18/11/22 11:09

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUYỀN YÊU CẦU THU THẬP TÀI LIỆU CHỨNG CỨ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ.

Công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự là một trong những công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Hoạt động thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát nhân dân nhằm làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện, tìm ra căn cứ vững chắc để giải quyết vụ việc dân sự, tuy nhiên, hoạt động thu thập chứng của Viện kiểm sát nhân dân có sự khác biệt với các chủ thể khác, như Tòa án hoặc đương sự bắt đầu thu thập chứng cứ từ trước khi yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự được thụ lý còn hoạt động thu thập chứng cứ, yêu cầu thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát chỉ được tiến hành sau khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự. Điều này cũng là dễ hiểu bởi chỉ từ thời điểm đó Viện kiểm sát mới nắm bắt được các tình tiết của vụ việc dân sự thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, phát hiện những vấn đề nào còn thiếu tài liệu, chứng cứ để giải quyết, từ đó đề ra kế hoạch kiểm sát phù hợp đối với từng vụ việc.

Trong khoảng thời gian từ năm 2018 -2020, quyền yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát nhân dân Long Điền chưa được chú trọng về nội dung và số lượng. Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 – 2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Điền không ban hành yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ gửi Tòa án cũng như Viện kiểm sát chưa yêu cầu cơ quan, tổ chức đang lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ chưa trực tiếp lấy lời khai của đương sự để phục vụ công tác kháng nghị phúc thẩm.

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại đó, đảm bảo công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự đúng quy định của pháp luật, Viện kiểm sát cần kịp thời yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cơ quan đang lưu giữ tài liệu chứng cứ; trực tiếp thu thập tài liệu chứng cứ theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án dân sự có căn cứ, đầy đủ, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tư pháp. Xuất phát từ yêu cầu thực tế và đúc kết những kinh nghiệm qua quá trình thực hiện công tác kiểm sát để thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới, tôi xin đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quyền yêu cầu thu thập tài liêu, chứng cứ của Viện kiểm sát trong kiểm sát giải quyết án dân sự.

I. Giải pháp chung

-Nhận diện dạng tranh chấp của vụ án. Muốn nhận diện dạng tranh chấp của vụ án cần nghiên cứu kỹ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thông qua đơn khởi kiện, bản khai, biên bản hòa giải, ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền và lợi ích liên quan. Từ đó, xác định quan hệ tranh chấp vụ án là gì, chứng cứ nguyên đơn cung cấp cho yêu cầu khởi kiện của mình là gì, bị đơn có yêu cầu phản tố gì chứng cứ bị đơn cung cấp là gì, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc gì  chứng cứ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cung cấp là gì. Trên cơ sở chứng cứ đương sự cung cấp, lời khai của đương sự Tòa án cần thu thập những tài liệu chứng cứ gì để làm rõ toàn bộ nội dung vụ án, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ.

II. Các giải pháp cụ thể

1. Về quyền yêu cầu thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát trước khi mở phiên tòa

Thứ nhất: vì thời hạn chuyển trả hồ sơ cho Tòa án rất ngắn (chỉ 15 ngày), trong thời hạn đó lại phải thực hiện rất nhiều hoạt động như nghiên cứu, trích cứu tài liệu, chứng cứ, báo cáo án…, do đó, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Tòa án, Kiểm sát viên cần nhanh chóng nghiên cứu hồ sơ để kịp thời phát hiện các nội dung còn thiếu sót, chưa đầy đủ, có vi phạm, qua đó kịp thời yêu cầu Tòa án khắc phục, xác minh, bổ sung chứng cứ.

Về phương pháp nghiên cứu hồ sơ, kinh nghiệm là nghiên cứu thủ tục tố tụng của vụ án trước, sau đó hệ thống lại và nghiên cứu về nội dung vụ án theo thứ tự như: yêu cầu của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình để chứng minh cho yêu cầu của mình; ý kiến và các tài liệu, chứng cứ do bị đơn xuất trình; ý kiến và các tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cũng như người tham gia tố tụng khác xuất trình; các tài liệu, chứng cứ do Tòa án xác minh, thu thập trong quá trình giải quyết vụ án…Trong khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ cần kết hợp trích cứu để nắm chắc nội dung của tài liệu, chứng cứ đang nghiên cứu, đồng thời giúp phát hiện những điểm chưa đầy đủ, mâu thuẫn, vi phạm trong hồ sơ.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, xét thấy Tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, cần phải yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ thì mới đủ căn cứ để giải quyết vụ án, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát về căn cứ, lý do và các vấn đề phải xác minh, thu thập bổ sung, nếu được lãnh đạo đồng ý, Kiểm sát viên tiến hành xây dựng văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Thứ hai: nhằm tránh bỏ sót các nội dung cần phải xác minh, thu thập, quá trình nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên chú trọng ghi chép, tổng hợp, phân loại các tài liệu có trong hồ sơ, nêu cụ thể tên tài liệu, số bút lục, nội dung vi phạm, rồi tiến hành xem xét, nghiên cứu biện pháp khắc phục, sửa chữa, bổ sung, ví dụ như sau:

