23/03/16 14:48

BÀN VỀ VỊ TRÍ CHỖ NGỒI CỦA KIỂM SÁT VIÊN TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ

 

   Trong thời gian gần đây trên các diễn đàn thông tin đang có nhiều quan điểm trao đổi trái chiều về vị trí vai trò của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự mà chủ yếu là chỗ ngồi của kiểm sát viên tại phiên tòa so với luật sư để thể hiện tính ngang bằng, bình đẳng về địa vị tranh tụng tại phiên tòa. Có quan điểm cho rằng để đảm bảo tính bình đẳng giữa kiểm sát viên và luật sư khi tranh tụng thì vị trí của Kiểm sát viên và Luật sư phải ngồi là ngang nhau và ngồi trước Hội đồng xét xử thì mới thể hiện được tính bình đẳng và đảm bảo khi tranh tụng còn vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên như hiện nay là chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đây cũng là quan điểm của một số khách mời được phát sóng trên Đài truyền hình trung ương (VTV1). Cũng tại diễn đàn này, chương trình cũng đưa ra hai địa phương thực hiện trái chiều nhau. Cụ thể, tại Tòa án và Viện kiểm sát Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm mô hình vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên ngang bằng với Luật sư, ngồi trước hội đồng xét xử còn ở Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương thì không đồng ý theo cách thực hiện trên.
    Để đánh giá đúng vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự và để xem xét chỗ ngồi của kiểm sát viên như hiện nay có phù hợp và có trái với quy định của Hiến pháp hay không thì cần hiểu rõ Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua và gần đây Bộ luật TTHS 2015 (có hiệu lực từ 01/7/2016) quy định chức năng của ngành kiểm sát nói chung và của kiểm sát viên tại phiên tòa nói riêng được quy định cụ thể như thế nào?
Hiến pháp năm 2013 ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục được được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao thực hiện chức năng nhiệm vụ cụ thể tại Điều 107 của Hiến pháp:
“1. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
 2. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
 3. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.”
   Như vậy, Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện hai chức năng là chức năng thực hành quyền công tố (thường gọi là buộc tội) và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp (được hiểu là kiểm sát các hoạt động của Cơ quan Tòa án, Cơ quan điều tra, các cơ quan khác…để các cơ quan này thực hiện đúng pháp luật). Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 266 cũng quy định một loạt nhiệm vụ quyền hạn của viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử, ngoài nhiệm vụ thực hành quyền công tố, tại Điều 267 BLTTHS cũng quy định rất rõ ràng nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử là “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật…”, còn sự có mặt của kiểm sát viên tại phiên tòa để làm gì Bộ luật tố tụng cũng quy định rất rõ ràng hai chức năng đó là để “thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa” (Điều 289).    Nhìn lại nhiệm vụ của luật sư tại phiên tòa là để làm gì? ngoài nhiệm vụ bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho đương sự theo pháp luật thì có quyền kiểm sát xét xử như kiểm sát viên không? rõ ràng là không mà chức năng nhiệm vụ này chỉ được Đảng, Nhà nước,và nhân dân giao cho ngành kiểm sát và tại phiên tòa là kiểm sát viên.
   Từ quy định trên cho thấy, kiểm sát viên tại phiên tòa ngoài chức năng công tố (buộc tội) là bình đẳng với luật sư trong vai trò bào chữa (bên gỡ tội) thì Viện kiểm sát còn nhân danh Nhà nước kiểm sát các hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử, thư ký tòa án, những người tham gia tố tụng (trong đó có luật sư) và cả những người tham dự phiên tòa nếu họ có vi phạm sẽ đề nghị, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Với chức năng như vậy thì kiểm sát viên ngồi vị trí nào sẽ quan sát tốt để thực hiện chức năng kiểm sát xét xử? Thiết nghĩ, để đảm bảo tính bình đẳng giữa kiểm sát viên và luật sư khi tranh tụng thì không phải là chỗ ngồi mà là quy định của pháp luật và cụ thể Hội đồng xét xử khi phán quyết chỉ dựa vào chứng cứ thu thập được và quan điểm tranh tụng của Luật sư hay quan điểm của kiểm sát viên đúng để ra bản án quyết định đúng pháp luật chứ không phải vị trí chỗ ngồi mới có bản án bình đẳng? Do đó, vị trí kiểm sát viên tại phiên tòa như đang thực hiện là phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành kiểm sát và thể hiện  tính trang nghiêm của phiên tòa khi Viện kiểm sát là thay mặt Nhà nước thực hành quyền công tố.
    Tôi đưa ra nhận định trên không phải là vì tôi là kiểm sát viên mà tôi bảo vệ vị trí chỗ ngồi của mình tại phiên tòa như nhiều quan điểm mà tôi sẽ phân tích theo quy định của pháp luật hiện hành. Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự như tôi đã phân tích trên có hai chức năng. Đó là chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong đó nếu chỉ là thực hành quyền công tố thì các lập luận và cách làm như mô hình Thành phố Đà Nẵng đã làm là phù hợp; nhưng cách làm đó lại quên mất vị trí mà Đảng, Nhà Nước và nhân dân giao phó cho ngành kiểm sát là kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa gồm Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng thì kiểm sát viên khó thực hiện vì nếu ngồi dưới và trước Hội đồng xét xử thì sẽ không kiểm sát được hoạt động của Hội đồng xét xử và thư ký phiên tòa.
    Qua bài viết này, người viết chỉ muốn đưa ra một cái nhìn khác để xã hội, mọi người nhận định vị trí của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự như thế nào mới phù hợp pháp luật. Thiết nghĩ, cũng như nhiều người nhận định đảm bảo tranh tụng công bằng hay không là do quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử theo pháp luật và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra quyết định bản án chính xác đó mới là mục đích cuối cùng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn.

    Bài viết: Nguyễn Đăng Chiến – KSV VKSND huyện Xuyên Mộc.

Lên đầu trang