27/05/20 16:24

Viện kiểm sát nhân dân đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc giữ gìn và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa

   Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2020), Tạp chí điện tử Kiểm sát sưu tầm các bài viết của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng đầu tiên của VKSND tối cao. Hy vọng rằng, đây sẽ là những tài liệu bổ ích, giúp cho đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành có thể tìm hiểu về các quan điểm, chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp trong giai đoạn đầu của sự ra đời và phát triển của ngành Kiểm sát.

   (Trích báo cáo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp thứ Nhất, quốc hội khoá VI, bài viết được đăng trong cuốn Nội san Công tác kiểm sát: 5A/1976).

 

   “… Nguyên tắc pháp chế thống nhất đòi hỏi những qui tắc chế độ, thể lệ do các ngành, các cấp ban hành phải phù hợp với Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp qui của Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các ngành, các cấp trong mọi hoạt động quản lý phải chấp hành các luật lệ đúng với tinh thần và lời văn của nó.

   Nguyên tắc pháp chế thống nhất bác bỏ xu hướng bản vị, cục bộ, bám vào đặc điểm địa phương, đặc điểm của ngành để tuỳ tiện không chấp hành pháp luật hay chấp hành sai pháp luật. Vì bám vào đặc điểm địa phương tức là đem đối lập lợi ích chung với lợi ích riêng, đối lập sự lãnh đạo tập trung thống nhất với việc mở rộng và phát huy dân chủ một cách vô nguyên tắc trong mọi hoạt động quản lý kinh tế, quản lý văn hoá, quản lý trật tự xã hội.

   Năm 1922 trong bức thư về "song trùng trực thuộc và pháp chế" gửi đồng chí Sta-lin để chuyển tới Bộ Chính trị, Lê-nin đã vạch rõ: "Pháp chế thì chỉ có một thôi; và mối nguy hại to lớn nhất của chúng ta, cũng như biểu hiện của tình trạng kém văn hoá của chúng ta, đều là do chúng ta dung túng quan điểm muôn thủơ của nước Nga và những tập quán nửa man rợ đã cố ý muốn duy trì pháp chế của tỉnh Ca-lu-ga cho khác với pháp chế của tỉnh Ca-dan". Đây là nhận xét rất nghiêm khắc đối với xu hướng cục bộ bản vị, địa phương chủ nghĩa đã diễn ra ở nước Nga lúc bấy giờ.

   Ngày nay, chúng ta vừa mới thoát khỏi tình trạng đất nước bị chia cắt, mới thoát khỏi chính sách thâm độc chia để trị của bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, lại vốn bị ảnh hưởng của lối sản xuất nhỏ, lạc hậu phân tán và chế độ cát cứ phong kiến chi phối, thì chúng ta cũng khó tránh khỏi tình trạng cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa mà Lê-nin đã phê phán ở trên. Chúng ta cũng cần suy nghĩ về những lời phê phán đó để tích cực đấu tranh phòng ngừa không để các hiện tượng đó xẩy ra và gây cản trở trên con đường tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

   Trong khi đòi hỏi phải thực hiện nguyên tắc pháp chế thống nhất, Nhà nước ở Trung ương vẫn chú trọng phát huy sáng kiến và kinh nghiệm của địa phương trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Nhà nước cho phép các địa phương, các ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh được đề ra các qui tắc, nội qui, điều lệ thích hợp để tiến hành các hoạt động tổ chức quản lý. Nhưng những qui tắc, nội qui, điều lệ ấy không được trái với các nguyên tắc pháp luật của Nhà nước. Khi ban hành các văn bản pháp luật, Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã xuất phát từ đường lối chính sách của Đảng, đã cân nhắc yêu cầu, nhiệm vụ chung của cách mạng trong từng thời kỳ; đồng thời cũng đã tính toán, cân nhắc đến những hoàn cảnh và đặc điểm địa phương, đến trình độ nhân dân địa phương và khả năng chấp hành trong thực tế. Cho nên không chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật đó, hoặc mỗi địa phương chấp hành một cách khác nhau sẽ làm cho đường lối, chính sách của Đảng không được thông suốt, gây nên sự nghi ngờ trong quần chúng; và khi chấp hành sai Lệnh chính sách, pháp luật, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân cũng dễ bị kẻ thù lợi dụng xuyên tạc. Nhiệm vụ chuyên chính với địch, dân chủ với nhân dân cũng khó bảo đảm.

