09/02/17 15:33

Rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh thương mại.

         Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án kinh doanh thương mại, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo để Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố biết, tổ chức rút kinh nghiệm về vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án như sau:

         Vụ án “Tranh chấp hợp đồng chăn nuôi gà”, giữa nguyên đơn là Công ty TNHH thực phẩm CJVina, địa chỉ: ấp 8, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương và bị đơn là bà Phạm Thị Nhung, địa chỉ: ấp Sông Xoài 1, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

1. Nội dung vụ án:

          Ngày 15/7/2013, Công ty TNHH thực phẩm CJVina (gọi tắt là Công ty thực phẩm CJVina) và bà Vũ Thị Nhung ký Hợp đồng nuôi gia công gà số: 06/GT/CJVN, với nội dung bà Nhung nhận và đảm bảo cơ sở vật chất để nuôi gà; Công ty thực phẩm CJVina cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, vaccinexin, và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho bà Nhung nuôi. Ngoài ra hai bên còn có những thỏa thuận khác như việc trả tiền công nuôi, việc bồi thường thiệt hại…

         Căn cứ vào hợp đồng, ngày 22/10/2013, Công ty thực phẩm CJVina giao cho bà Nhung tổng cộng 94.808 con gà giống nuôi ở 07 trại. Khi đến kỳ xuất gà, từ trại số 1 đến trại số 5 không có vấn đề gì phát sinh, nhưng đến ngày xuất trại số 6 và số 7, Công ty thực phẩm CJVina phát hiện số gà hao hụt 15.575 con, nên đã yêu cầu bà Nhung bồi thường thiệt hại, nhưng bà Nhung không đồng ý. Bà Nhung cho rằng do Công ty thực phẩm CJVina không cung cấp thức ăn dẫn đến gà chết và đây không phải lỗi của bà nên không đồng ý bồi thường thiệt hại.

        Ngày 26/12/2013, Công ty TNHH thực phẩm CJVina làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Tân Thành giải quyết buộc bà Vũ Thị Nhung phải bồi thường thiệt hại số tiền 938.696.277 đồng và trả khoản lãi suất 9%/năm trên số tiền bồi thường thiệt hại kể từ ngày 21/12/2013.

2. Kết quả giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm:
a) Kết quả giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

       Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 23/2016/KDTM-ST ngày 01/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện Tân Thành đã quyết định tuyên xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH thực phẩm CJVina, về bồi thường thiệt hại cộng tiền lãi phát sinh 1.407.842.241 đồng và bác yêu cầu của bà Vũ Thị Nhung về việc buộc Công ty TNHH thực phẩm CJVina trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp và thanh toán tiền công nuôi gà.

       Ngày 07/9/2016, Công ty thực phẩm CJVina có đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo hướng hủy bản án sơ thẩm và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về bồi thường thiệt hại.
a) Kết quả giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm:

       Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số: 16/2016/KDTM-PT ngày 23/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo và yêu cầu khởi kiện về đòi bồi thường thiệt hại của Công ty TNHH thực phẩm CJVina.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong vụ án:

        Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án nhận thấy việc tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án này xuất phát từ Hợp đồng gia công nuôi gà số: 06/GT/CJVN ngày 15/7/2013 được ký kết giữa Công ty TNHH thực phẩm CJVina và bà Vũ Thị Nhung. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không căn cứ vào các điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng để giải quyết vụ án và chưa làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai, thu thập đầy đủ các tài liệu có liên quan để giải quyết vụ án toàn diện, nhưng lại quyết định bác đơn khởi kiện của Công ty thực phẩm CJVina là không khách quan; cụ thể:

       - Chưa xác định thời điểm gà bị thất thoát: Tại bản tường trình của bà Nhung ngày 19/5/2014 thể hiện: Ngày 10/12/2013 Công ty mới tiến hành bắt gà và đến 21/12/2013 thì bắt hết toàn bộ 7 trại. Lời tường trình của bà Nhung có nội dung phù hợp với lời khai của Công ty CJVina là đến ngày 22/12/2013 khi nhân viên Công ty xuống xuất gà tại trại số 7 thì không còn gà. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, bà Nhung lại trình bày ngày 24, 25/12/2013 tại trại số 6, số 7 vẫn còn gà và đến ngày 28/12/2013 thì gà mới chết toàn bộ. Những mâu thuẫn này, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ để xác định thời điểm gà bị thất thoát.

       - Chưa xác minh làm rõ số lượng gà thất thoát: Số lượng gà và số gà thất thoát của trại số 6 và trại số 7 được thể hiện trong các tài liệu là đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, phiếu xuất gà do các bên đương sự cung cấp không đầy đủ và có sự chênh lệch nhau về số lượng; lời khai của đương sự không thống nhất và mâu thuẫn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ.

       - Căn cứ Hợp đồng nuôi gia công gà số: 06/GT/CJVN ngày 15/7/2013 được ký kết giữa bà Nhung và Công ty CJVina quy định: Trường hợp gà chết bên nuôi phải để lại xác gà chết; sau 24 giờ mà không được nhân viên Công ty CJVina xác nhận thì bên nuôi phải chặt chân gà để lại; bên nuôi không được tự ý tiêu hủy gà mà không có sự chứng kiến xác nhận của Công ty CJVina, nếu không bên nuôi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải bồi thường thiệt hại cho Công ty CJVina. Như vậy, theo hợp đồng, bên nuôi là Nhung phải có nghĩa vụ chứng minh với Công ty CJVina về việc gà chết vì lý do khách quan mới được miễn trừ nghĩa vụ, nhưng bà Nhung không chứng minh được nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty CJVina là có căn cứ. Bà Nhung cho rằng gà chết hàng loạt là do Công ty không cung cấp cám ăn dẫn đến gà chết, nhưng thực tế số cám vẫn còn 3.120 kg. Do đó, bà Nhung cho rằng do không còn thức ăn dẫn đến gà chết là không đủ cơ sở. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Công ty TNHH thực phẩm CJVina không xuất gà, không cung cấp cám là thuộc trách nhiệm của Công ty để bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty là chưa đủ cơ sở, không khách quan, không phù hợp với nội dung hợp đồng mà hai bên đã ký kết và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

       Bên cạnh đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ chốt số lượng gà hao hụt và không có văn bản nào xác định bà Nhung làm hao hụt gà và lỗi để gà chết hoàn toàn thuộc về nguyên đơn là không khách quan. Thời gian, số gà chết bà Nhung đã bán cho ông Cương làm thức ăn gia súc, nhưng không có tài liệu chứng minh; số lượng gà chết đã bán có phù hợp với số lượng gà còn tồn lại của trại số 6 và trại số 7 chưa xuất hay không cũng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xác minh làm rõ.

       Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm, bà Vũ Thị Nhung có đề nghị Công ty TNHH thực phẩm CJVina trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp đảm bảo khi ký hợp đồng chăn nuôi gà và thanh toán tiền công chăn nuôi gà, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết mà nhận định bà Nhung được quyền khởi kiện bằng một vụ án khác (do không có yêu cầu phản tố). Tuy nhiên, tại phần quyết định của bản án sơ thẩm lại tuyên bác yêu cầu của bà Nhung, về việc buộc Công ty TNHH thực phẩm CJVina trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp và thanh toán tiền công chăn nuôi gà là không đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Nhung.


         Tin bài: Lê Thị Vẹn - Phòng 10

Lên đầu trang