29/01/15 10:16

Một số điểm mới trong chế định ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

 
Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, trên cơ sở tiếp thu quy định Luật HNGĐ năm 2000, Luật HNGĐ năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế định ly hôn, sự thay đổi này có ý nghĩa to lớn trong việc điều chỉnh quan hệ HN&GĐ trong điều kiện mới, hạn chế những bất cập, vướng mắc tồn tại thời gian qua trong quá trình áp dụng, cụ thể:


I. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Khi so sánh với Luật HNGĐ năm 2000, có thể thấy quyền yêu cầu ly hôn trong Luật HNGĐ năm 2014 đã được mở rộng hơn. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì trong quy định tại khoản 2, Điều 51 Luật HNGĐ 2014 “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.” Như vậy thì cha, mẹ, người thân thích khác của một trong hai bên vợ chồng sẽ chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một trong hai bên vợ chồng vừa là người bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình và vừa phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập của Luật HNGĐ năm 2000 đối với trường hợp vợ (chồng) mắc bệnh tâm thần bị người kia hành hạ, tra tấn nhưng họ lại không đủ tư cách để yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.
II. Căn cứ cho ly hôn.
Với việc chuyển căn cứ lý hôn từ Điều luật riêng vào trong quy định của điều ly hôn theo yêu cầu của một bên trong luật năm 2014 và việc đưa ra những nguyên nhân của hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Điều này cũng tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết việc ly hôn trong cả nước. Bên cạnh đó, so với Luật HNGĐ năm 2000 thì Luật HNGĐ năm 2014 sử dụng kỹ thuật lập pháp chặt chẽ hơn (ở luật năm 2000 quy định Tòa án “xét thấy ..... thì Tòa án quyết định cho ly hôn” điều này cho thấy có ý chí chủ quan của Tòa án khi giải quyết việc ly hôn còn ở Luật HNGĐ năm 2014 quy định rất cụ thể “Khi vợ hoặc chồng ... Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ... mục đích của hôn nhân không đạt được”. Ngoài ra, trong Luật HNGĐ năm 2014 còn quy định cụ thể thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân là ngày Bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật và trách nhiệm của Tòa án phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
III. Quyền , nghĩa vụ của cha mẹ con sau khi ly hôn.
So với Luật HNGĐ năm 2000 thì Luật HNGĐ năm 2014 đã hạ độ tuổi phải xem xét nguyện vọng của con khi Tòa án giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con (từ 9 tuổi xuống 7 tuổi). Tuy nhiên, trường hợp vợ chồng tự thoả thuận được với nhau về việc nuôi con thì Toà án không cần xét đến nguyện vọng của con mặc dù con đã từ đủ 07 tuổi trở lên. Nếu không thoả thuận được thì Toà án mới xét đến nguyện vọng của con, do đó quyền lợi của con sẽ bị ảnh hưởng và quy định này không phải là bắt buộc. Mặt khác, trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được việc nuôi con, theo nguyện vọng của con (từ 07 tuổi trở lên), có nguyện vọng muốn ở với mẹ, nhưng mẹ lại không có chỗ ở ổn định, kinh tế khó khăn do vậy việc giao con cho người mẹ nuôi dưỡng là không bảo đảm quyền lợi của con. Nếu giao con cho bố nuôi dưỡng thì không đúng với nguyện vọng của con. Vấn đề này vẫn chưa được khắc phục trong quy định của luật mới.
Luật HNGĐ năm 2014 đã chuyển điều luật quyền thăm con sau khi ly hôn vào quy định trong điều luật về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và bổ sung thêm quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Với quy định mới này sẽ đảm bảo việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn của cả người trực tiếp nuôi con và người không trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình cũng phải tôn trọng các quyền trông, thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của họ. Tuy nhiên, các quy định này cũng cần các văn bản dưới luật quy định các hành vi nào là cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con để tạo cách hiểu thống nhất và thuận tiện trong việc áp dụng.
Ngoài ra, trong Luật HNGĐ năm 2014 còn quy định cụ thể căn cứ việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và mở rộng thêm đối tượng có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi (các cá nhân, cơ quan, tổ chức gồm: Người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con; Hội liên hiệp phụ nữ trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con). Quy định này là phù hợp với điều kiện thực tiễn vì người không trực tiếp nuôi con không thể đánh giá hêt được điều kiên nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc con sau khi ly hôn khi mà người này lại ở quá xa con.
IV. Giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn trong Luật HNGĐ năm 2014 đã chia ra làm 2 trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận để đưa ra các nguyên tắc giải quyết phù hợp nhất. Tuy nhiên, việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong Luật HNGĐ năm 2014 có điểm nổi bật hơn so với Luật HNGĐ năm 2000 đó là có tính đến yếu tố yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Điều phần sẽ phần nào cảnh tỉnh những người có ý định vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, nâng cao trách nhiệm đối với gia đình của vợ, chồng. Bên cạnh đó, Luật HNGĐ năm 2014 còn bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn nhằm thống nhất với quy định về bảo về quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong Bộ luật dân sự. Ngoài ra, trong luật mới cũng quy định thêm quyền lưu cư cho vợ, chồng mà sau khi ly hôn gặp khó khăn về chỗ ở và quy định về chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh nhằm làm cho hoạt động kinh doanh của vợ, chồng không bị gián đoạn sau khi ly hôn, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tóm lại, với những quy định mới Luật HNGĐ 2014 sẽ góp phần giải quyết được phần nào các vấn đề còn tồn tại những bất cập trong chế định ly hôn trong luật HNGĐ năm 2000, đảm bảo hơn quyền lợi của vợ, chồng và con chưa thành niên trong thực tiễn các vụ án ly hôn. Đồng thời cũng là tạo sự đồng bộ, thống nhất quy định của các luật khác nhau trong hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay.

  Phạm Thị Lệ Thủy - VKSND huyện Xuyên Mộc.

Lên đầu trang