18/08/23 09:22

Trách nhiệm của đảng viên trong việc xây dựng “chi bộ tốt”

     Cụm từ “chi bộ tốt” được Bác Hồ nhắc đến nhiều lần trong các bài viết, bài nói, thư gửi các địa phương, các tổ chức đảng… Đó có thể coi là “chi bộ trong sạch, vững mạnh” như cách gọi hiện nay. Chính Bác Hồ đã chỉ ra rất rõ ý nghĩa của việc xây dựng chi bộ tốt, cách thức để xây dựng chi bộ tốt…, cũng như phải nỗ lực khắc phục những biểu hiện của “chi bộ kém”. Những dặn dò đó của Người sau nhiều năm vẫn còn nguyên giá trị.
     Trong bài viết “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt”, đăng Báo Nhân dân ngày 31/10/1963, Người nêu: “Những chi bộ tốt chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy. Có kết quả tốt đẹp đó là do chi bộ tốt, chi đoàn tốt; do cán bộ, đảng viên và đoàn viên đều làm gương mẫu tốt, lôi cuốn đồng bào cả làng làm theo”. Còn ngược lại là do “có tình trạng như thế là vì nhiều đồng chí cán bộ và đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi và chủ nghĩa địa phương, chỉ thấy lợi ích riêng mà không thấy lợi ích chung của Nhà nước”.
     Trong bài viết “Chi bộ tốt và chi bộ kém”, đăng trên Báo Nhân dân ngày 20/11/1963, Bác nêu những kết quả đạt được của Chi bộ Ngân Hà (Nam Định) và Người khẳng định: “Có kết quả đó là do nội bộ đoàn kết chặt chẽ. Nghiên cứu kỹ lưỡng và luôn luôn cố gắng thực hiện những nghị quyết của Trung ương và của Đại hội Đảng toàn tỉnh. Trong mọi công việc, đảng viên đều xung phong gương mẫu, thực hiện khẩu hiệu "Đảng viên đi trước, làng nước đi sau". Do đó mà đảng viên và cán bộ được nhân dân tin cậy và được hợp tác xã bầu làm lao động tiên tiến”. Rồi Người căn dặn: “Những điều chi bộ Ngân Hà đã làm được thì các chi bộ khác cần phải học tập và thi đua với Ngân Hà để làm cho kỳ được. Chi bộ Ngân Hà thì chớ tự mãn, trái lại cần phải cố gắng hơn nữa, phát triển những ưu điểm sẵn có và giải quyết những nhược điểm còn lại như tư tưởng bảo thủ, như hoa màu và chăn nuôi còn kém, hợp tác xã bán lợn cho nhà nước còn ít…”.
     Trong bài viết này, Bác Hồ cũng nêu thí dụ cụ thể một chi bộ mà Người cho là kém. Người đúc kết: “Chi bộ kém là vì đảng viên và cán bộ không một lòng một dạ phục vụ nhân dân; không lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Một số đảng viên và cán bộ còn mang nặng những thói xấu như tham ô, ích kỷ... họ đã không làm kiểu mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu”.
     Trong bài viết “Gương tốt của thanh niên Lỗ Khê”, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 18/1/1964, nói về việc đón Tết tươi vui và tiết kiệm. Sau khi nêu bật các kết quả đạt được của địa phương, Người khẳng định: “Khi chi bộ khéo lãnh đạo và khi quần chúng đã thông suốt, thì công việc gì tuy to tát mấy và khó khăn mấy cũng làm được. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên làm gương mẫu tốt, thì nhất định nhân dân sẽ vui vẻ làm theo”.
     Điểm qua một số bài viết của Bác Hồ về “chi bộ tốt”, chúng ta thấy, đó là các chi bộ lãnh đạo việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo tốt đời sống của nhân dân; có uy tín với nhân dân và được nhân dân tín nhiệm; lãnh đạo được nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chung…Trái lại, “chi bộ kém” thì không lãnh đạo được quần chúng, nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị; không hoàn thành các nhiệm vụ được cấp trên giao; có biểu hiện mất đoàn kết, mất dân chủ; có đảng viên trong chi bộ còn mang chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, ít cầu tiến bộ… Để khắc phục được điều đó, các chi bộ phải thực hiện đúng quy định của Đảng trên tất cả các mặt; phải có phương lãnh đạo phù hợp và thuyết phục được nhân dân; phải triệt để chống chủ nghĩa cá nhân; phải chống các biểu hiện tiêu cực như bảo thủ, địa phương chủ nghĩa, thụ động, ỷ lại…; biết lấy lợi ích chung đặt lên trên lợi ích riêng; mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, công tác…; từng đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong công tác, sinh hoạt và thực hành đạo đức cách mạng…

