Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Luật TC VKSND) được ban hành trên cở sở thể chế hóa quy định của Hiếp pháp năm 2013, tiếp thu quy định của luật cũ, sửa đổi, bổ sung một số quy định mới theo chủ trương, đường lối của nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay đồng thời nhằm tạo tính thống nhất với các bộ luật chuyên ngành. Để đánh giá kết quả qua 02 năm thực hiện Luật TC VKSND, trong hai ngày 19-20/10/2017 Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Luật TC VKSND năm 2014.
Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện công tác tổ chức cán bộ
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu báo cáo kết quả thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo quy định Luật TC VKSND như sau:
1. Tình hình cơ quan, đơn vị
- Về tổ chức bộ máy gồm: 4 lãnh đạo Viện (Viện trưởng; 03 Phó Viện trưởng), 12 phòng nghiệp vụ, 08 đơn vị cấp huyện và Tổ thanh tra.
- Về biên chế: Biên chế được giao: 187 (trong đó: cấp tỉnh 70; cấp huyện:117); Thực hiện được 173/187 chỉ tiêu biên chế (cấp tỉnh: 70; cấp huyện: 103); Biên chế còn thiếu: 14 chỉ tiêu, trong đó 13 chỉ tiêu nghiệp vụ, 01 kế toán VKSND huyện Long Điền; Hợp đồng theo Nghị định 68/2000: thực hiện 27/28 chỉ tiêu hợp đồng( cấp tỉnh: 09;cấp huyện 18)
- Cơ cấu công chức theo ngạch: KSV cao cấp: 01 ( Viện trưởng VKSND tỉnh); KSV trung cấp: 52/55 ( thiếu 03 chỉ tiêu); KSV sơ cấp: 62/73 ( thiếu 11 chỉ tiêu); Kiểm tra viên chính: 01; Kiểm tra viên:14; Chuyên viên: 27; Kế toán: 09 (thiếu 01);Cơ yếu: 01;Cán sự và nhân viên khác: 06;
2. Công tác triển khai thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014
Sau khi Luật tổ chức Viện KSND được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015, thực hiện Kế hoạch số 110/KH-VKSTC- V9 ngày 12/12/2014 của Viện KSND tối cao về “Triển khai thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã triển khai, quán triệt, thực hiện nội dung của kế hoạch:
- Hoàn thành việc rà soát KSV trung cấp, KSV sơ cấp hết nhiệm kỳ trước ngày 01/2/2015 để làm thủ tục và đề nghị Viện KSND tối cao bổ nhiệm lại theo thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2002. Những trường hợp hết nhiệm kỳ từ 01/2/2015 đến 31/5/2015 thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ KSV và trình Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm lại sau ngày 01/6/2015 theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Nghị quyết số 82 của Quốc hội.
- Hoàn thành việc tuyển chọn, bổ nhiệm mới KSV trung cấp, KSV sơ cấp theo quy định của Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002, Pháp lệnh KSV Viện KSND năm 2000( sửa đổi năm 2011) đối với những trường hợp đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ trước ngày 01/6/2015.
- Căn cứ vào chỉ tiêu số lượng KSV các ngạch được phân bổ cho từng cấp, số KSV giảm tự nhiên trong năm 2015( nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc…) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc thi tuyển tạo nguồn bổ nhiệm các ngạch KSV trước ngày 30/4/2015. Chủ động tìm nguồn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, căn cứ vào Quy chế thi tuyển chọn nguồn bổ nhiệm để thực hiện quy trình bổ nhiệm KSV theo đúng quy định.
- Chủ động rà soát các trường hợp hết nhiệm kỳ và xây dựng hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chức danh tư pháp gửi về VKS tối cao chậm nhất 2 tháng trước khi hết nhiệm kỳ bổ nhiệm.
- Tham gia xây dựng bộ đề thi tuyển dụng công chức để thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014; hướng dẫn công chức nghiên cứu để tham gia thi tuyển tạo nguồn bổ nhiệm; lựa chọn công chức tham gia thi tập trung.
Các văn bản về công tác tổ chức cán bộ đã sao gửi tất cả các văn bản đến các đơn vị trực thuộc, chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quán triệt đầy đủ nội dung các văn bản đến toàn thể công chức trong đơn vị .
3 Kết quả thực hiện
3.1 Về tổ chức bộ máy
- Cấp tỉnh: biên chế được giao 70 người, bộ máy của Viện KSND cấp tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cơ cấu 12 phòng nghiệp vụ ổn định từ năm 2012 đến nay
- Cấp huyện
1/ VKSND thành phố Vũng Tàu: Viện trưởng; 03 Phó Viện trưởng.
2/ VKSND thành phố Bà Rịa: Viện trưởng; 02 Phó Viện trưởng.
3/ VKSND huyện Tân Thành: Viện trưởng; 02 Phó Viện trưởng.
4/ VKSND huyện Châu Đức: Viện trưởng; 01 Phó Viện trưởng
5/ VKSND huyện Long Điền: Viện trưởng; 01 Phó Viện trưởng
6/VKSND huyện Đất Đỏ: Viện trưởng; 01 Phó Viện trưởng.
7/ VKSND huyện Xuyên Mộc: Viện trưởng; 01 Phó Viện trưởng
8/ VKSND huyện Côn Đảo: Viện trưởng; 01 Phó Viện trưởng.
