. Cha mẹ già như đèn dầu leo lắt trước gió sống được bao nhiêu ngày nữa để chứng kiến cảnh con ruột mình bất hòa với nhau, họ sẽ đau lòng mãi không thôi. Người xưa có câu: “Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó”, trái ta gieo hôm nay quả sẽ hái ở ngày mai. Hành động đẹp của cha mẹ hôm nay sẽ là tấm gương cho con cháu của mình học tập. Mong rằng người trong cuộc sẽ có phút lặng để tự nhìn lại, để hiểu và thương nhau hơn. Người có điều kiện thì chăm cha mẹ nhiều hơn một chút bù cho người không có điều kiện. Hoa hồng đỏ đâu cứ mãi thắm đỏ trên ngực áo để chờ đến một ngày ta biết hiếu.
Bài viết: Vũ Nhung - VKSND TP. Vũng Tàu