Ngày 30/6/2016, Tòa án nhân dân Tp. Vũng Tàu mở phiên họp dân sự thụ lý số 403/2016 ngày 18/5/2016 về việc "yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và nuôi con" giữa những người yêu cầu:
Bà Lăng Thị Hải Yến – Sinh năm 1982
Ông Trần Văn Hùng – Sinh năm 1975
Những người yêu cầu đều có địa chỉ tại Tp. Vũng Tàu.
Như bao phiên họp việc khác, nhiệm vụ của KSV là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc. Và lần này tôi vẫn thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công nhưng lòng thực sự trào dâng nhiều cảm xúc.
Anh Hùng và chị Yến đăng ký kết hôn với nhau năm 2007 tại UBND xã nơi hai anh chị sinh ra và lớn lên. Đến năm 2015, anh, chị có với nhau 4 người con, cháu đầu sinh năm 2008, cháu thứ 2 sinh năm 2009, cháu thứ ba sinh năm 2013 và cháu thứ tư sinh năm 2015. Lý do mà anh, chị yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là tính tình không hợp, bất đồng quan điểm sống dẫn đến cãi vã, thường xuyên bất hòa. Có lẽ đây là lý do muôn thưở của các cặp vợ chồng khi ly hôn. Có thể vì cái này, cái kia không còn muốn chung sống với nhau nữa, họ lại cho rằng không hợp nhau về tính tình, bất đồng quan điểm sống. Thôi kệ, nghe nhiều, tôi đã quen. Nhưng điều làm tôi trăn trở chính là tình cảm của anh chị, có lẽ họ vẫn còn tình cảm với nhau.
Tại phiên họp, được khơi gợi về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, tôi nhận thấy, niềm vui và sự hạnh phúc vẫn ánh lên trong mắt họ. Trước khi tiến tới hôn nhân, anh, chị đã có thời gian tìm hiểu và yêu nhau 6 năm, bao lần giận dỗi, chia tay rồi lại gắn kết. Vượt qua bao khó khăn, cuối cùng anh chị cũng về với nhau thành một gia đình và có bốn người con, hai trai và hai gái. ! Khi được chủ tọa phiên họp đặt câu hỏi, anh chị còn yêu thương nhau không? cả hai người im lặng, một lúc sau anh Hùng trả lời rằng vẫn thương nhau vì nghĩa vợ chồng nhưng tình yêu đã hết. Tôi thấy mắt chị Yến ngấn nước, đôi mắt sưng mọng, có lẽ chị đã dằn vặt nhiều trước khi quyết định ký vào đơn.
Tôi hỏi rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến bất hòa của anh chị. Vẫn là những câu trả lời mang tính chất chung chung! Anh chị không "kể tội" nhau như bao phiên tòa, phiên họp khác mà tôi đã chứng kiến.
Qua việc nghiên cứu hồ sơ cũng như lời trình bày của anh chị tại phiên họp, tôi vẫn không xác định được nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng là gì, lỗi thuộc về ai hay như ông bà ta vẫn nói: "Tại anh tại ả, tại cả đôi bên"! Nhưng dù sao, trên phương diện người phụ nữ, tôi vẫn có sự đồng cảm với chị Yến. Nhìn lại cuộc hôn nhân của anh chị, là vợ chồng của nhau khoảng 8 năm, có với nhau 4 người con. Có lẽ phần lớn thời gian của chị dồn hết vào việc sinh con và chăm bẵm chúng... Có lẽ nào chị "quên" mất chồng,lơ là trong nhiệm vụ "nâng khăn sửa túi" cho anh, dẫn đến tình cảm vợ chồng phai nhạt? Tại phiên họp, tôi cố gắng hòa giải, mong sao anh chị còn lại chút gì đó của tình yêu thưở trước, của nghĩa vợ chồng và trách nhiệm, tình cảm với đàn con thơ mà cảm thông và thấu hiểu cho nhau.
Kết quả, anh chị vẫn ly hôn. Anh Hùng nuôi ba đứa lớn, chị Yến nuôi đứa nhỏ, anh Hùng cấp dưỡng cho chị Yến nuôi con 4000.000đ/tháng. Lúc này, câu thơ của nhà thơ Vương Trọng tôi đọc thưở nào lại ngân lên: " Đứa còn mẹ thì thôi không còn bố; Hai chị em rồi sẽ mất nhau". Một kết cục buồn! Nhưng dẫu sao cách hành xử của anh chị với nhau tại phiên họp đã để lại trong tôi ấn tượng đẹp, không có sự đấu đá, mạt sát nhau, vẫn ân cần và tình cảm. Rồi đấy anh chị sẽ không còn là vợ chồng, nhưng tôi hy vọng vì tình xưa nghĩa cũ, vì tình yêu đối với con trẻ mà cư xử với nhau cho phải đạo, không làm tổn thương đến những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi này!
Tin bài: Đặng Thị Nhung – VKSND Tp. Vũng Tàu.