- Những vi phạm, sai sót về thủ tục tố tụng: vi phạm trong việc tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; biên bản ghi lời khai có sửa chữa, tẩy xóa nhưng chưa có chữ ký xác nhận của nguyên đơn, người làm chứng là những người sinh sống lâu năm gần đất tranh chấp…

- Các mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án như: Ví dụ như vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất cần xem xét chứng do Uỷ ban nhân dân huyện cung cấp có mâu thuẫn gì với lời khai của nguyên đơn, bị đơn, người liên quan, người làm chứng hay không.

Thứ ba: Văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành. Yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, có khả năng thực hiện được. Yêu cầu vấn đề gì phải chỉ rõ vì sao phải xác minh, bổ sung chứng cứ, thu thập bằng biện pháp nào. Ví dụ: Tòa án chưa tiến hành lấy lời khai của ông A đang sinh sống trên đất tranh chấp có xây dựng căn nhà tạm để xem xét ý kiến của ông có yêu cầu gì trong vụ án hay không; Tòa án chưa tiến hành thu thập hồ sơ cấp đất tại Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với thửa đất tranh chấp…

Nếu được lãnh đạo Viện kiểm sát đồng ý đề xuất và đồng ý việc Kiểm sát viên ký văn bản yêu cầu thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa ký văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Thứ tư: Sau khi ban hành bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, Kiểm sát viên lưu ý theo dõi việc Tòa án thực hiện yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, chuyển giao chứng cứ đã xác minh, thu thập được hoặc thông báo việc Tòa án không thực hiện được, Tòa án thấy không cần thiết phải thực hiện việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để nắm chắc nội dung các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án bổ sung, các nội dung Tòa án không thực hiện hoặc không thể thực hiện được, tạo sự chủ động khi tham gia phiên tòa.

2. Về quyền yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa, thông qua lời trình bày của đương sự, hỏi giữa các đương sự với nhau, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên hỏi. Khi xuất hiện thêm tình tiết mới, lời khai của đương sự cần được làm rõ mới đủ căn cứ để giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu và tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên vẫn phải tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử đề nghị phát biểu ý kiến, Kiểm sát viên chỉ phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và người tham gia tố tụng; nêu rõ lý do và không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Kiểm sát chặt chẽ biên bản phiên tòa, bảo đảm thể hiện đầy đủ diễn biến, các ý kiến của Kiểm sát viên. Ngay sau phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để xem xét, quyết định. Hiện nay, tại đơn vị địa phương đang làm tốt quyền yêu cầu tạm ngừng phiên tòa để thu thập tài liệu chứng cứ, chưa để xảy trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu tạm ngưng phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận.

3.Quyền yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát để phục vụ kháng nghị.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 97 BLTTDS 2015 quy định: “Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm”. Như vậy, Viện kiểm sát có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp cần thiết để phục vụ cho việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án.

Đối với vụ án được đưa ra xét xử, khi phát hiện chứng cứ chưa đầy đủ, Viện kiểm sát yêu cầu thu thập tài liệu chứng cứ nhưng Thẩm phán không thực hiện hoặc tại phiên tòa xuất hiện tình tiết mới nhưng đề nghị tạm ngưng phiên tòa của Kiểm sát viên không được chấp nhận. Sau khi Hội đồng xét xử tuyên án, Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh để thu thập tài liêu chứng cứ, khi có căn cứ để kháng nghị. Qua thực tiễn công tác kiểm sát tại đơn vị địa phương đang làm tốt chức năng Viện kiểm sát trong việc lấy lời khai của đương sự sau khi Hội đồng xét xử tuyên án, yêu cầu cơ quan đang lưu cung cấp tài liệu, chứng cứ để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ngoài ra, khi nghiên cứu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hoặc quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ để nghiên cứu căn cứ đưa ra quyết định có đúng hay không. Tại đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Điền, ngay sau khi nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (trừ trường hợp đương sự rút yêu cầu khởi kiện theo theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS) hoặc quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát quyết định sẽ trực tiếp liên hệ với Thẩm phán giải quyết vụ án đó để mượn hồ sơ vụ án. Do thời hạn kháng nghị đối với quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ chỉ có 07 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định nên khi trình lãnh đạo ký phiếu kiểm sát quyết định, Kiểm sát viên đồng thời kèm theo hồ sơ giải quyết vụ án để lãnh đạo nắm bắt đầy đủ căn cứ, lý do đình chỉ và tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

