22/12/16 15:09

Hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XII Của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành.

         Sáng ngày 22 tháng 12 năm 2016, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện và Uỷ ban mặt trận tổ quốc huyện Tân Thành đã tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm liệt sĩ huyện Tân Thành. Đến dự có các đồng chí Huỳnh Văn Danh, Uỷ viên Ban chấp hành tỉnh uỷ, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tân Thành; đồng chí Văng Văn Châu, Phó Bí thư thường trực huyện uỷ; đồng chí Nguyễn Văn Thắm, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện; đồng chí Huỳnh Ngọc Thôi, Uỷ viên Ban thường vụ huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Tân Thành cùng các Đồng chí trong Ban thường vụ huyện uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện và Cán bộ, Công chức các cơ quan, đơn vị của huyện Tân Thành. Toàn thể công chức của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành đã tham dự lễ tưởng niệm và dâng hương lên anh linh của các anh hùng liệt sĩ, những người con của dân tộc Việt Nam đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương của mình cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

 

Toàn cảnh buổi dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ H. Tân Thành

         Sau nghi lễ dâng hương, Đại diện Ban chỉ huy huyện đội Tân Thành đã thay mặt toàn thể các đại biểu ôn lại lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, cách đây 72 năm, đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12 năm 1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Bản Chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đến đường lối, phương châm, tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Trong điều kiện lịch sử đương thời, bản chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…”, đồng thời “Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

         Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích vùng Cao-Bắc-Lạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự ra đời của Quân đội ta là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc, ngay từ ngày đầu thành lập với 34 chiến sĩ, với “gậy tầm vông, súng kíp, súng trường…”, Quân đội ta đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên chiến công tiêu diệt các đồn Phay Khắt, Nà Ngần của giặc Pháp, để rồi nhanh chóng phát triển và lớn mạnh, cùng toàn dân tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

         Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội ta đã cùng nhân dân cả nước chiến đấu giành nhiều thắng lợi vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh vô bờ bến, lập nên nhiều chiến công nối tiếp chiến công, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và ngay sau đó, đã lại tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân thực hiện hai cuộc chiến tranh chống quân xâm lược ở cả hai đầu biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu, đồng thời, giúp giải phóng nước bạn Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Khơme đỏ.

         Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho; không ngừng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; rèn luyện kỷ luật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Quân đội nhân dân Việt Nam còn phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ nhân dân.

          Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành rất coi trọng hoạt động “uống nước nhớ nguồn” này và coi đây là một hoạt động sinh hoạt chính trị cụ thể cho các Công chức nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, thiết thực thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương khoá XII.

          Tin bài: Ma Quang Lâm – VKSND H. Tân Thành.

Lên đầu trang