06/05/14 15:17

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khoảnh khắc lịch sử ở Điện Biên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khoảnh khắc lịch sử ở Điện Biên


60 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những người lính năm xưa vẫn không thôi xúc động: Nhờ sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà Điện Biên Phủ mới thành công, chúng ta còn được ngồi với nhau đến bây giờ.

Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào, không trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong hàm đại tướng ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948. Ông trở thành vị đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi. Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường, Chủ tịch hỏi: "Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?", Đại tướng trả lời: "Thưa bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Khi chia tay, Chủ tịch chỉ thị: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh".

Ngày 14/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh", dự định nổ súng ngày 20/1, tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm. Tuy nhiên, kế hoạch bị lộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp buộc phải cân nhắc để ra "quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân", chuyển từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh", sang "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu bóc vỏ từng cứ điểm đối phương.

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau thời gian suy tính, Đại tướng đã ra lệnh nổ súng vào 17h30 ngày 13/3/1954.

Mật lệnh tổng công kích được Được tướng gửi đi. Theo lời kể của thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, cán bộ trung đoàn 57, đại đoàn 304, khi đánh đồi A1 gặp khó khăn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rơi nước mắt nói với các trung đoàn trưởng, cán bộ chỉ huy rằng: "Nhân dân giao con em cho chúng ta mà các đồng chí để họ hy sinh như thế thì thử nghĩ xem trách nhiệm của các đồng chí như thế nào".

Sau "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn", bộ đội ta đã khiến quân Pháp phải hạ súng ra hàng. Tướng De Castries khi được hỏi, suy nghĩ thế nào về trận chiến ở nơi mà Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố là pháo đài bất khả xâm phạm, cho máy bay rải truyền đơn mời Việt Minh vào, đã chua chát trả lời: "Vâng, hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài". Sau này De Castries - người từng theo học Trường Quân sự Saint Cyr nổi tiếng thế giới vẫn không khỏi băn khoăn: "Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào". Trong ảnh, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thăm chiến trường Điện Biên Phủ sau chiến thắng.

Các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ công kênh Đại tướng trong lễ mừng công ngày 13/5/1954.


 

Đại tướng thăm thương, bệnh binh sau trận đánh Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con xã Thanh Xương trong chuyến lên thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954-7/5/1975). Ảnh: Kim Hùng - TTXVN.

Vị Tổng tư lệnh trên đồi A1 khi về thăm chiến trường xưa năm 1984.

Đại tướng thăm lại Điện Biên Phủ năm 1994.

Đại tướng thăm hầm tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Bên cạnh đại tướng là đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng trên nóc hầm của tướng De Castries, nhớ về những chiến công hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ 50 năm trước.

Người dân Mường Phăng chào đón Đại tướng về thăm sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tướng nghe báo cáo về quá trình xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ sáng 19/4/2004. Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN.

Người xúc động khi gặp lại cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ôm lấy người anh em, Đại tướng nói: "Gặp lại nhau được ở đây là tốt rồi". Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN.

Với người dân Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như người cha, người anh đáng kính của gia đình. Để rồi khi ông về thăm, ai cũng mừng vui ra đón. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mất mát lớn của cả dân tộc Việt Nam. Thế giới cũng cúi mình trước hương linh của Đại tướng. Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN.

            Văn Minh sưu tầm từ nguồn vnexpress.net ( Quỳnh Trang
                                         Ảnh tư liệu)

Lên đầu trang