3.2 Về công tác cán bộ
a. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chấp hành kỷ luật, trật tự nội vụ
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được thực hiện có sự phối hợp giữa cấp ủy và chính quyền thông qua các buổi học, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của cấp trên với sự tham dự của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị. Việc chấp hành kỷ luật, trật tự nội vụ đối với công chức được được quán triệt thường xuyên. Tổ thanh tra công vụ được thành lập thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành nội vụ, giờ giấc làm việc đối với công chức trong đơn vị. Hàng năm tổ chức các đợt kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất nhằm bảo đảm việc chấp hành kỷ luật, trật tự nội vụ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.
b. Công tác tuyển dụng: từ tháng 6/2015-6/2017 qua xét tuyển, thi tuyển đơn vị đã tuyển dụng được 09 công chức. Năm 2017, do số lượng công chức giảm tự nhiên ( nghỉ hưu, thôi việc) và số biên chế mới được giao thêm (07) chỉ tiêu, hiện đơn vị đang thiếu 14 biên chế tập trung ở đơn vị cấp huyện.
c. Công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm:
- Trong 2 năm thực hiện luân chuyển, điều động 33 trường hợp.
- Về bổ nhiệm VKSND tối cao bổ nhiệm: 02 Viện trưởng cấp huyện; 05 Phó Viện trưởng cấp huyện; Viện trưởng VKS tỉnh đã bổ nhiệm 04 Trưởng phòng; 04 Phó phòng.
d. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ: Việc đánh giá, phân loại công chức được thực hiện đình kỳ hàng năm và việc đánh giá công chức được thực hiện trước khi thực hiện việc bổ nhiệm, quy hoạch theo Quy chế đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân. Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc đánh giá cán bộ bảo đảm toàn diện, đúng thực chất, có sự phân biệt giữa người làm tốt, người làm chưa tốt nhiệm vụ được giao.
e. Công tác quy hoạch:
Quy hoạch giai đoạn 2016-2021 đã được xây dựng và hàng năm có rà soát, bổ sung quy hoạch, cụ thể đã quy hoạch: Viện trưởng VKSND cấp tỉnh: 02; Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh: 07; Viện trưởng VKSND cấp huyện: 11; Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện: 18; Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh: 12; Phó Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh: 12.
Năm 2016 quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021-2026, cụ thể đã đưa vào quy hoach: Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh: 03; Viện trưởng VKSND cấp huyện: 11; Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện: 18; Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh: 10; Phó Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh: 12.
f. Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Căn cứ vào kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng của VKSND tối cao, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, đơn vị xây dưng kế hoạch đào tạo của năm. Từ 6/2015-6/2017 đã cử 71 công chức đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ kiểm sát, bồi dưỡng chuyên sâu, quản lý nhà nước và lý luận chính trị.
g. Công tác khen thưởng, kỷ luật: Kết quả khen thưởng 2016: 05 tập thể và 20 cá nhân được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen trong phong trào thi đua: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; 03 tập thể và 05 cá nhân được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; 04 đồng chí được VKSND tối cao tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ pháp chế” vì đã có đóng góp tích cực, thiết thực và có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát.
Kỷ luật đã xử lý kỷ luật về mặt đảng và chính quyền bằng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với 01 đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
h. Công tác thi tuyển chức danh tư pháp: Trên cơ sở chỉ tiêu số lượng KSV được giao đơn vị đã cử 59 công chức đủ điều kiện để cử đi dự thi các ngạch Kiểm sát viên. Kết quả qua các năm, Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm: 01 KSV cao cấp, 10 KSV trung cấp, 9 KSV sơ cấp. Viện trưởng VKSND tỉnh bổ nhiệm 15 Kiểm tra viên.
Qua 02 năm triển khai thực hiện Luật TC VKSND và các văn bản về công tác tổ chức cán bộ, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn:
1. Ưu điểm:
- Các vấn đề về công tác tổ chức cán bộ được quy định một cách tương đối đầy đủ và có hệ thống thống trong các quy chế, quy định, thông tư.
- Quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình liên quan đến công tác tổ chức cán bộ giúp cho việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ được thực hiện chặt chẽ, thống nhất.
2. Hạn chế, vướng mặc, bất cập- kiến nghị
Tuy nhiên, qua hai năm thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản về công tổ chức cán bộ cho thấy những hạn chế, vướng mắc, bất cập như sau:
2.1 Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND
Thiếu quy định về thẩm quyền cho nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2.2 Quy định tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân
Bổ sung quy định tiêu chuẩn về trình độ lý luận từ trung cấp trở lên đối với các chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng cấp tỉnh.
2.3 Quy chế về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức, viên chức trong ngành kiểm sát nhân dân
Bổ sung hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm đối với trường hợp công chức công tác tại một đơn vị được đề nghị bổ nhiệm chức vụ ở một đơn vị khác.
Ví dụ: A là Kiểm sát viên trung cấp- công tác tại Phòng 9, Viện KSND tỉnh được được đề nghị bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng, Viện KSND huyện B.
2.4 Quy chế đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân
- Quy định bổ sung đánh giá, phân loại đối với công chức được cử đi học.
- Sửa đổi mẫu phiếu đánh giá, phân loại công chức trong đó thêm bảng đánh giá (nội dung đánh giá; mức công chức tự đánh giá ( tỷ lệ %); mức lãnh đạo trực tiếp đánh giá (tỷ lệ %)).
Tin bài: Trương Văn Sinh