04/07/22 14:23

Toàn văn phát biểu của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng

     Ngày 30/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2012 - 2022. Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã có bài phát biểu quan trọng. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đăng tải toàn văn bài phát biểu của Viện trưởng VKSND tối cao (nguồn từ Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao):

     Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
     Kính thưa các đồng chí lãnh đạo.
     Thưa toàn thể Hội nghị!

     Thực hiện Kết luận số 21 ngày 25/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa 11, trong 10 năm qua, vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ và vì lòng tin của nhân dân, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, cụ thể:
     1. Về yêu cầu chính trị: Cuộc đấu tranh này được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ và đã trở thành một phong trào mạnh mẽ; đến nay không chỉ ở cấp Trung ương mà nhiều địa phương cũng làm tốt. Đảng nói được, làm được và Tổng Bí thư là niềm tin, chỗ dựa cho cuộc đấu tranh này. Đồng thời với phòng chống tham nhũng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xử lý đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính Nhà nước và xử lý hình sự. Công tác phối hợp của cơ quan kiểm tra Đảng với các cơ quan tố tụng ngày càng chặt chẽ tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng và phòng chống tham nhũng là điểm nhấn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua.
     2. Về yêu cầu pháp luật và nghiệp vụ: Trong 10 năm qua có nhiều chuyển biến tích cực và khoảng 5 năm gần đây đã phát hiện điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, tham ô, vụ lợi mà trước đây việc xử lý hành vi này còn hạn chế, chủ yếu xử lý hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, không chỉ dừng lại điều tra, truy xét, xử lý những vụ việc xảy ra trong quá khứ mà đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng hiện hành với quy mô lớn cả về hậu quả thiệt hại và cả đối tượng vi phạm pháp luật dù đó là ai.
     Kết quả thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát ngày càng tốt hơn. Đi đôi với xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu; chúng ta đã có chính sách hình sự về việc phân hóa đối với những người thực hiện, làm vì nhiệm vụ, không tham gia bàn bạc, không vụ lợi và kể cả trường hợp phân hóa mạnh đối tượng trong vụ án để phục vụ yêu cầu chứng minh yếu tố vụ lợi, tư lợi hoặc chiếm đoạt.
     Việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng đã làm tốt hơn trước vì mục đích chứng minh tội phạm và đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, không để lọt tội phạm; đồng thời đảm bảo tính nhân văn, tính thuyết phục như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.


Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị


     Kính thưa Hội nghị!
     Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm tốt sẽ được dân tin, đồng tình ủng hộ. Đây là yếu tố quyết định thành công của cách mạng nên khó khăn, phức tạp chúng ta cũng phải làm. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để thực hiện mục tiêu lớn hơn, mục tiêu cuối cùng – đó là Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà Đảng đã đề ra. Do đó chúng ta vừa phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong đời sống xã hội; nhưng đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.
     Do đó, chúng ta phải tiếp tục: Xử lý nghiêm những đối tượng cố ý hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng để răn đe, giáo dục (là để họ không dám); Ban hành bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài trách nhiệm trong quản lý, nhất là các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực nhằm kiểm soát chặt chẽ, bịt các lỗ hổng (để không thể lợi dụng được).
     Thực tế cho thấy chính sách pháp luật phục vụ phát triển chưa nhiều so với chính sách pháp luật quản lý kiểm soát nên cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực và khuyến khích năng động, sáng tạo; đồng thời phải đảm bảo có quy định hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện. Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm; còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ bị tâm lý lo sợ rủi ro, không dám năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ vì thực tế cố ý làm trái và năng động, sáng tạo hành vi là giống nhau, chỉ khác ở chỗ hậu quả hay hiệu quả mà thôi. Tại Quốc hội tôi đã nêu Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, việc quy định như vậy sẽ rất rủi ro cho người thực hiện, làn ranh giới giữa đúng và sai rất mỏng manh.
     Do đó, tôi kiến nghị:
     Thứ nhất, kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị xem xét trình Trung ương có Nghị quyết, có chủ trương và giao cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành tập trung rà soát và kịp thời ban hành các văn bản pháp lý cần thiết, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và đầy đủ trong hệ thống pháp luật đảm bảo được 2 yêu cầu: Kỷ cương, chặt chẽ và có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro để tạo động lực phát triển đất nước. Trước mắt cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và định giá đất ban đầu để đấu giá hoặc định giá đất trong cổ phần hoá Doanh nghiệp Nhà nước. Thực tiễn luôn vận động không dừng và chờ luật sửa đổi, bổ sung hay không? Do đó, chúng ta có thể ban hành Nghị định, Thông tư hoặc văn bản quy phạm hướng dẫn tạm thời để giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập trong thực tế, nếu không lại phát sinh hậu quả mới.
     Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhưng buộc tội thì bằng pháp luật, có chương, có điều khoản cụ thể nên Kết luận 14 cần tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa hơn nữa, chắc cũng phải bằng chương, điều khoản mới có thể đạt được mục đích đề ra.
     Trong hoạt động nghiệp vụ của ngành Kiểm sát, đi đôi với yêu cầu tiến công tội phạm, Viện kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, đảm bảo đúng pháp luật và trung thực, trung thành, chấp hành chỉ đạo của Đảng, của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng; những vấn đề phức tạp phải tìm hiểu sâu lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình; đảm bảo khách quan, toàn diện, lịch sử trong xem xét, đánh giá chứng cứ. Xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu nhưng cần phân hóa, giảm nhẹ cho người phải làm theo, do chấp hành mệnh lệnh và không vụ lợi; nếu khai nhận, hợp tác tốt, khắc phục không còn hậu quả. Thực tế giữa xử lý nghiêm và xử lý có tính thuyết phục, nhân văn có lúc mâu thuẫn nhau, tùy thuộc vào nhận thức và áp dụng pháp luật của từng người, có yếu tố chủ quan, nếu người xem xét sau này nghiêm khắc thì cũng dễ kết luận người làm trước có sai sót, bỏ lọt tội phạm. Quy định 102 và các quy định của pháp luật chế tài rất cụ thể và rất nghiêm khắc đã gây áp lực tâm lý sợ oan sai, sợ bỏ lọt tội phạm sẽ rủi ro về trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ.
     Thưa các đồng chí !
     Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên cần đồng bộ về quan điểm, chủ trương, nhận thức, cách làm và thậm chí cần đổi mới, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt được hiệu quả tốt hơn. Cụ thể làm sao để có thể thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát và khắc phục hậu quả tốt hơn nữa; đồng thời, tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm thì chắc là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công hơn nữa.
     Kết quả đạt được trong 10 năm qua là đáng trân trọng, chúng ta tiếp tục phát huy những chủ trương, cách làm tốt nhưng qua tổng kết chúng ta cũng phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều của cán bộ, đảng viên và người dân để có thể bổ sung cách làm mới, có quan điểm, chủ trương mới và từ đó cụ thể hoá bằng quy định pháp luật, có phân công nhiệm vụ thực hiện để có hiệu quả tốt hơn.
     Thực tế qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát đã phát hiện hoạt động quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực đã để xảy ra sơ hở, thiếu sót, vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới trật tự quản lý hành chính nhà nước, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và Viện kiểm sát đã thực hiện quyền kiến nghị để phòng ngừa, khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, hiệu lực thực hiện quyền kiến nghị còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, Tòa án cũng không thể tự mình đưa vụ việc vi phạm ra xét xử mà phải có “khởi kiện” của cơ quan, tổ chức, cá nhân có lợi ích bị xâm hại.
     Qua tham khảo kinh nghiệm vai trò của Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc trong tố tụng công ích cho thấy, trong trường hợp phát hiện vi phạm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, Viện kiểm sát với tư cách là chủ thể bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng có quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và hậu quả gây ra. Nếu cơ quan quản lý hoặc cá nhân không khắc phục vi phạm thì Viện kiểm sát có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án đưa ra phán quyết. Đối với những trường hợp cố ý sai phạm nhưng chủ động khắc phục cũng tạo điều kiện cho khắc phục. Trường hợp khắc phục không tốt thì mới khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự. Đây là nội dung rất mới và được đánh giá là rất hiệu quả trong cải cách tư pháp đối với Trung Quốc từ năm 2017 đến nay.
     Thứ hai, kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Làm như vậy chúng ta sẽ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa và chúng ta cũng không phải xử lý hình sự nhiều. Cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục.
     Thứ ba, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề rất phức tạp, gay go, đây là cuộc đấu tranh không chỉ trong nội bộ Đảng ta mà cả những đối tượng ngoài xã hội tham gia; không chỉ đấu tranh với những người khác mà cả với chính mình! Không ai có thể nói trước được gì nếu không ý thức giữ gìn! Và không biết sửa chữa sai phạm của mình! Do đó, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục thì cần thiết xây dựng và ban hành Luật đạo đức để giáo dục cả cộng đồng xã hội chứ không chỉ bằng biện pháp nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người cán bộ Đảng viên mà phải giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm tốt hơn.
Cuối cùng, xin chúc đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo và các đồng chí mạnh khỏe, bình an và chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
     Xin trân trọng cảm ơn!
     Nguồn: Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao.

Lên đầu trang