Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và bị đơn là Công ty cổ phần thương mại T, tôi xin trao đổi để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu, tham khảo như sau:
1.Tóm tắt nội dung vụ án: Ngày 02/7/2009, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại T (viết tắt là Công ty T) có Nghị quyết chấp thuận cho Chi nhánh 1 Công ty T (viết tắt là Chi nhánh 1) lập Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ gửi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đề nghị vay số tiền 30 tỷ đồng cho nhu cầu vốn lưu động.
Ngày 08/7/2009, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Chi nhánh 1 ký kết Hợp đồng tín dụng số 0198/KH/09NH và Hợp đồng cho vay hạn mức số 01/CV-0198/KH/09NH ngày 10/8/2012 với nội dung như sau: hạn mức tối đa là 35 tỷ, thời hạn rút vốn là 12 tháng, lãi suất áp dụng tùy theo thời điểm rút vốn, thời hạn vay 06 tháng tính từ ngày rút vốn thực tế.
Để bảo đảm cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng, Công ty T thống nhất dùng một số tài sản đứng tên cá nhân, hộ gia đình để thế chấp cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, trong đó có diện tích đất thuộc thửa thửa 83, tờ bản đồ số 1, xã Phú Mỹ (phường Tân Phú), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh thuộc quyền sử dụng của ông H và bà N.
Sau khi ký hợp đồng tín dụng thì Chi nhánh 1 rút vốn theo các Giấy nhận nợ và đã thanh toán được một số Giấy nhận nợ. Sau đó, Chi nhánh 1 không tiếp tục thanh toán, đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi theo nội dung hợp đồng đã cam kết, nên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty T thanh toán tiền nợ gốc còn lại là 11.228.493.726 đồng, nợ lãi trong hạn là 10.732.842.082 đồng và nợ lãi quá hạn là 4.996.387.406 đồng. Tổng cộng các khoản nợ Công ty T phải trả là 26.957.723.213 đồng.
Trường hợp Công ty T không trả nợ hoặc trả nợ không đúng, không đầy đủ thì Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được quyền phát mãi tài sản thế chấp quyền sử dụng đất thuộc thửa thửa 83, tờ bản đồ số 1, xã Phú Mỹ (phường Tân Phú), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sử dụng của ông H, bà N và tài sản khác để thu hồi nợ; đồng thời Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được quyền thu hồi nợ từ số tiền Công ty TNHH Thương mại H phải trả cho Công ty T theo Bản án số: 73/2011/KDTM-ST của Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
Tại Bản án kinh doanh - thương mại sơ thẩm số: 01/KDTM-ST ngày 28/02/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu đã tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đối với Công ty T.
1/ Buộc Công ty T có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam số nợ gốc là 11.228.493.726 đồng, trả số nợ lãi là 11.152.908.333 đồng và tiền lãi phát sinh từ ngày 27 tháng 02 năm 2023 cho đến khi thanh toán hết nợ theo Hợp đồng tín dụng số 0198/KH/09NH và Hợp đồng cho vay hạn mức số 01/CV-0198/KH/09NH ngày 10/8/2012 đã được ký kết.
2/ Trong trường hợp Công ty T không trả nợ thì Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất số N252473 do UBND TP.HCM cấp ngày 01/02/1999 vào sổ cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 00085/1B QSDĐ/342/UB tại thửa đất số 83, tờ bản đồ số 1 tọa lạc tại xã Phú Mỹ ( phường Tân Phú), Quận 7, TP.HCM đứng tên ông H và bà N để thu hồi số nợ, tối đa không quá 9.000.000.000 đồng.
3/ Trong trường hợp Công ty T không trả hoặc không trả đủ nợ thì Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền thu hồi tiền của Công ty TNHH Thương mại H phải thi hành Bản án số 73/2011/KDTM-ST của Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh cho Công ty T để thanh toán cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tương ứng với số nợ còn thiếu.
Ngoài ra, Bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, nghĩa vụ nộp án án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi có bản án sơ thẩm, nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có đơn kháng cáo đối với một phần bản án để yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu.
Ngày 15/3/2023, Viện trưởng Viện KSND TP.Vũng Tàu kháng nghị phúc thẩm đối với một phần bản án sơ thẩm, theo hướng sửa bản án về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Chi nhánh 1 Công ty T, chấp nhận yêu cầu tính lãi của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, với số tiền 4.576.321.115 đồng.
2. Kết quả giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm:
Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở phiên tòa xét xử vụ án, tại Bản án Kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 11/KDTM-PT ngày 12/9/2023, Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.Vũng Tàu, chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, sửa Bản án kinh doanh - thương mại sơ thẩm số 01/KDTM-ST ngày 28/02/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu.
3. Những vấn đề cần lưu ý trong vụ án:
Về nội dung yêu cầu tính lãi từ ngày 25/6/2015 đến ngày 23/5/2018 với số tiền 4.576.321.115 đồng:
Theo đơn khởi kiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty T phải thanh toán nợ gốc còn lại là 11.228.493.726 đồng; lãi trong hạn là 10.732.842.082 đồng và lãi quá hạn là 4.996.387.406 đồng. Tổng số tiền Công ty T phải trả cho Ngân hàng là 26.957.723.213 đồng.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định chỉ chấp nhận nợ lãi là 11.152.908.333 đồng; tiền lãi từ ngày 25/6/2015 đến ngày 23/5/2018 với số tiền 4.576.321.115 đồng, không được tính với lý do nguyên đơn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam không chủ động, tích cực, chậm trễ trong việc xử lý tài sản thế chấp theo biên bản làm việc ngày 25/6/2015 với bên thế chấp là ông H và bà N.
Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm không tính tiền lãi 4.576.321.115 đồng là chưa phù hợp, bởi lẽ: Nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi trước tiên là trách nhiệm của bị đơn Công ty T trên cơ sở hợp đồng tín dụng. Tài sản thế chấp chỉ bị xử lý khi bên vay không trả nợ hoặc chậm trả nợ. Tại thời điểm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và ông H và bà N thỏa thuận xử lý tài sản thế chấp được định giá là 4.782.248.000 đồng. Nếu tài sản thế chấp có bán được cũng chỉ xử lý được một phần nợ gốc và nợ lãi. Đồng thời việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ cũng phải theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và mất một thời gian nhất định để xử lý tài sản thế chấp và thực tế tài sản thế chấp có bán được ngay để xử lý nợ hay không, chủ tài sản thế chấp có thiện chí hợp tác hay gây khó khăn trong việc xử lý tài sản. Mặt khác, pháp luật cũng không có quy định và hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, các bên cũng không có thỏa thuận nội dung loại trừ tính lãi do chậm xử lý tài sản thế chấp. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận tính lãi từ ngày 25/6/2015 đến ngày 23/5/2018, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn, nên phải buộc Công ty T trả cho Ngân hàng số tiền lãi 4.576.321.115 đồng.
Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vũng Tàu đã xem xét đánh giá và ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với một phần bản án sơ thẩm, theo hướng sửa bản án về phần chấp nhận yêu cầu tính lãi của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, với số tiền 4.576.321.115 đồng là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị đối với yêu cầu trên, sửa Bản án kinh doanh - thương mại sơ thẩm số 01/KDTM-ST ngày 28/02/2023 của TAND TP.Vũng Tàu.
Trên đây là vụ án kinh doanh thương mại, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết, nhưng bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án, tôi xin trao đổi với các đồng nghiệp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại trong thời gian tới.
Tin, bài: Vũ Duyên Trường – Phòng 10