III. Các giải pháp áp dụng có hiệu quả tại đơn vị VKSND huyện Long Điền

* Về công tác chỉ đạo, điều hành
Công tác chỉ đạo, điều hành là một khâu quan trọng trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự nói chung để giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát. Để công tác chỉ đạo, điều hành được hiệu quả, đơn vị luôn đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành bằng việc làm cụ thể; đơn vị phân công một đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công việc hàng ngày của cán bộ, Kiểm sát viên; lãnh đạo phụ trách đổi mới cách thức chỉ đạo, kiểm tra kiểm sát giải quyết công việc bằng cách trực tiếp nghiên cứu, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ vụ án do cán bộ, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất trình duyệt; phương pháp này vừa đảm bảo tính chặt chẽ và kịp thời phát hiện được những vi phạm của Tòa án, nhưng cán bộ, Kiểm sát viên không phát hiện hay quan điểm đề xuất của cán bộ, Kiểm sát viên không phù hợp với hồ sơ vụ án. Đối với những hồ sơ trình duyệt sau khi nghiên cứu đề xuất của cán bộ, Kiểm sát viên nếu có căn cứ cho rằng hồ sơ chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án, Lãnh đạo đơn vị đã yêu cầu Kiểm sát viên đề ra thông báo yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ kịp thời gửi Tòa án.

* Về công tác nghiệp vụ

- Cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện hệ thống toàn bộ các quy định của ngành về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, để nắm được quy trình, trình tự, kỹ năng kiểm sát vụ án từ khi thụ lý cho đến khi giải quyết xong vụ án.

- Cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện hệ thống toàn bộ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành kiểm sát, của Tòa án tối cao liên quan đến lĩnh vực dân sự để tham khảo, vận dụng trong một số trường hợp cụ thể.

- Cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện hệ thống toàn bộ các văn bản, thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên về các vụ án bị hủy, sửa có lỗi của Kiểm sát viên để nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung, không để xảy ra tình trạng án bị hủy, sửa đối với những vụ án tương tự, như: Xác định thiếu người có liên quan, giải quyết vượt yêu cầu khởi kiện, không thu thập chứng cứ đầy đủ...

-Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu những thông báo rút kinh nghiệm trên trang điện tử Viện kiểm sát tối cao nhất là những vụ án Tòa án không thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát và bị Viện kiểm sát kháng nghị hoặc kháng nghị phúc thẩm bị bác bỏ.

-Khi nhận được hồ sơ xét xử do Tòa án chuyển sang để tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động tìm tòi các bản án đã có hiệu lực pháp luật đối với dạng quan hệ tranh chấp đó để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

* Trong công tác phối hợp

- Phối hợp trong ngành: Trong quá trình kiểm sát, đối với những vụ án khó, phức tạp, đa dạng về quan điểm, cán bộ, Kiểm sát viên sau khi được phân công nghiên cứu hồ sơ đã chủ động trao đổi ngay với Phòng nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên để được hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.

- Phối hợp với Tòa án: Trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, thực tế có những vụ án Tòa án chưa thu thập chưa đầy đủ tài liệu, chứng cứ để có cơ sở giải quyết; xác định chưa đầy đủ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; không tổ chức đối chất, không tổ chức thẩm định, xác minh đo đạc thực tế....Đây là những vi phạm phổ biến thường xảy ra trong thời qua của Tòa án nhân dân huyện Long Điền. Sau khi nhận được hồ sơ do Tòa án gửi sang,  Kiểm sát viên đã làm tốt công tác phối hợp trên cơ sở đề ra văn bản yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ và được Tòa án chấp nhận, tránh được tình trạng vụ án bị Tòa án cấp trên hủy, sửa khi đương sự có kháng cáo.

