Sức mạnh chiến tranh nhân dân những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến
QĐND - Chiến tranh toàn dân là nghệ thuật và truyền thống đánh giặc quý giá của dân tộc ta. Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tuy thời gian tác chiến không dài, nhưng chiến tranh nhân dân đã có bước phát triển rất quan trọng về cách thức tổ chức, sử dụng lực lượng và phương tiện tác chiến.
Nghệ thuật phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chiến trường và các mặt đấu tranh, nhất là vận dụng sáng tạo cách đánh là những nhân tố vô cùng to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù giành thắng lợi.
Trước sức mạnh hơn hẳn về lực lượng chủ lực và phương tiện tác chiến hiện đại của quân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng đứng lên đánh giặc bảo vệ đất nước. Người dân ở trong hay ngoài nước, là đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ, không phân chia dân tộc, tôn giáo, đảng phái và giai tầng xã hội, đã là người Việt Nam đều anh dũng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu Tổ quốc. Nhân dân đứng lên đánh giặc được các đoàn thể tổ chức, hướng dẫn và huấn luyện, giúp từng người nhận thức rõ nhiệm vụ, đúng kẻ thù, vai trò của từng mặt đấu tranh, nhất là cách đánh. Đó là những kiến thức cần thiết để người dân vận dụng sáng tạo vào đánh địch trên các mặt trận. Cùng với tổ chức và xây dựng lực lượng, ta còn hướng dẫn nhân dân xây dựng thế trận đánh địch rộng khắp trên các vùng, miền của đất nước, làm cho mỗi người dân trở thành một chiến sĩ, mỗi làng, xã, phố phường, xưởng máy và công sở trở thành một chiến lũy, pháo đài và trận địa tiêu diệt địch. Nhân dân đánh địch bằng mọi thứ vũ khí và trang bị sẵn có như: Súng, gươm, giáo mác, cuốc thuổng và gậy gộc. Toàn dân đánh giặc với tinh thần và quyết tâm rất cao: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", thể hiện rõ ý chí, nghị lực và sức mạnh của chiến tranh toàn dân.
Trong quá trình đánh giặc, quân và dân ta đã hiệp đồng rất chặt chẽ các lực lượng và nhiều thứ quân; phối hợp nhịp nhàng giữa các chiến trường miền Bắc, miền Trung và miền Nam, nhiều vùng chiến lược rừng núi, cao nguyên, trung du, đồng bằng và đô thị; các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận và ngoại giao. Trong tác chiến, quân và dân cả nước còn kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giành và giữ vững quyền chủ động tiến công địch, đánh địch rộng khắp trên toàn chiến trường, với tập trung sức mạnh vào chiến trường chính là các đô thị; tận dụng mọi thời gian, không gian và thời cơ có lợi, phát huy hết khả năng, thế mạnh, cách đánh sở trường của từng cá nhân và từng lực lượng tiêu diệt quân địch. Trong đánh địch, quân và dân ta đã vận dụng sáng tạo nhiều loại hình tác chiến như tiến công, phòng thủ và phòng ngự. Kết hợp trong đánh ngoài vây, phối hợp trong ngoài cùng đánh, ngăn chặn, tiêu hao và tiêu diệt quân địch. Trong quá trình tác chiến, ta còn vận dụng linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật như: Vận động chiến, tập kích và phục kích, đánh cả phía trước, bên sườn và phía sau kẻ thù. Vừa tác chiến, quân và dân cả nước đã kết hợp với phát triển lực lượng, thực hiện càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành. Đó là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù trên nhiều mặt trận, nhất là về quân sự, đánh dấu bước trưởng thành và sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân, bước phát triển quan trọng về nghệ thuật đánh địch toàn diện những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.
Phát huy sức mạnh của chiến tranh toàn dân và vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến, quân và dân cả nước đã chặn đứng, đẩy lùi nhiều đợt tiến công, làm chậm bước tiến của quân Pháp. Ta đã giữ vững các thành phố và thị xã, bảo vệ vững chắc hệ thống chính quyền nhân dân trong nhiều ngày đêm. Đặc biệt là cuộc chiến đấu không cân sức của quân và dân Thủ đô. Mặt trận Hà Nội, quân Pháp có 6.500 tên, cùng nhiều trang bị tác chiến hiện đại như: Máy bay, xe tăng và pháo binh. Quân địch lại chiếm giữ nhiều địa điểm quan trọng bên trong và chiếm đóng các cửa ô ra vào thành phố. Trong khi đó, bộ đội chủ lực ta chỉ có 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn. Mặc dù vậy, nhân dân nội và ngoại thành vẫn anh dũng đứng lên, quyết kề vai, sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Người dân đã lật đổ nhiều đầu máy và toa xe, đốn ngã nhiều cây to và cột điện, sử dụng cả những đồ dùng sinh hoạt quý giá của gia đình như: Bàn, ghế, giường, tủ và quầy hàng để chắn ngang các đường phố, tạo thành hệ thống chướng ngại vật nhiều tầng nhằm ngăn chặn quân Pháp. Cùng lúc đó, nhân dân còn đục thủng tường nhà xuyên qua nhiều dãy phố để bộ đội và tự vệ bí mật cơ động, đánh vào bên sườn và phía sau quân Pháp. Người dân Thủ đô còn tự nguyện tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, luôn sát cánh cùng bộ đội kiên cường đánh giặc liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhiều chiến sĩ Vệ quốc đoàn và tự vệ đã mưu trí, quả cảm dùng chai xăng, ôm bom ba càng lao thẳng vào đánh cháy xe tăng và thiết giáp địch. Cả Hà Nội chiến đấu với tinh thần và ý chí rất cao, “Một lòng sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Bên cạnh đó, quân và dân ta còn vận dụng sáng tạo nhiều cách đánh, giành giật với địch từng căn nhà và góc phố, giữ vững Thủ đô trong 60 ngày đêm. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Trung ương Đảng và Chính phủ rút về chiến khu an toàn, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng.
Phạm Văn Minh lấy từ QĐND(BÙI THANH SƠN)