21/11/22 11:04

“ĐỨNG DẬY VÀ BƯỚC ĐI” - CUỐN SÁCH TRUYỀN CẢM HỨNG

Cuộc đời mỗi chúng ta từ lúc sinh ra, lớn lên vốn tồn tại vô vàn những biến cố và sau mỗi biến cố, chúng ta thường có những ứng xử khác nhau. Có người lựa chọn lối sống sợ hãi, dè chừng với mọi thứ xảy ra xung quanh nhưng cũng có người lựa chọn cho mình lối sống tích cực, họ coi biến cố đó như một thử thách để rèn luyện bản thân và mạnh mẽ đứng lên, xây dựng bản thân, truyền cảm hứng đến những người xung quanh. Trong hành trình đọc sách của mình, tôi đã may mắn được tiếp cận cuốn sách “Đứng dậy và bước đi” của tác giả Nguyễn Hướng Dương, một cô gái trẻ gặp biến cố ở những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.

Như chính tựa đề của cuốn sách “Đứng dậy và bước đi”- Đó chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Ngay tựa đề thôi, chúng ta đã hình dung, cảm nhận được ý nghĩa của thông điệp này, rằng chúng ta hãy đứng dậy và bước đi bằng tâm thế tự tin, bản lĩnh. Bởi suy cho cùng chỉ khi bước đi, chúng ta mới va vấp, mới trải nghiệm và biết cách vượt qua những trở ngại đó. Từ đó chúng ta sẽ trưởng thành hơn và biết được khả năng của bản thân đến nhường nào.

Cuốn sách kể về chính cuộc đời của tác giả - cô gái trẻ Nguyễn Hướng Dương đã không may mắn gặp tai nạn và mất đi đôi chân khi đang ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời – 25 tuổi. Tỉnh dậy sau tai nạn, xung quanh không có người thân, chỉ có màu trắng lạnh lẽo và màu đỏ của máu trong căn phòng cấp cứu. Người ta đem 2 khúc chân đã bị đứt lìa, dập nát và nối bằng những dây nẹp Inox trong suốt tám giờ đồng hồ. Nỗi đau thể xác khiến cô dường như không chịu nổi và chỉ muốn buông xuôi. Đã có lúc cô tuyệt vọng nghĩ rằng thà chết khỏe mạnh còn hơn sống lay lắt. Bên cạnh đó, cô còn phải đối diện với nỗi đau, sự dằn vặt về tinh thần. Đời người con gái ở tuổi 25, đẹp và tràn đầy năng lượng sống. Vì một biến cố bất ngờ ập đến khiến cô như đang từ thiên đường, đột ngột bị ném xuống địa ngục. Trong hoàn cảnh này, thử hỏi mấy ai đã dũng cảm vượt qua và vượt qua một cách ngoạn mục như Nguyễn Hướng Dương.

(Hình ảnh cuốn sách “Đứng dậy và bước đi”)

Sau quá trình điều trị ở bệnh viện, Nguyễn Hướng Dương được trở về nhà để tiếp tục dưỡng bệnh.  Lúc này, như những người bình thường khác, tinh thần cô gái trẻ hết sức bất ổn, cô chìm đắm trong đau khổ và dằn vặt, tại sao cuộc đời lại bất công với cô đến vậy! Còn đâu một cô gái căng tràn nhựa sống? Giờ đây hiện hữu trước mắt cô qua tấm gương phản chiếu là một con người tiều tụy, tàn phế và có phần dị dạng sau tháng ngày dài điều trị giành dật sự sống. Trong những tháng ngày buồn bã và đau đớn tột cùng ấy, tác giả may mắn có mẹ kề bên. Bằng trách nhiệm và tình yêu thương vô bờ của người mẹ, bà đã động viên và từng bước giúp con gái mình vượt qua nghịch cảnh. Bà đã lên chùa thỉnh một số sách cho cô đọc. Từng câu, từng chữ, từng tính tiết của những cuốn sách ấy cứ thấm dần vào tâm trí cô và dần vực dậy tâm hồn của người thiếu nữ. Từng vần thơ chảy vào tim cô như những lời động viên:

“Thức dậy mỉm miệng cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời”.

