Bài viết chia sẻ một số kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa sở thẩm hình sự, đặc biệt là kỹ năng tranh luận, đối đáp, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện tốt các quy định về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; việc nghiên cứu, trích cứu hồ sơ vụ án; các hoạt động chuẩn bị khác…
Trước yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và yêu cầu đảm bảo tốt hơn tính dân chủ trong hoạt động tư pháp hiện nay, một trong những kỹ năng mà Kiểm sát viên cần được đào tạo, bồi dưỡng, đó chính là tranh luận, đối đáp tại các phiên tòa hình sự. Việc nâng cao chất lượng tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên tại phiên tòa góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay; đồng thời còn làm cho người dân thêm tin tưởng vào các cơ quan tiến hành tố tụng.
Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, tác giả chia sẻ một số kinh nghiệm tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên tại các phiên tòa sơ thẩm như sau:
Thứ nhất, Kiểm sát viên (KSV) cần thực hiện tốt các quy định về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố theo đúng quy chế nghiệp vụ của ngành.
Với quyền năng pháp lý được quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì KSV được tiếp cận hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến khi kết thúc điều tra. Bản thân KSV là người thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc thiết lập hồ sơ vụ án của Điều tra viên nên hiểu rõ vụ án, nắm vững và đầy đủ hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội được thu thập trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Do vậy, KSV cần thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ cụ thể sau:
Một là, chủ động, tích cực tham gia vào một số hoạt động điều tra, bám sát tiến độ điều tra, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra sát, trúng, đúng với nội dung vụ án. Đồng thời, đảm bảo các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra tuân thủ đúng các quy định của BLTTHS. Trong thực tiễn, việc vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của vụ án được người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đặc biệt quan tâm và lấy đó làm trọng tâm của việc tranh luận đối đáp.
Hai là, quá trình điều tra vụ án, KSV phải tiếp xúc với bị can ít nhất hai lần thông qua việc tham gia cùng Điều tra viên hoặc trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can từ giai đoạn xét phê chuẩn khởi tố bị can đến khi chuẩn bị kết thúc điều tra vụ án. Từ đó, nắm bắt được đầy đủ diễn biến tâm lý của bị can, xác định có hay không có dấu hiệu chối tội hoặc thay đổi một phần lời khai.
Ba là, đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh của bị can, KSV cần tranh thủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, đề xuất họp liên ngành, có sự tham gia của Tòa án để thống nhất đường lối giải quyết hoặc đề xuất việc thỉnh thị, xin ý kiến chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên. Với các vụ án dư luận đặc biệt quan tâm cần đề xuất lãnh đạo Viện tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương. Thông qua các hoạt động này, KSV đã dự kiến được cơ bản các nội dung mà những người tham gia tố tụng có thể sẽ tranh luận tại phiên tòa, cũng như các tình huống có thể phải tranh luận, đối đáp.
Bốn là, cáo trạng do KSV dự thảo phải phản ánh đúng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đảm bảo đầy đủ các nội dung truy tố và giải quyết các vấn đề khác trong vụ án; đồng thời, giới hạn được việc tranh luận các vấn đề không liên quan tại phiên tòa.
Như vậy, chỉ khi làm tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, thì mới có thể thực hiện có chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, trong đó có việc tranh luận, đối đáp của KSV.
Thứ hai, KSV phải thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu, trích cứu hồ sơ vụ án.
Một trong các hoạt động phục vụ đắc lực cho KSV tại phiên tòa hình sự là việc trích cứu đầy đủ tài liệu, chứng cứ của vụ án. Cách thức trích cứu của mỗi KSV là khác nhau, nhưng phải đảm bảo tính khoa học, thuận tiện cho việc tra cứu, viện dẫn tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.
Đối với các vụ án có đồng phạm, án truy xét, có bị can phạm nhiều tội hoặc phạm tội nhiều lần, có bị can tham gia nhiều vụ, lời khai của các bị can không ổn định, không nhận tội hoặc nhận tội một phần... thì việc trích cứu, tổng hợp chứng cứ cần bám sát theo từng vụ án mà bị can đã tham gia; trích dẫn đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ tranh luận, đối đáp bác bỏ lời khai chối tội của bị can, hoặc chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội... Trong thực tiễn xét xử loại án này, tại phiên tòa một số bị cáo không nhớ hoặc cố tình quanh co, chối tội không thừa nhận đầy đủ các lần phạm tội như đã khai nhận trong quá trình điều tra, làm phát sinh các tình huống tranh luận về từng lần phạm tội và định lượng về mặt hậu quả để định tội danh đối với bị cáo. Để đối đáp, tranh luận có tính thuyết phục, căn cứ Điều 308 BLTTHS năm 2015, KSV phải viện dẫn lời nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra đã được công bố tại phiên tòa và đánh giá lời khai này là chứng cứ của vụ án, khi nó phù hợp với lời nhận tội của các bị cáo khác, của người làm chứng, của người bị hại cùng các tài liệu khác... để đối đáp với bị cáo và người bào chữa. Trường hợp này, nếu việc ghi chép, trích cứu các tài liệu buộc tội đối với bị cáo không khoa học, không tách theo từng lần phạm tội thì sẽ gây khó khăn cho KSV khi công bố tài liệu, viện dẫn chứng cứ tại phiên tòa.
