22/11/22 14:59

DUYÊN PHẬN VỢ CHỒNG TRONG MỘT VỤ ÁN DÂN SỰ

Câu chuyện của vợ chồng ông, bà chỉ là một phân cảnh trong vụ án dân sự phức tạp mà TAND Tp Vũng Tàu đã thụ lý mấy năm nay. Tòa án đã nhiều lần mở phiên tòa và có lần HĐXX nghị án kéo dài 5 ngày nhưng cuối cùng Bản án vẫn chưa được tuyên. Tạm khép lại sự rắc rối của vụ án, tôi chú ý vào số phận của ông Sinh, bà Thiệt – hai con người vì nghèo khó mà số phận run rủi họ đến với nhau.

Có lẽ khi biết được chuyện tình của ông Sinh, bà Thiệt, ta dễ dàng liên tưởng đến truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Trong tác phẩm ấy, giữa nạn đói năm 1945, chàng trai trẻ tên Tràng vì bâng quơ mời bánh đúc mà có được vợ. Còn trong vụ án này, ông Sinh cũng vì vô tình ngỏ lời mà có được bà Thiệt, để từ đó ông có được một người vợ đúng nghĩa cùng ông xây dựng tổ ấm.

Ông Sinh, bà Thiệt vốn là dan lao động tự do. Cuộc sống ở những miền quê nghèo khó khiến ông bà trôi dạt đến thành phố Vũng Tàu sinh sống. Cùng làm ở cảng cá để mưu sinh nhưng ông bà cũng chỉ chạm mặt nhau vài ba lần, họ chưa có sự hiểu biết về nhau. Sự “tỏ tình” của ông chỉ là câu nói hết sức bâng quơ nhưng bà lại đồng ý, khiến ông hết sức ngỡ ngàng. Và dẫu vậy ông vẫn chủ động đón nhận và cùng nhau chung sống. Ông không có điều kiện để tổ chức một đám cưới rình rang, cũng không có váy cô dâu để vợ mặc trong ngày trọng đại nhưng bữa cơm ra mắt họ hàng để ông, bà chính thức nên duyên vợ chồng thật ấm cúng và ý nghĩa.


(Hạnh phúc tuổi xế chiều. Hình mang tính chất minh họa)

Hơn hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày về chung một nhà, hạnh phúc thực sự đã mỉm cười với đôi vợ chồng già. Giờ đây hai con đã lớn, có công việc ổn định, ông bà vẫn cùng nhau đi làm, vẫn hết mực yêu thương và trân trọng nhau. Câu chuyện này là minh chứng để ta hiểu rằng đôi khi chẵng cần thề non hẹn biển, chẵng cần phải đủ đầy sung túc, mà chỉ cần có khát vọng hạnh phúc và tình yêu thương mãnh liệt, người ta sẽ thấu hiểu, chia sẻ và cùng nhau đi trọn cuộc đời. Có thể, lời mời ăn bánh đúc đối với cô vợ nhặt năm xưa của anh Tràng, cũng như sự vô tình ngỏ lời của anh Sinh trong câu chuyện này là bâng quơ, bồng bột nhưng khi đã quyết định chuyện trăm năm, họ lại cư xử với nhau bằng sự tử tế, bằng sự yêu thương của những con người cùng cảnh ngộ.

Câu chuyện về tình cảm vợ chồng ông Sinh, bà Thiệt trong vụ án như tia sáng thắp lên giữa cuộc sống nhiều xô bồ và cám giỗ, để ta có niềm tin hơn vào tình yêu đôi lứa, vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống, rằng câu chuyện “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” không chỉ tồn tại trong tác phẩm văn học mà vẫn hiện diện trong cuộc sống đời thường.

 

      Tin, bài: Đặng Thị Nhung – VKS Tp Vũng Tàu

Lên đầu trang