18/10/23 08:35

Vai trò của dữ liệu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Dữ liệu là loại tài nguyên mới trên không gian số, được ví như 'trái tim' của chuyển đổi số, cần được phát huy tốt vai trò trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Vai trò đặc biệt của dữ liệu
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, dữ liệu là tài nguyên mới trên không gian số. Các cơ quan nhà nước đang tích cực xây dựng và mở tài nguyên này nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.


Các cơ sở dữ liệu đang được tích cực xây dựng, vận hành nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.
Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ông Tiến cho biết, để khai thác, phát huy hiệu quả dữ liệu trong chuyển đổi số, thời gian tới, một số nhiệm vụ quan trọng sẽ được triển khai, gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số, cơ sở dữ liệu; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia; đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; triển khai nền tảng số thu thập và quản lý dữ liệu; thúc đẩy, khai thác tiềm năng dữ liệu lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng quan điểm dữ liệu là tài nguyên mới không giới hạn, càng khai thác sử dụng càng mở rộng thêm nhiều dữ liệu và càng tăng thêm giá trị, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Công nghệ thông tin VNPT phân tích thêm: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.
Dữ liệu là “trái tim” của chuyển đổi số. Hạ tầng dữ liệu là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số. Khai thác, kết nối dữ liệu sự sống của nền tảng số quốc gia, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, là công cụ để đo lường và giám sát thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo ra cơ hội mới để định hình lại lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Ông Dương Công Đức, Giám đốc trung tâm Đô thị thông minh, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cũng cho rằng, chuyển đổi số bản chất là quá trình xây dựng, tạo lập, khai thác dữ liệu số, đảm bảo dữ liệu được “đúng - đủ - sạch - sống”, cung cấp thông tin, hỗ trợ ra quyết định, áp dụng vào quá trình sinh sống, sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành để tạo ra nhiều giá trị mới.
“Tại Anh, một nhân viên chỉ mất 15 phút để giúp Chính phủ tiết kiệm hàng triệu bảng Anh nhờ việc phát hiện các khoản chi trùng lặp trong dữ liệu chi tiêu công của chính phủ”, ông Đức dẫn một ví dụ minh họa.
Những việc cần làm để phát huy vai trò của dữ liệu trong chuyển đổi số
Xác định dữ liệu là “chìa khóa” để thúc đẩy chuyển đổi số, tại tỉnh Lào Cai, Chiến lược dữ liệu tỉnh được hoàn thiện.
Ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lào Cai cho biết, chiến lược dữ liệu tỉnh mang lại nhiều giá trị cho địa phương như: giúp các cơ quan trên địa bàn tỉnh nhìn nhận được sự hiệu quả của việc sử dụng dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở trong việc phát triển chính quyền số và đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số.
Góp phần tăng năng suất và chất lượng phục vụ của cơ quan với người dân, doanh nghiệp; hạn chế được việc đầu tư chồng chéo các hệ thống/phần mềm; giảm thiểu được việc cát cứ, phân mảnh dữ liệu.
Đặc biệt, chiến lược dữ liệu tỉnh giúp Lào Cai xác định cách tiếp cận mới trong việc lập kế hoạch chuyển đổi số, kế hoạch phát triển công nghệ thông tin của tỉnh là phải dựa trên nhu cầu quản trị, sử dụng và khai thác dữ liệu. Từ đó mới xác định là cần đầu tư hệ thống/phần mềm nào.
Tuy nhiên, Giám đốc Vũ Hùng Dũng cũng thẳng thắn nêu một số khó khăn, thách thức khi xây dựng chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai thời gian qua.
