Cách đây 79 năm, đối với mỗi người con đất Việt thì ngày Quốc khánh 2/9 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, mặc dù không phải ai cũng được chứng kiến ngày đặc biết ấy. Đó là ký ức về ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập.
Vào 14 giờ chiều ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là lời khẳng định đanh thép về quyền con người, quyền dân tộc; sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc; về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do.
Ban đầu, ngày 2/9 được gọi là "Việt Nam độc lập" theo Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký ban hành. Ngày Quốc khánh khi ấy được quy định là ngày 19/8 theo Sắc lệnh 141 ngày 26/7/1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ký ban hành. Đến năm 1954, ngày 2/9 lần đầu được chính thức gọi là Quốc khánh (thể hiện tại “Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc Khánh 2-9” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành.
Với mỗi người Việt Nam, ngày Quốc khánh 2/9 được xem là một ngày lịch sử trọng đại, ngày nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Đây là một cột mốc chói lọi trong hành trình nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chúng ta luôn nhớ đến những công lao to lớn của các thế hệ cha ông đi trước và nhớ lại những chặng đường lịch sử gian khổ, hào hùng của dân tộc ta.
Tin bài: Nguyễn Văn Sơn – Viện KSND.TP Vũng Tàu