Đặc biệt, đối với các vụ án tham nhũng, khách thể của tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, thì KSV cần phải nghiên cứu, nắm vững các ngành luật liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức mà bị can, bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn. Mỗi bị cáo bị truy tố, xét xử về hành vi tham nhũng đều là những chủ thể đã có hành vi thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao. Vì vậy, KSV phải nắm chắc các quy định của pháp luật về quy trình hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tổ chức. Theo đó, cần xác định được hành vi mà các bị cáo lẽ ra phải thực hiện đúng công vụ nhưng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đồng thời phải ghi chép lại thành hệ thống để phục vụ tra cứu nhanh, chính xác khi tiến hành tranh luận, đối đáp tại phiên tòa.
Như vậy, việc ghi chép, trích cứu các tài liệu buộc tội đối với bị cáo không khoa học, không tách theo từng lần phạm tội, không trích dẫn tập trung các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc buộc tội, thì KSV có thể gặp khó khăn khi viện dẫn chứng cứ tại phiên tòa, lúng túng khi lật xem tài liệu đã trích cứu, dẫn đến việc tranh luận không kịp thời, thiếu căn cứ và không thuyết phục.
Thứ ba, KSV phải có sự chuẩn bị chu đáo trước mỗi phiên tòa theo quy chế thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.
Một trong những hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho KSV thực hiện tốt việc đối đáp, tranh luận tại Tòa, đó là hoạt động chuẩn bị cho nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án, như: Dự thảo đề cương xét hỏi bị cáo, bị hại, người làm chứng, người liên quan...; trích dẫn tóm tắt nội dung có trong một số tài liệu dự kiến sẽ công bố tại phiên tòa; dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống có thể phải đối đáp, tranh luận với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác. Cụ thể như sau:
Một là, đối với bản luận tội của KSV, ngoài việc phải đảm bảo đầy đủ về nội dung, kết cấu của bản luận tội theo quy định tại Điều 321 BLTTHS năm 2015, còn phải giới hạn được các nội dung cần phải tranh luận, đối đáp, theo đó KSV có quyền từ chối tranh luận, đối đáp về các nội dung không có trong phạm vi truy tố và lời luận tội.
Ví dụ: Trong vụ án Vũ Sỹ U (Viện kiểm sát nhân dân thành phố H truy tố về tội “Giết người”, quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015), bị cáo là máy trưởng của tàu biển, vì động cơ cá nhân đã thực hiện hành vi giết chết thuyền trưởng. Tại thời điểm giết người, con tàu đang neo đậu ở vùng biển thuộc địa phận của tỉnh B để nhận lương thực từ một sà lan khác vận chuyển đến. Sau khi xảy ra vụ án, theo chỉ đạo của Đại phó, các thuyền viên trên tàu đã dọn dẹp hiện trường, cấp đông tử thi, tiếp tục hành trình cập cảng H và trình báo sự việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố H. Trong khoảng thời gian đó, con tàu có dừng lại ở khu vực HM, tỉnh A để đón một số người của công ty lên tàu giải quyết một số công việc và trấn an các thuyền viên. Quá trình điều tra, bị can U ban đầu nhận tội, sau chối tội, một mực kêu oan. Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo và các Luật sư bào chữa tiếp tục kêu oan, đồng thời đưa ra các bằng chứng ngoại phạm. Do có sự chuẩn bị tốt hệ thống chứng cứ kết tội bị cáo (các tài liệu thể hiện về việc sử dụng thời gian của bị cáo, các tài liệu về giám định và nhiều tài liệu khác), KSV đã tranh luận, đối đáp tất cả các vấn đề mà bị cáo và Luật sư của bị cáo đưa ra, theo đó đã bảo vệ thành công quan điểm truy tố. Hiện bản án đã có hiệu lực thi hành. Đối với các nội dung có liên quan đến việc con tàu biển đã dừng đỗ tại một số địa điểm trước và sau khi thuyền trưởng bị giết có dấu hiệu của hành vi buôn lậu xăng dầu và nhập cảnh trái phép lên tàu thì trong quá trình tranh luận, bị cáo và các Luật sư của bị cáo đã đề nghị được đối đáp các nội dung này (vì cho rằng cần phải làm rõ động cơ giết người của bị cáo có phải vì lí do ăn chia tiền buôn lậu xăng dầu không đều hay không). Do đã giới hạn được phạm vi tranh luận khi tiến hành luận tội, KSV đã từ chối đối đáp các nội dung có dấu hiệu hành vi buôn lậu; công bố, viện dẫn các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án để làm rõ động cơ giết người của bị cáo.
