Hiện nay, theo quy định của pháp luật mà cụ thể quy định tại Điều 104 BLHS và Điều 105 của BLTTHS (đối với trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại).
Với tinh thần điều luật thì chỉ khởi tố vụ án gây thương tích khi có tỷ lệ thương tật nhưng trên thực tế qua giải quyết các vụ án. Có những vụ việc đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ…gây ra thương tích cho bị hại là có thực, thậm chí là rất nguy hiểm như đứt 1 ngón tay, bàn chân hoặc nhiều vết thương ở phần mềm…nhưng bị hại sau khi thỏa thuận bồi thường xong trách nhiệm dân sự với đối tượng, thông thường đã bãi nại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và từ chối đi giám định nên các cơ quan tiến hành tố tụng không thể vào cuộc để giải quyết vì không có kết quả giám định thương tật. Như vậy, với quy định và tinh thần của Điều 104 BLHS và Điều 105 BLTTHS thì xảy ra 2 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% thì việc không khởi tố theo yêu cầu của bị hại ở trường hợp trên là phù hợp với quy định và tinh thần của các nhà làm luật nên điều này người viết không đề cập đến.
Trường hợp thứ hai: nếu hậu quả thương tích do đối tượng gây ra cho bị hại với tỷ lệ thương tật trên 11% thì việc ra quyết định không khởi tố vụ án trong trường hợp này vì lý do bị hại từ chối không đi giám định nên không thể xác định được tỷ lệ thương tật là bao nhiêu dẫn đến một hệ quả trên thực tế là có thể bỏ lọt tội phạm nhưng vẫn không khởi tố được vụ án cố ý gây thương tích. Mặt khác, luật không quy định bất cứ biện pháp nào để áp giải hay buộc bị hại phải đi giám định; Bên cạnh đó, theo quy định tại Công văn số 190/PYQG-CV ngày 11/9/2009 của Viện pháp y quốc gia - Bộ Y tế hướng dẫn về giám định thương tích quy định tại mục 7 thì Trung tâm giám định pháp y phải từ chối giám định “khi không có mặt của người giám định”. Với những bất cập, vướng mắc trên, trong thực tế tại địa phương đã xảy ra nhiều vụ án gây thương tích có tính chất và hậu quả là nghiêm trọng nhưng lại không xử lý được vì bị hại từ chối đi giám định và như vậy có thể là đã bỏ lọt tội phạm và tác hại hơn đó là tình hình sử dụng vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội ngày một gia tăng.
Qua bài viết này, người viết muốn đưa ra một số tồn tại, bất cập theo suy nghĩ của bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để bạn đọc quan tâm hoặc có những quan điểm, tranh luận khác để bàn luận nâng cao kiến thức trong khi vận dụng pháp luật; đồng thời kiến nghị đến cấp trên có hướng sửa đổi bổ sung hoàn thiện BLTTHS và BLHS.
Tin Bài: Nguyễn Đăng Chiến - Kiểm sát viên VKSND huyện Xuyên Mộc.