09/05/24 09:03

Vướng mắc về quy định pháp luật đối với phương thức bảo vệ quyền dân sự: Buộc xin lỗi, cải chính công khai

Qua nghiên cứu nhận thấy hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào là danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức. Cho nên ở một góc độ nào đó căn cứ trên các chuẩn mực đạo đức hội, quy tắc xử sự chung có thể hiểu danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức như sau: Danh dự là sự đánh giá của xã hội về một con người thông qua hành vi ứng xử của họ trong xã hội, một người được đánh giá là có danh dự là người có lòng tự trọng cao, trung thực, ngay thẳng, không tham lam, gian dối,… Vì vậy, họ được xã hội tôn trọng, quý mến. Nhân phẩm là những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người. Uy tín là sự tin tưởng, tín nhiệm và mến phục của mọi người dành cho một người nhất định. Họ có tầm ảnh hưởng lớn tới những mối quan hệ xung quanh và sự ảnh hưởng này được thể hiện ra một cách tích cực. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể là bằng lời nói hoặc cử chỉ hành động nhằm công kích, thóa mạ gây xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay, việc lợi dụng các mạng xã hội để đưa tin, hình ảnh của người khác không đúng sự thật, thông tin chưa được kiểm duyệt có thể làm ảnh hướng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong số những quyền nhân thân cơ bản của con người được quy định tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” và đã được cụ thể hóa tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Bên cạnh việc ghi nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, pháp luật còn có những quy định cụ thể để nhằm đảm bảo quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín. Theo đó, khi danh dự nhân phẩm uy tín của một cá nhân, danh dự uy tín của một pháp nhân bị xâm phạm, pháp luật sẽ buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân hay tổ chức đã bị xâm phạm. Những thiệt hại trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Trong một số trường hợp cụ thể, người đã có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, để bảo vệ quyền danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cũng có quyền khởi kiện ra Toà án yêu cầu người có hành vi làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín phải xin lỗi, cải chính công khai theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên có thể thấy rằng mặc dù ghi nhận về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quyền được bảo vệ danh dự, uy tín của tổ chức nhưng hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thành phần,… tiến hành xin lỗi và cải chính công khai dẫn đến khó khăn trong việc thi hành các bản án đã tuyên xử về buộc xin lỗi công khai. Không khó để tìm kiếm các bản án xét xử về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng buộc xin lỗi, cải chính công khai trong các vụ án bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân của Tòa án các địa phương trên toàn quốc còn thể hiện nhiều cách giải quyết khác nhau, cụ thể: có Toà án chỉ buộc xin lỗi công khai mà không quyết định địa điểm tổ chức xin lỗi ở đâu, có Toà án quyết định địa điểm tổ chức xin lỗi ở nơi cư trú, nơi làm việc của nguyên đơn, có Toà án chấp nhận việc xin lỗi trực tiếp tại Toà án… Việc tổ chức thi hành quyết định của Toà án về xin lỗi công khai cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù bản án của Toà án đã có hiệu lực nhưng trường hợp người có nghĩa vụ xin lỗi, cải chính mà không tự nguyện thi hành, thì biện pháp cưỡng chế buộc xin lỗi, cải chính được thực hiện như thế nào cũng chưa có quy định cụ thể. Từ những vướng mắc, bất cập liên quan đến vấn đề xin lỗi, cải chính công khai trong các vụ án bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, để tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, chúng tôi có ý kiến như sau:

Về xin lỗi: Quy định cụ thể về các hình thức thực hiện việc xin lỗi như: trực tiếp xin lỗi, đăng bài xin lỗi trên các nền tảng mạng xã hội hoặc đăng báo xin lỗi. Địa điểm xin lỗi, đối với xin lỗi trực tiếp là tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại. Đối với đăng bài xin lỗi trên các nền tảng mạng xã hội thì phải đăng bài trên các tài khoản đã sử dụng để đăng tải thông tin; Đối với đăng báo xin lỗi thì phải đăng trên 01 tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, trường hợp hậu quả có ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc thì phải cải chính trên báo Pháp luật Việt Nam trong 03 số liên tiếp.

Về cải chính công khai: Cần quy định và hướng dẫn việc cải chính công khai thông tin làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Hình thức cải chính công khai trực tiếp hoặc đăng báo. Đối với cải chính công khai trực tiếp thực hiện tại nơi cư trú hoặc là nơi làm việc của người bị thiệt hại cùng với việc tổ chức xin lỗi trực tiếp. Đối với việc đăng báo cải chính công khai phải đăng trên 01 tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, trường hợp hậu quả có ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc thì phải cải chính trên báo Pháp luật Việt Nam trong 03 số liên tiếp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Toà án trên thực tế cần hướng dẫn trình tự, thủ tục tổ chức xin lỗi, cải chính công khai và biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện xin lỗi, cải chính công khai. Việc nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về xin lỗi, cải chính công khai trong vụ án bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, pháp nhân là rất cần thiết nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, áp dụng và thi hành pháp luật.

                                                              
    Tác giả: Nguyễn Hồ Điệp - VKSND huyện Đất Đỏ

Lên đầu trang