Hai là, khi dự kiến các tình huống tranh luận tại phiên tòa, cùng với việc chuẩn bị đề cương xét hỏi, luận tội, KSV phải “vào vai” của người bào chữa để kiểm tra, đánh giá hệ thống chứng cứ gỡ tội đối với bị cáo, dự kiến các luận điểm mà người bào chữa có thể đưa ra. Đồng thời, “vào vai” của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan…; trên cơ sở đó phân tích, nhận định, dự báo các vấn đề sẽ phải tranh luận, đối đáp, từ đó chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để viện dẫn, trích dẫn trong quá trình tranh luận, đối đáp, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.
Thứ tư, một số nội dung KSV cần chú ý khi tranh luận, đối đáp như sau:
- Thái độ tranh luận, đối đáp của KSV phải thể hiện sự khiêm tốn, khách quan, bình đẳng và tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng.
- Nội dung tranh luận phải ngắn gọn, súc tích, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ các vấn đề cần tranh luận theo thứ tự, bắt đầu từ tố tụng, sau đó đến phần nội dung cụ thể, như: Tội danh, khung hình phạt, mức hình phạt áp dụng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các vấn đề khác.
- Đối với các ý kiến trùng lặp (thường có trong các vụ án có nhiều Luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo) thì bắt buộc KSV phải tổng hợp được các nội dung cần tranh luận để tiến hành đối đáp một lần, tránh lan man, dài dòng. Đối với các ý kiến trái ngược nhau giữa người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, KSV cần phải tập trung ghi chép đầy đủ, khi đối đáp phải công bằng, nếu đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến nào thì phải nêu rõ lí do.
- Trước khi đối đáp nên nhắc lại các nội dung chính của từng người bào chữa, người bị hại, người tham gia tố tụng (thể hiện sự tôn trọng, thẳng thắn, không né tránh trong việc tranh luận); đồng thời, nêu rõ các nội dung trùng nhau để đối đáp trước, sau đó đối đáp với các ý kiến khác nhau của từng người bào chữa. Đối đáp lần đầu càng triệt để càng tốt. Khi bác bỏ các quan điểm không phù hợp phải viện dẫn chứng cứ chứng minh có tính thuyết phục. Trường hợp không đưa ra được các lý lẽ để phản biện ý kiến của Luật sư, KSV cần thẳng thắn thừa nhận những ý kiến có căn cứ của người bào chữa, tránh tư tưởng luôn coi Luật sư là bên đối lập, bắt buộc trong mọi tình huống phải phản đối tất cả các ý kiến, yêu cầu của Luật sư.
- Nội dung nào liên quan đến xác định tội danh thì dành nhiều thời lượng để đối đáp, nội dung nào không quan trọng thì chỉ nhắc qua và nêu rõ quan điểm, không phân tích lan man, lặp lại. Đối với các nội dung đồng thuận với lời luận tội của KSV thì chỉ nêu ý kiến mà không cần tranh luận, trừ khi thấy cần thiết phải phân tích bổ sung nếu tại phần xét hỏi có phát sinh thêm các tình tiết, nội dung có ý nghĩa cho việc đối đáp, nhằm làm rõ hơn về quan điểm đã trình bày khi luận tội. Đối với những ý kiến đúng của Luật sư, người bào chữa thì KSV cần chấp nhận, thể hiện sự khách quan, công minh của Viện kiểm sát.
- Mỗi khi kết thúc một ý kiến, tranh luận, KSV nên bày tỏ quan điểm kết luận của mình, như: “Giữ nguyên quan điểm truy tố, quan điểm buộc tội khi luận tội bị cáo” hoặc khi KSV đồng tình về các ý kiến, nội dung cụ thể nào đó của những người tham gia tranh luận, thì phải đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
- Quá trình tranh luận, đối đáp, trường hợp có cả ý kiến của người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi cho bị hại hoặc ý kiến của những người có quyền lợi đối lập nhau, KSV có thể sử dụng các luận điểm có căn cứ của các bên để đối đáp.
- Sau phần đối đáp lần đầu của KSV, thường người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác sẽ có ý kiến tiếp theo. Do đó, KSV cần phải chú ý xem nội dung họ đưa ra đã được đối đáp chưa; có thuộc phạm vi cáo trạng truy tố không; có thuộc phạm vi bào chữa không để đối đáp một cách ngắn gọn và tập trung, tránh trường hợp tranh luận lại những nội dung đã tranh luận, hoặc tranh luận những nội dung không thuộc phạm vi cáo trạng truy tố.
- Kiểm sát viên phải thể hiện được phong thái bình tĩnh, tự tin, đối đáp rõ ràng, dứt khoát. Khi đối đáp phải tôn trọng những người tham gia tố tụng, không được tỏ thái độ nóng giận, không kiểm soát được cảm xúc./.
Nguồn: Lương Thị Thúy Dung (kiemsat.vn)
27/10/21 08:26