Ngày 19/9/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến trong toàn ngành tập huấn công tác thực hành quyền công tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về tội phạm kinh tế - tham nhũng – chức vụ và Hội nghị tập huấn kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Hội nghị do đ/c Bùi Mạnh Cường – Phó viện trưởng VKSND tối cao chủ trì.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến – Phó Viện trưởng VKSNND tối cao, đồng chí Đoàn Thái Sơn – Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng Lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức làm công tác nghiệp vụ của các đơn vị thuộc VKSNDTC, VKSND cấp cao, VKSQS các cấp, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị trực tuyến được nối từ điểm cầu VKSNDTC đến các điểm cầu VKSND 04 cấp.
Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có sự tham dự của đồng chí Vũ Xuân Rồng – Phó viện trưởng VKSND tỉnh, Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, các KSV, KTV cùng 08 điểm cầu thuộc VKSND cấp huyện.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị đã nghe đồng chí Đoàn Thái Sơn – Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam trình bày tham luận “Vi phạm trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng và những khó khăn, vướng mắc trong việc phát hiện, xử lý vi phạm”. Đồng chí Sơn đã trình bày sơ lược về hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo đó quy mô hệ thống và lượng tiền giao dịch tăng nhanh qua từng năm. Đặc biệt đồng chí Sơn nhấn mạnh những quy định của Điều 206 BLHS 2015 quy định về tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo đó Điều 206 BLHS 2015 đã có nhiều điểm mới so với điều luật tương ứng quy định tại Điều 179 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Sau phần trình bày của đồng chí Đoàn Thái Sơn, được sự ủy quyền của Lãnh đạo VKSNDTC, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã trình bày những nội dung cơ bản của BLHS 2015 liên quan đến hệ thống ngân hàng và BLTTHS 2015 về thủ tục tố tụng để giải quyết. Đặc biệt, một số nội dung được đồng chí đề cập và nhấn mạnh như đối với tội phạm liên quan đến pháp nhân thì chỉ xử lý hình sự đối với một loại pháp nhân đó là pháp nhân thương mại. Riêng đối với Điều 206 BLHS 2015, đồng chí nhấn mạnh việc điều luật này đã mở rộng hơn về chủ thể: ngoài tổ chức tín dụng thì các tổ chức khác có hoạt động tín dụng được Ngân hàng nhà nước Việt Nam công nhận nếu có vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu những điểm mới về mặt tố tụng liên quan đến các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, phong tỏa tài sản…
Hội nghị cũng đã nghe đồng chí Nguyễn Huy Tiến – Phó viện trưởng VKSND tối cao trình bày tham luận: “Kinh nghiệm và bài học rút ra thông qua các vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và kinh nghiệm trong việc xác định thiệt hại hoặc hậu quả xảy ra, công tác giám định, định giá tài sản gắn với việc quán triệt Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế”.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe tham luận của Lãnh đạo Vụ 3 VKSND tối cao, VKSND Thành phố Hà Nội, VKSND thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm kinh tế - tham nhũng – chức vụ.
Chiều cùng ngày, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí Phó viện trưởng VKSND tối cao: Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Huy Tiến. Hội nghị đã nghe Luật sư Phan Trung Hoài – Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận:"Trao đổi kỹ năng tranh tụng theo quy định của BLTTHS 2015”. Sau tham luận của Luật sư Phan Trung Hoài, đồng chí Nguyễn Văn Quảng – Phó viện trưởng VKSND tối cao chủ trì thảo luận, các đại biểu tiến hành trao đổi, đặt các câu hỏi liên quan đến kỹ năng tranh tụng đối với luật sư Phan Trung Hoài.
Kết luận hội nghị: đồng chí Bùi Mạnh Cường – Phó viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị trên là cần thiết và kịp thời, hội nghị cũng đã hoàn thành được nội dung và yêu cầu đề ra. Đồng chí Phó viện trưởng yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn ngành tiếp tục quán triệt nội dung của BLHS, BLTTHS, Luật tổ chức CQĐT hình sự, đặc biệt là các nhóm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng. KSV cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa với ĐTV, cần tiến hành trực tiếp các hoạt động điều tra nếu vụ án có mâu thuẫn hoặc bị can có đơn kêu oan để chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Đồng chí nhấn mạnh khó khăn vướng mắc chủ yếu đối với loại án kinh tế, chức vụ là công tác giám định nên yêu cầu toàn ngành KS cần quán triệt Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, yêu cầu KSV phối hợp với ĐTV đề ra yêu cầu giám định chính xác, cung cấp đầy đủ tài liệu cần giám định cho giám định viên, bám sát quá trình giám định và nắm vững kết luận giám định. Đối với công tác tranh tụng tại phiên tòa, Đồng chí Phó viện trưởng yêu cầu KSV tiếp tục nâng cao năng lực, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tin, bài: Nguyễn Việt Hà - Phòng 1