Ngày 04/3/2024, VKSND huyện Châu Đức phối hợp với TAND huyện Châu Đức tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Tham dự phiên tòa có tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên trong đơn vị.
Vụ án được đưa ra xét xử là vụ án Phạm Trọng Bình, Nguyễn Tấn Lộc, Phạm Phú Quý, Nguyễn Ngọc Sơn, Đào Minh Long và Lâm Nhựt Anh bị truy tố về tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d, khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự.
Với những tài liệu, chứng cứ khách quan, thuyết phục được công bố tại phiên tòa, các bị cáo Phạm Trọng Bình, Nguyễn Tấn Lộc, Phạm Phú Quý, Nguyễn Ngọc Sơn, Đào Minh Long và Lâm Nhựt Anh đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, có thái độ ăn năn hối cải và mong muốn được giảm nhẹ hình phạt. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Trọng Bình mức án 03 năm 10 tháng tù; Nguyễn Tấn Lộc mức án 03 năm 07 tháng tù; Phạm Phú Quý mức án 03 năm 06 tháng tù; Nguyễn Ngọc Sơn, Lâm Nhựt Anh cùng mức án 03 năm tù và Đào Minh Long mức án 02 năm 06 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”.
Trong số 06 bị cáo thì có 05 bị cáo gồm Phạm Trọng Bình, Nguyễn Tấn Lộc, Phạm Phú Quý, Nguyễn Ngọc Sơn và Lâm Nhựt Anh đều đang chấp hành án đối với vụ án khác thực hiện tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. HĐXX đã tổng hợp hình phạt với hình phạt đã tuyên tại các bản án khác, buộc Phạm Trọng Bình phải chấp hành mức án 08 năm 06 tháng tù, Nguyễn Tấn Lộc phải chấp hành mức án 04 năm 06 tháng tù, Phạm Phú Quý phải chấp hành mức án 04 năm 03 tháng tù, Nguyễn Ngọc Sơn phải chấp hành mức án 05 năm 03 tháng tù, Lâm Nhựt Anh phải chấp hành mức án 02 năm 06 tháng tù.
Đáng nói hơn trong vụ án có 04/06 bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo chưa đủ 18 tuổi và đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở nhiều địa phương khác nhau, thể hiện sự tham lam, lười lao động, ham chơi và coi thường pháp luật, bên cạnh đó do thiếu sự quan tâm, giáo dục của các bậc cha mẹ dẫn đến việc các bị cáo dễ dấn thân vào con đường phạm tội. Đây cũng là lời cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh trong việc quan tâm, giáo dục con em mình, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Lãnh đạo VKSND huyện Châu Đức đã tổ chức họp đơn vị đánh giá về những ưu điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự.
Việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm, đã giúp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên trong đơn vị nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp, giúp Kiểm sát viên rút kinh nghiệm để áp dụng trong các vụ án tương tự và góp phần để nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp./.
Tin bài: Ngô Thị Hồng Phương - VKSND huyện Châu Đức.