   Nhiệm vụ quản lý của Nhà nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ nặng nề và phức tạp. Trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ đó, chúng ta đang phải mò mẫm, tìm hiểu, thể nghiệm nhiều vấn đề từ tổ chức đến cách thức quản lý để định ra cách tổ chức, quản lý tốt nhất. Trong điều kiện ấy lại càng phải tỷ mỉ, thận trọng, tránh làm bừa, làm ẩu và càng phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc pháp chế thống nhất nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng lẫn lộn, vô chính phủ. Sự sáng tạo trong việc tổ chức thi hành pháp luật phải trên cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành những pháp luật đã ban hành, rồi từ thực tế của việc chấp hành mà đề xuất với Nhà nước nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hoặc ban hành thêm những pháp luật, chế độ, thể lệ thích hợp nhằm đáp ứng kịp thời thỏa đáng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng.

...

   Trong 3 nhiệm kỳ được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giao phó thực hiện một trong những chức năng quan trong của Nhà nước là "kiểm sát tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế của xã hội chủ nghĩa được giữ vững", chúng tôi nhận thấy muốn cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất thì trước hết cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên cần gương mẫu chấp hành pháp luật, bởi vì như đồng chí Lê Duẩn đã nói "sự vi phạm của một số công dân nào đó đối với pháp luật, có lẽ không tai hại bằng những quá lạm của các cơ quan chính quyền, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hoá và của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật, bởi vì nếu những người này làm sai pháp luật thì điều đó chẳng những vi phạm các quyền tự do dân chủ của nhân dân mà còn phá hoại các chủ trương chính sách là sinh mệnh của Đảng, là linh hồn của pháp luật Nhà nước, sẽ đánh vào nguồn sức mạnh của chế độ ta là sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước".

   Cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân, để ai nấy hiểu rõ, tự giác tuân theo, đồng thời biết dựa vào pháp luật để đấu tranh chống lại mọi biểu hiện vi phạm pháp luật và phạm tội. Đi đôi với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, cần tổ chức kiểm tra chặt chẽ và nghiêm túc hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Phải kết hợp công tác tự kiểm tra trong các cơ quan Nhà nước với sự kiểm tra của các tổ chức quần chúng và sự kiểm tra của Đảng để buộc từng tổ chức và từng cá nhân tuân thủ các pháp luật, chế độ, thể lệ mà Nhà nước đã qui định.

   Trong việc giám sát sự chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có vai trò to lớn. Chúng tôi tin tưởng rằng việc các đại biểu thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong việc phản ánh ý kiến xây dựng của nhân dân cũng như trong việc giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp, điều đó sẽ có tác dụng quan trọng đối với việc bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, ngăn chặn tệ quan liêu, cửa quyền trong các cơ quan Nhà nước.

   Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Viện kiểm sát nhân dân đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc giữ gìn và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chính với ý nghĩa đó mà bản Hiến pháp năm 1959 đã qui định việc thành lập hệ thống các Viện kiểm sát nhân dân. Nhiệm vụ của nó là thông qua hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật mà góp phần vào việc bảo đảm cho pháp luật được các cơ quan Nhà nước, cán bộ và công dân tôn trọng, do đó đề cao hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước ở Trung ương, phát huy quyền làm chủ tập thể của từng ngành, từng địa phương, từng người công dân, củng cố sự nhất trí về chính trị và tinh thần giữa Đảng Nhà nước với nhân dân".

 

    Nguồn Kiemsat.vn

Lên đầu trang