 


Bài viết “Gương tốt của thanh niên Lỗ Khê” của Bác Hồ, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 18/1/1964. (Ảnh tư liệu)


     Hiện nay, để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, Trung ương và địa phương có nhiều quy định, hướng dẫn nhưng tựu trung cũng phải thực hiện tốt các định hướng nêu trên và vận dụng phù hợp trong điều kiện cụ thể của mình. Trong nhiệm vụ này, trách nhiệm của từng đảng viên là rất lớn và từng người phải thực hiện tốt vai trò của mình thì chi bộ mới tốt, mới trong sạch, vững mạnh; trái lại mỗi người lại cho rằng việc đó là của cấp ủy, của bí thư, của người khác thì chẳng những bản thân không thể trở thành đảng viên tốt mà còn tác động xấu đến việc làm cho chi bộ ngày càng tốt.
     Chẳng hạn, trước hết, mỗi đảng viên cần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ xây dựng Đảng của mình. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phải lấy chất lượng, hiệu quả, tiến độ làm đầu, sau nữa cần không ngừng cải tiến phương thức và năng suất làm việc; trên hết là bảo đảm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, đóng góp nhiều nhất cho cơ quan, đơn vị, địa phương. Thí dụ, một đảng viên là công chức ở phường phải thực hiện nhiệm vụ sao y, chứng thực… cho người dân phải có cách thức thẩm định nhanh chóng, trình ký kịp thời, hoàn trả kết quả sớm cho người dân, có thái độ lễ phép với dân…; đồng thời phải bảo đảm việc thẩm định đó là chính xác, tuyệt đối tránh sao y văn bản không đúng quy định của pháp luật; có giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo được các đầu mối liên hệ khi cần tra cứu về một loại tài liệu, văn bản, văn bằng… Dù công việc này ít đòi hỏi sáng tạo nhưng cũng không được làm việc như một cái máy, có thể để lọt hồ sơ trái pháp luật hoặc tạo ấn tượng không tốt trong người dân…
     Bên cạnh đó, mỗi đảng viên cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ chứ không được thụ động, chỉ làm phần việc mình được giao. Đó là bản thân chấp hành nghiêm các nguyên tắc, Điều lệ, quy định, hướng dẫn của Đảng, của cấp trên; đồng thời phải giám sát, nhắc nhở sự chấp hành của các đảng viên khác; trong trường hợp cần thiết phải góp ý, cảnh báo, thậm chí chất vấn, phê bình, kể cả với cấp ủy, với bí thư chi bộ… Chẳng hạn, tới kỳ sinh hoạt mà bí thư chi bộ chưa triệu tập sinh hoạt chi bộ thì không nên chờ mà phải nhắc; nếu có hiện tượng “hợp thức hóa” việc họp bằng sinh hoạt chuyên môn rồi “sáng tác” biên bản thì phải lên tiếng, vì việc sinh hoạt định kỳ là bảo đảm nguyên tắc của Đảng, là quyền lợi và trách nhiệm của đảng viên. Trong chi bộ có đảng viên có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân hay các biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII thì phải phê bình, đấu tranh…, trên tinh thần xây dựng và vì sự tiến bộ, tích cực, lành mạnh của tập thể, vì tổ chức.
     Trên hết, mỗi đảng viên phải thực sự gương mẫu. Bản thân không thể “soi” vào các khuyết điểm, hạn chế của người khác mà không tự soi mình để khắc phục các tồn tại của mình; bản thân không thể đòi hỏi người khác tốt mà mình không tự nâng cao về mọi mặt; bản thân không thể chỉ có phê bình mà không tự phê bình; bản thân không chỉ có làm theo gương người khác mà tự mình còn phải làm gương cho chính mình và cho người khác…
Từng đảng viên có ý thức và trách nhiệm tốt trong việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình thì mới có thể xây dựng chi bộ tốt. Và khi đóng góp tích cực vào việc xây dựng chi bộ tốt thì chính tập thể đó sẽ tác động để thúc đẩy các đảng viên chưa tốt sẽ tốt hơn, động viên bản thân mỗi đảng viên tự hoàn thiện bản thân để ngày một tốt hơn!
     Tác giả: Vân Tâm – Trang tin Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/trach-nhiem-cua-dang-vien-trong-viec-xay-dung-chi-bo-tot-1491912189?fbclid=IwAR1ghrtvE3cSiJdszASsZU_HLk-3HtyUPoA6MRmils0w_8lIzJ09tbDQCpc

Lên đầu trang