11/07/14 13:40

Tham luận về chuyên đề: Công tác kiểm sát, quản lý và theo dõi việc xử lý tin báo, tố giác về tội phạm

          Tham luận tại Hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014 về: “Công tác kiểm sát, quản lý, theo dõi xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Thực trạng và các biện pháp nhằm hạn chế số tố giác, tin báo để quá thời hạn giải quyết”,Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức phát biểu tham luận như sau:
1. Thực trạng
Hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Viện kiểm sát (VKS) có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời tội phạm; làm giảm việc để lọt tội phạm, người phạm tội, làm oan người vô tội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, trong những năm qua hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức được nâng lên một bước, góp phần tích cực đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm, tội phạm, bảo đảm trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế và khắc phục các trường hợp oan sai; đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Ngay sau khi Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT được ban hành, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành hữu quan sửa đổi, bổ sung “Quy chế phối hợp liên ngành giữa Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát – Tòa án huyện Châu Đức trong việc điều tra - truy tố - xét xử” để đáp ứng với tình hình nhiệm vụ mới. Việc ban hành Quy chế đã góp phần nâng cao chất lượng công tác phối hợp giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm ở địa phương.
6 tháng đầu năm 2014, đã thụ lý kiểm sát: 75 tin.
Phân loại và giải quyết: 58 tin, đạt 77,33% (Trong đó: khởi tố 32, không khởi tố 26)
Còn lại: 17 tin (Trong đó: quá hạn 02; Tỷ lệ: 11.76%).
Trong kỳ, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã tiến hành kiểm sát trực tiếp việc chấp hành pháp luật trong công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Đức. Đã phát hiện một số vi phạm như: cập nhật sổ thụ lý TBTGTP chưa theo trình tự thời gian, vi phạm thời hạn giải quyết TBTGTP, không ra quyết định phân công giải quyết TBTGTP và ban hành 1 kiến nghị, được Cơ quan CSĐT chấp nhận.
Theo yêu cầu của Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 và Nghị quyết 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội; Quyết định 297/QĐ-VKSTC ngày 13/6/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì tỷ lệ giải quyết TBTGTP đạt 90% trở lên, TBTGTP quá hạn dưới 20%; Kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra ít nhất 01 lần/1 năm.
Lãnh đạo Viện đặc biệt quan tâm, trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Đơn vị đã áp dụng các biện pháp đồng bộ trong công tác này để đảm bảo kiểm sát ngay từ khi nắm bắt được thông tin về tội phạm, kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, không khởi tố của Cơ quan điều tra; kiên quyết, thận trọng trong phê chuẩn các lệnh, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo việc khởi tố điều tra đúng pháp luật, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm, hạn chế làm oan, sai người vô tội; mọi hành vi phạm tội  đều được xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó đạt được, hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là:
Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định hiện hành là không phù hợp. Thực tế cho thấy, quy định về thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm như hiện nay là ngắn. Có những trường hợp phải tiến hành định giá tài sản, phải chờ kết quả của trưng cầu giám định, nhất là giám định tâm thần hoặc giám định tỷ lệ thương tật.
Một số cán bộ, KSV chưa có nhiều kinh nghiệm, nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bị động trong tổ chức thực hiện.
Hình thức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm chủ yếu trực tiếp nắm bắt tại CQĐT hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, công tác khám nghiệm hiện trường…Trong khi đó, việc thông báo tình hình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT cho VKS cùng cấp chưa đầy đủ và kịp thời: Mặc dù VKS đã cử KSV trực tiếp hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng nắm bắt tại CQĐT, nhưng không được thông báo đầy đủ vì nhiều lý do khác nhau; một số trường hợp, CQĐT cung cấp tình hình tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không kịp thời, thậm chí là muộn. Do đó, VKS nắm bắt tố giác, tin báo về tội phạm chưa đầy đủ và kịp thời, phụ thuộc nhiều vào CQĐT.
