06/02/15 10:24

Nghĩ về “đạo” người “cầm cân, nảy mực” qua lời Chủ tịch nước

Nghĩ về “đạo” người “cầm cân, nảy mực” qua lời Chủ tịch nước


          (Dân trí) - Đã có không ít cán bộ khi “đương quan” thì kẻ đón người đưa, kẻ hầu người hạ nhưng khi vừa rời ghế từ quan thì sống lầm lũi trong cô đơn. Họ hàng xa lánh, láng giềng tránh mặt, bè bạn ruồng bỏ, đồng đội quay lưng, đến cuối đời chỉ “cúi đầu lầm lũi mà đi” trong sự hổ thẹn của cháu con, họ mạc.
>>   Chủ tịch nước: Quyết liệt cắt bỏ “khối u” tham nhũng, lòng dân mới yên

            Trong bài phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp Xuân Ất Mùi của phóng viên TTXVN, mình rất ấn tượng với lời tâm sự chân tình, thẳng thắn và cũng đầy trăn trở của Chủ tịch nước về “đạo làm quan”.

           Chủ tịch Trương Tấn Sang nói: “Trong cuộc đời người “cầm cân nảy mực,” nhân danh công lý, khi phán quyết phải nghĩ rằng đến lúc về già phải thấy tự hào với con cháu, dòng họ, đồng đội, đồng chí và nhân dân rằng mình đã mang lại công lý cho mọi người, chứ không phải cúi đầu lầm lũi mà đi ở buổi cuối đời”.

           Đây có thể nói là những lời gan ruột của một nguyên thủ quốc gia về tâm thế của người “cầm cân nảy mực”, đáng để cho mỗi chúng ta, dù có chức tước, quyền lực hay chỉ là người dân thường suy ngẫm. Lời tâm sự được chắt lọc, chưng cất của người chiến sĩ cách mạng Trương Tấn Sang.

          Ở đời, “được làm quan” rất khó bởi phải nỗ lực phấn đấu, tôi luyện, rèn giũa và nhiều khi là sự hi sinh lớn lao.

         Thế nhưng “làm được quan” còn khó hơn bởi là sự cống hiến, là hiệu quả, là thành công dù không ít người thất bại.

          Thế nhưng “từ quan” còn khó gấp bội. Đó là một cuộc chuyển đổi to lớn, không phải ai cũng làm “ổn thỏa”. Cái tâm thế chuyển đổi đang có chức có quyền, nói trăm ngàn, vạn triệu người nghe, giờ về làm dân “ngồi sát xuống đất” không phải chuyện dễ.

           Khi “từ quan” vẫn được anh em, đồng đội, bè bạn yêu quý, nhân dân kính trọng còn khó hơn rất nhiều. Khi không còn chức, còn quyền không phải “cúi đầu lầm lũi mà đi” những năm cuối đời mới khó lắm thay bởi nó được “đong đếm” bằng sự chí công, vô tư, hết lòng vì dân, vì nước.

           Đã có không ít cán bộ khi “đương quan” thì kẻ đón người đưa, kẻ hầu người hạ nhưng khi vừa rời ghế từ quan thì sống lầm lũi trong cô đơn. Họ hàng xa lánh, láng giềng tránh mặt, bè bạn ruồng bỏ, đồng đội quay lưng, đến cuối đời chỉ “cúi đầu lầm lũi mà đi” trong sự hổ thẹn của cháu con, họ mạc.

          Cách chúng ta hơn 150 năm, lịch sử dân tộc còn ghi lại có vị quan thanh liêm Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) cả cuộc đời chỉ tâm niệm là làm thanh sạch chốn quan trường. Theo Nhà nghiên cứu Lịch sử Dương Trung Quốc trong Lời nói đầu cuốn “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người xưa”, Đặng Huy Trứ làm quan với tâm niệm là “nô bộc cho Dân, cho Nước”. Ông tự coi mình là “con của thứ dân” và trong cuốn Thứ dân chi tử, ông nguyện suốt đời làm “khuyển mã” của dân (khuyển mã ngô sinh tứ thập niên).

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

          “Đầy tớ của dân” hay “khuyển mã của dân” là hai cách nói nhưng cùng một đáp án, cán bộ (tức là quan) phải có bổn phận và trách nhiệm với dân, với nước.

          Thế nhưng buồn thay hiện nay, không ít cán bộ coi mình như “phụ mẫu” của dân, thay vì phục vụ nhân dân, họ tự coi mình như tầng lớp “cai trị” dân.

          Song, cuộc đời vốn sòng phẳng như lời người xưa để lại: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Khi làm quan phải nghĩ tới lúc trở lại làm dân bời hiếm có ai làm quan đến hết đời mà giả sử có hết đời mình thì còn đó đời con, đời cháu được hưởng tiếng thơm.

          Cách đây mấy năm, ngày 12/7/2011, người dân Thúy Lạc, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải đã tổ chức lễ đón rước chân linh cụ Nguyễn Tạo từ 125 Lò Đúc - Hà Nội về thờ tại chính cung đình làng bởi những công lao to lớn của ông đối với dân làng.

             Cụ Tạo có lẽ là người chiến sĩ Cộng sản được nhân dân suy tôn làm Thành Hoàng làng đầu tiên của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
            Lòng dân là vậy. “Giúp dân dân dựng miếu thờ – Hại dân dân đái thối mồ, trôi thây – Ca dao”.
           Mong rằng khi từ quan, mọi cán bộ hãy ngẩng cao đầu để nói rằng “Đời người chỉ sống có một lần, sống sao cho ra sống để khi nhắm mắt xuôi tay…”.
           Vâng, hãy sống sao để khi cuối đời không phải “cúi đầu lầm lũi mà đi”, phải không các bạn?

                                                                                                                          Bùi Hoàng Tám


 
 

Tuyển dụng làm bố: Bạn dám không?
Tuyển dụng làm bố: Bạn dám không?
Làm việc 24/7, không được trả lương, không được nghỉ phép... Liệu bạn có đủ khả năng ...
kenh14.vn
OPPO

Lên đầu trang