IV. Những kết quả đã đạt được tại đơn vị

Nhìn chung, trong thời gian qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự nói chung được cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Điền thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật và quy định của ngành; đồng thời phối hợp với Tòa án giải quyết các vụ án đảm bảo đạt kết quả tốt; thực hiện kiểm sát chặt chẽ 100% các thông báo thụ lý vụ án, thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án; kiểm sát chặt chẽ 100% bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện những hồ sơ có quyết định xét xử do Tòa án chuyển sang chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để ban hành yêu cầu thu thập tài liệu chứng cứ kịp thời. Đối với những vụ đã được xét xử có quan điểm giải quyết trái với Tòa án, Kiểm sát viên đã chủ động đề xuất lãnh đạo gửi công văn yêu cầu cơ quan, tổ chức đang lưu giữ cung cấp tài liệu chứng cứ hoặc trực tiếp tiến hành lấy lời khai của đương sự để xem xét có căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hay không.

Để đạt được những kết quả nêu trên, ngoài công tác chỉ đạo, lãnh đạo, việc sắp xếp bộ máy, phân công cán bộ, Kiểm sát viên, công tác phối hợp... thì những giải pháp cơ bản của đơn vị, cán bộ, Kiểm sát viên được triển khai, áp dụng thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ  án dân sự nói riêng; cụ thể:

- Trong năm 2020: Tổng số vụ Tòa án đưa vụ án ra xét xử 108 vụ. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên yêu cầu tạm ngừng phiên tòa để thu thập tài liệu, chứng cứ mới 04 vụ, cụ thể như sau:

Vụ án: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn ông Trần Văn Toàn với bị đơn ông Phạm Xuân Tư; “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn bà Trần Thị Lùng với bị đơn ông Trần Xuân Bình; “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa bà Trần Thị Chồn với bị đơn bà Trần Thị Phận; “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Xuân Lành với bị đơn bà Nguyễn Thị Trinh.

Kiểm sát viên trực tiếp lấy lời khai đương sự trong vụ án 01 sau khi Hội đồng xét xử tuyên án. Trên cơ sở lấy lời khai của đương sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Điền đã ban hành kháng nghị phúc thẩm 01 vụ án, cụ thể “Tranh chấp tài sản chung, nợ chung sau ly hôn, yêu cầu tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu” giữa nguyên đơn bà Trần Thị Hà với bị đơn ông Trần Thanh Tuấn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam.

- Trong năm 2021: Tổng số vụ án được Tòa án đưa ra xét xử 95 vụ. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị tạm ngưng để thu thập tài liệu chứng cứ mới là 05 vụ, cụ thể như sau:

Vụ án: “Tranh chấp quyền sử dụng đất’ giữa nguyên đơn Nguyễn Văn Dày với vị đơn Trần Thị Minh; “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với bị đơn Dương Văn Ninh; “Tranh chấp tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn” giữa nguyên Nguyễn Anh với bị đơn bà Nguyễn Thị Gái; “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn” bà Nguyễn Thị Một với bị đơn bà Nguyễn Thị Chồn; “Tranh chấp đòi lại tài sản” giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Bảy với bị đơn Công ty Cổ phần Tân Phước Thịnh.

Số vụ án Viện kiểm sát trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ kháng nghị: 01 vụ, cụ thể “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Phạm Nhựt Thanh và bà Phạm Nguyễn Nguyên Thủy với bị đơn bà Phạm Thị Ngọc Đẹp; 01 vụ án Viện kiểm sát thu thập tài liệu chứng cứ và đề nghị kháng nghị cấp trên kháng nghị phúc thẩm, cụ thể “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với bị đơn Công ty Cổ phần Rừng Dương.

Số vụ án có quyết định đưa vụ án ra xét xử Viện kiểm sát yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ 01 vụ; cụ thể “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Bảy với bị đơn bà Trần Thị Thu Hồng.
Trong năm không có án hủy, sửa liên quan đến trách nhiệm Viện kiểm sát.

-Trong 06 tháng đầu năm 2022: Tổng số vụ án được đưa ra xét xử là 83, trong đó số vụ án có quyết định xét xử phải tạm ngưng phiên tòa để thu thập tài liệu chứng cứ là 02 vụ, cụ thể: “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn Hồng Phóng Mềnh với bị đơn Nguyễn Văn Thanh; “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Hồng Nhung với bị đơn Nguyễn Thị Thanh Vân.

Ban hành 02 yêu cầu thu thập chứng cứ gửi Tòa án được chấp nhận, cụ thể: Yêu cầu xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án Hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn bà Hà Thị Thu với bị đơn ông Vương Văn Thiên. Yêu cầu xác minh thu thập tài liêu chứng cứ vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Long với bị đơn ông Nguyễn Văn Hưng. Trong 06 tháng chưa có án hủy, sửa liên quan đến trách nhiệm Viện kiểm sát.


      Tin bài: Hoàng Thị Huyến – VKSND huyện Long Điền

Lên đầu trang