Theo đó, Trung ương chưa ban hành chiến lược dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành chưa ban hành đầy đủ chiến lược dữ liệu của ngành, chưa ban hành đầy đủ danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở; chưa ban hành đầy đủ danh mục các hệ thống/phần mềm chuyên ngành mà cấp địa phương cần thực hiện nên gây khó khăn trong việc xác định rõ căn cứ thực hiện.
Cùng với đó, đa số các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa nắm được bức tranh dữ liệu tổng thể của ngành mình, ảnh hưởng đến công tác thu thập, khảo sát lấy dữ liệu. Nhiều cơ quan còn lúng túng trong việc xác định các bài toán của đơn vị có thể giải quyết hiệu quả bằng phân tích, dự báo dữ liệu.
“Đây là việc làm mới, chưa có tỉnh/thành phố nào trên cả nước làm. Do vậy, chúng tôi chủ yếu tham khảo qua các tài liệu và xây dựng dựa trên góc nhìn giải quyết các bài toán mà chúng tôi nhận thấy.
Chúng tôi đã rà soát tất cả văn bản, định hướng của Chính phủ và của các bộ, ngành liên quan đến phát triển dữ liệu để đảm bảo Chiến lược dữ liệu tuân thủ theo định hướng của quốc gia và của bộ, ngành”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại tại địa phương.
Với góc nhìn của một doanh nghiệp đã hỗ trợ nhiều địa phương khai thác, phát huy vai trò của dữ liệu trong chuyển đổi số, ông Dương Công Đức lưu ý một số thách thức với các vấn đề xây dựng và khai thác dữ liệu như: hạn chế hoạt động chia sẻ dữ liệu do thiếu quy chế; thiếu cơ chế hợp tác; thiếu sự tin tưởng; chất lượng dữ liệu không đảm bảo; thiếu sự tương tác.
Khuyến nghị cơ chế, chính sách khai thác dữ liệu nhằm thúc đẩy nhanh Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ông Đức cho rằng, cần phải rà soát và hoàn thiện luật, chính sách liên quan tới dữ liệu số để bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo sử dụng dữ liệu.
Đồng thời, đảm bảo hạ tầng viễn thông, cloud (điện toán đám mây), IoT (Internet kết nối vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo), phổ cập di động và Internet để người dân tiếp cận rộng rãi dữ liệu số; xây dựng môi trường hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chia sẻ dữ liệu; đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng liên quan tới dữ liệu số.
Với quan điểm kết nối và liên thông dữ liệu là trách nhiệm của cả chính phủ và doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA phân tích: “Nếu doanh nghiệp không thể kết nối khai thác cơ sở dữ liệu thì không thể có những sản phẩm tốt, không thể tối ưu được vận hành, gây lãng phí cho xã hội.
Để tạo điều kiện khai thác dữ liệu cho doanh nghiệp, chính phủ cần quy định rõ doanh nghiệp như thế nào thì được kết nối, khai thác.
Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo… xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho phép nhiều doanh nghiệp và cá nhân chủ động kết nối, đóng góp, khai thác, giúp cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh hơn, doanh nghiệp cung cấp được dịch vụ tốt hơn, người dân thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, có rất nhiều nhu cầu kết nối của doanh nghiệp đang không được giải quyết, hoặc một số cơ sở dữ liệu bị độc quyền kết nối, trực tiếp làm quyền lợi của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng”.
Phải coi việc xây dựng cơ sờ dữ liệu quốc gia là trách nhiệm chung của cả chính phủ, các đơn vị trung gian kết nối và các tổ chức, cá nhân đóng góp dữ liệu.
Cần cho phép các doanh nghiệp công nghệ được phép kết nối miễn là đạt những tiêu chuẩn nhất định được chính phủ quy định, không độc quyền kết nối để đa dạng dữ liệu; cho phép doanh nghiệp, người dân khi thỏa mãn điều kiện được phép khai thác vì dữ liệu chỉ có giá trị khi được khai thác”, ông Quang khuyến nghị.
Tác giả: Hiền Minh
Nguồn: https://baomoi.com/vai-tro-cua-du-lieu-trong-tien-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia-c47248743.epi

Lên đầu trang