17/05/19 15:29

TÍN DỤNG ĐEN HOẠT ĐỘNG HOÀNH HÀNH TẠI THÀNH PHỐ VŨNG TÀU

      Vào lúc 8 giờ ngày 16/5/2019, Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu tiến hành xét xử vụ án Nguyễn Đức Lợi và đồng bọn về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS, nội dung như sau: Vào khoảng đầu tháng 7/2018, Nguyễn Đức Lợi rủ Nguyễn Đức Trường góp tiền mang vào Vũng Tàu để cho vay lấy lãi suất cao. Trường đồng ý và mỗi người góp 150.000.000 đồng. Khi đã có tiền, Lợi và Trường rủ thêm Phong, Thắng và một người tên Đức (hiện chưa rõ lai lịch) cùng vào thành phố Vũng Tàu làm “nghề” cho vay.

      Lợi thuê nhà số 772/C10 đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu để cả nhóm cùng ở và làm địa điểm cho vay tiền. Để quản lý việc cho vay, Lợi lập ra hệ thống sổ sách (06 sổ) để theo dõi đồng thời photocopy in ra hàng ngàn tờ quảng cáo với nội dung cho vay tiền bằng nhiều hình thức và để lại số điện thoại của Trường, Đức, Phong rồi mang đi dán tại các khu vực công cộng trên địa bàn phường 10, 11, 12, Rạch Dừa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền và thị trấn Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT).

      Sau khi có người gọi điện thoại vay tiền, Trường, Phong, Đức, Thắng sẽ gặp người vay tiền, xem xét hoàn cảnh rồi báo lại cho Lợi, Lợi là người quyết định về việc cho vay. Trường và Phong phụ trách việc cho vay tại thị trấn Long Hải và Phước Tỉnh còn Đức và Thắng phụ trách việc cho vay tại TP Vũng Tàu. Khi Lợi đồng ý cho vay thì cách thức cho vay như sau:

      + Tiền cho vay được tính lãi suất từ 20%/tháng trở lên và phải thanh toán theo từng ngày bao gồm cả lãi và gốc (cho vay trả góp).

      Cụ thể: khi vay 2.000.000 đồng sẽ phải trả mỗi ngày 100.000 đồng và trả trong thời hạn 24 ngày.

      + Số tiền cho vay tối đa là 10.000.000 đồng/người và tối thiểu là 2.000.000 đồng/người. Thời gian thanh toán số tiền vay không được quá 30 ngày.

      + Người vay tiền có thể đáo (là đã trả được một phần tiền gốc và lãi của số tiền nợ cũ và muốn vay thêm số tiền mới).

      + Khi cho vay tiền, nhóm của Lợi yêu cầu người vay phải trả thêm “tiền phế” gọi là phí dịch vụ cho vay từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng/mỗi lần cho vay, Lợi giữ khoản tiền này. Sau một tháng sẽ lấy ra chia đều cho cả nhóm, trường hợp có người vay tiền bỏ trốn thì sẽ lấy tiền này bù vào số tiền người vay nợ bỏ trốn.

      Từ ngày 05/7/2018 đến 27/7/2018, nhóm của Lợi cho 73 người vay tiền đã thu hồi được 296.410.000 đồng (trong đó, thu được 45.500.000 đồng của người vay ở Vũng Tàu và 250.910.000 đồng của người vay ở Long Điền). Như vậy, tổng số tiền lãi suất và phí dịch vụ cho vay mà nhóm của Lợi thu được từ ngày 06/7/2018 đến 26/7/2018 của 73 người vay là 56.058.333 đồng. tổng số tiền nhóm của Lợi thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng là 38.230.398 đồng.

      Tòa tuyên phạt đối với Nguyễn Đức Lợi phạt 100.000.000 đồng, Nguyễn Đức Trường phạt 70.000.000 đồng, Hoàng Văn Phong phạt 60.000.000 đồng và Nguyễn Chiến Thắng phạt cảnh cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa

      Có thể thấy, cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” là loại hình tội phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Do vậy, cơ quan đều tra Công an thành phố Vũng Tàu đã có những biện pháp xử lý nghiêm hành vi cho vay nặng lãi. Cùng với đó, trước những lời mời gọi, quảng cáo hấp dẫn của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, người dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, tránh rơi vào “cạm bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” để không phải trở thành con nợ, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.


Tin bài:  Nguyễn Thị Thu Hằng.- Viện KSND TP.Vũng Tàu.

Lên đầu trang