10/07/15 15:31

Một số quy định mới của Nghị quyết số: 01/2015/NQ-HĐTP và Nghị quyết số: 02/2015/NQ-HĐTP ngày 15/01/2015 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

 
  Ngày 15/01/2015, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã thông qua Nghị Quyết số: 01/2015/NQ-HĐTP, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số: 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011, về hướng dẫn một số quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số: 02/2015/NQ-HĐTP, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số: 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012, về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
  Hai Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2015, nhưng một số Tòa án cấp huyện không cập nhật mà vẫn vận dụng văn bản pháp luật đã bị sửa đổi, bổ sung (hết hiệu lực) để giải quyết dẫn đến giải quyết vụ án không đúng quy định của pháp luật. Viện Kiểm sát cấp huyện cũng không phát hiện những sai phạm đó để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện kháng nghị theo quy định đối với 02 vụ án có liên quan đến việc vận dụng văn bản bị sửa đổi, bổ sung nêu trên.
1. Quy định mới cơ bản của Nghị quyết số: 01/2015/NQ-HĐTP ngày 15/01/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao:
Trước đây tại điểm b, khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số: 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định về quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính gồm:
-  Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế,hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính.
Theo Nghị quyết số: 01/2015/NQ-HĐTP ngày 15/01/2015 thì điểm b, khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số: 01/2011/NQ-HĐTP được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại có nội dung giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này.
Theo quy định mới này thì Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại có nội dung giữ nguyên cũng là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
2. Quy định mới cơ bản của Nghị quyết số: 02/2015/NQ-HĐTP ngày 15/01/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao:
Nghị quyết này sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 3, Điều 6, Nghị quyết số: 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 như sau: “Trường hợp vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 120 Luật Tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 3, Điều 19, Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP khi áp dụng quy định tại Điều 27, Pháp lệnh án phí lệ phí:
- Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản thì phải chịu án phí dân sự sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
Như vậy, theo quy định mới thì việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản mà không được Tòa án chấp nhận sẽ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; theo quy định tại Nghị quyết số: 01/2012/NQ-HĐTP thì không phải chịu án phí.
Trên đây là những quy định mới cơ bản của Nghị quyết số: 01 và 02/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Tuy ngắn gọn (chỉ bao gồm 02 điều luật) nhưng có nội dung rất quan trọng và thường hay được áp dụng vào thực tiễn trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, khi kiểm sát việc giải quyết vụ án cũng như các bản án, quyết định của Tòa án, chúng ta cần chú ý những quy định mới của văn bản nêu trên, kịp thời phát hiện những sai phạm của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định cũa pháp luật.

                                            Nguyễn Văn Sơn – Phòng 12

Lên đầu trang