Cuối cùng, bằng sự yêu thương của những người xung quanh và hơn hết, bằng chính nghị lực phi thường của bản thân, Nguyễn Hướng Dương đã vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội. Sau một lần đến trường khiếm thị, gặp gỡ và tiếp xúc với các em nhỏ bị mù, cô đã nhận thức được chính các em nhỏ ở nơi đây còn bất hạnh hơn mình. Đó là lí do, là động lực để cô thành lập studio THƯ VIỆN SÁCH NÓI DÀNH CHO NGƯỜI MÙ, nơi truyền tải những quyển sách bổ ích cho người mù không có khả năng đọc. Từ đây cô bắt đầu hành trình giúp ích cho những người khiếm thị. Bằng giọng đọc truyền cảm và bằng chính tâm tư của mình, cô đã giúp các em nhỏ tiếp cận được những câu chuyện nhân văn, những điều hay lẽ phải về cuộc sống, để bù đắp phần nào sự thiệt thòi mà các em đang từng ngày nếm trải. Niềm vui ánh lên trong ánh mắt, sự thích thú của các em đã thúc đẩy cô nổ lực không ngừng để xây dựng Thư viện sách nói ngày càng hoàn thiện hơn. Thư viện sách nói dành cho người mù đầu tiên của cả nước đã chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích 632m², trang bị 5 phòng thu âm chất lượng cao, phòng sản xuất sách nói, phòng đào tạo tin học, phòng dạy cờ vua…Thư viện sách nói dành cho người mù đã thực hiện được hơn 1.800 đầu sách nói, cung cấp hơn 402.000 bản sách nói dưới dạng băng cassette và CD đến 103 đơn vị, hội, trường, mái ấm… của người mù trên cả nước .

Để có được thành quả này, đã phải có một Nguyễn Hướng Dương dằn vặt, đau khổ đến tột cùng, tự nỗ lực rèn dũa bản thân và nếu như người ta đem lửa để thử vàng thì có lẽ, những khó khăn, đau khổ ấy đã tôi luyện cho Nguyễn Hướng Dương thành một viên kim cương tỏa sáng, rọi chiếu đến bao ngõ ngách tâm hồn người đọc.

Và cuối cùng, như chính cái tên của tác giả - Nguyễn Hướng Dương! Có lẽ vậy, cuộc đời cô như chính cái tên cha mẹ đã ban tặng, dù đứng trước bão giông, vẫn không bao giờ gục ngã, luôn đối đầu với gian nan, thử thách và hướng về phía trước. Khi đã mang danh của một loài hoa ý nghĩa như thế, làm sao có thể lùi bước trước khó khăn:

                                                      “Hoa mặt trời vẫn âm thầm hé nở
                                                  Từng bông rạng ngời nào sợ bão giông”

Nếu ở thời điểm mới xảy ra biến cố, Nguyễn Hướng Dương từng oán hận số phận thì giờ đây có lẽ cô thầm cám ơn cuộc đời đã tạo ra biến cố, để cô biết được nội lực của bản thân và trân trọng hơn những gì mình đang có. Giờ đây cô có quyền tự hào về những gì mình đã và đang cống hiến. Đọc “Đứng dậy và bước đi’’, ta càng thấm thía hơn về sự nỗ lực phi thường của tác giả và tự nhủ bản thân mình phải luôn cố gắng, sống tích cực, lạc quan và hãy lan tỏa những giá trị tốt đẹp của bản thân đến những người xung quanh.


             Tin, bài: Đặng Thị Nhung – VKSND Tp Vũng Tàu.

Lên đầu trang