2. Các biện pháp nâng cao chất lượng công tác:
Để đạt được những kết quả nêu trên, Lãnh đạo Viện đã thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao “Công tác kiểm sát, quản lý, theo dõi xử lý tin báo, tố giác tội phạm và hạn chế số tố giác, tin báo để quá thời hạn giải quyết” như sau:
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên nắm chắc công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là khâu đầu tiên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong toàn bộ tiến trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Vì vậy, đã quán triệt tầm quan trọng và tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra nhằm chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát viên, chuyên viên phải nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm như: Luật tổ chức VKSND, BLTTHS, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, các quy chế nghiệp vụ…
Kiện toàn đội ngũ Kiểm sát viên chuyên trách thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; phân công cán bộ, KSV có đủ trình độ, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này, đảm bảo tính độc lập, chuyên nghiệp theo hướng phân công một Kiểm sát viên, chuyên viên có năng lực chuyên trách thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại Cơ quan điều tra.
* Kiểm sát việc thụ lý TBTGTP tại Cơ quan CSĐT:
- Hàng ngày, Kiểm sát viên và cán bộ làm công tác kiểm sát việc giải quyết TBTGTP đến Cơ quan CSĐT Công an huyện nắm tình hình thụ lý TBTGTP từ sổ thụ lý TBTGTP và báo cáo tình hình ngày của Cơ quan CSĐT. Sau đó, Kiểm sát viên và cán bộ vào sổ thụ lý của Viện kiểm sát.
- Khi Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường thì đều phải vào sổ đầy đủ. Viện kiểm sát tiến hành đối chiếu xem các vụ việc này đã được Cơ quan CSĐT Công an huyện vào sổ thụ lý TBTGTP hay chưa (đối với các vụ tai nạn giao thông thì theo dõi xem Cảnh sát giao thông đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT chưa, chuyển vào ngày nào để tính thời điểm thụ lý TBTGTP).
- Kiểm sát viên, cán bộ lên các trang tin điện tử của ngành, các cơ quan báo chí cập nhật các tin tức về TBTGTP đã xảy ra trên địa bàn huyện. Từ đó, đối chiếu xem vụ việc đã được Cơ quan CSĐT thụ lý hay chưa. Nếu chưa thụ lý thì Viện kiểm sát làm phiếu chuyển TBTGTP đến Cơ quan CSĐT.
- Lãnh đạo đơn vị phân công Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân 24/24h để tiếp nhận công dân đến tố giác về tội phạm; đặt hòm thư tố giác về tội phạm trước cổng trụ sở cơ quan. Sau khi tiếp nhận tố giác về tội phạm từ công dân, Kiểm sát viên, cán bộ vào sổ thụ lý, nhanh chóng nghiên cứu nội dung đơn và tiến hành chuyển tố giác về tội phạm đến Cơ quan CSĐT theo quy định (Tất cả TBTGTP VKS và Cơ quan CSSDT đã tiếp nhận đều được Kiểm sát viên, cán bộ vào sổ thụ lý đầy đủ để theo dõi).
* Kiểm sát việc xử lý TBTGTP của Cơ quan CSĐT:
- Sau khi vào sổ thụ lý TBTGTP, Kiểm sát viên và cán bộ theo dõi việc xử lý TBTGTP thông qua việc đối chiếu với sổ thụ lý kiểm sát điều tra án hình sự, sổ không khởi tố vụ án hình sự rồi cập nhật việc xử lý vào sổ thụ lý TBTGTP (cập nhật đầy đủ việc khởi tố, không khởi tố hay xử lý bằng hình thức khác và ngày tháng năm đã xử lý).
- Theo dõi sổ thụ lý TBTGTP chưa giải quyết, nắm số TBTGTP bị quá hạn. Hàng tháng, Viện kiểm sát làm công văn đối chiếu số liệu TBTGTP đã thụ lý và đã xử lý với Cơ quan CSĐT. Đối với các TBTGTP đã xử lý bằng các hình thức khác như chuyển tỉnh, trả lời đơn…mà chưa gửi cho Viện kiểm sát thì đề nghị cơ quan CSĐT gửi cho VKS và tập hợp để kiến nghị.
Kiểm sát viên, cán bộ thường xuyên cập nhật danh sách các TBTGTP đã hoặc sắp hết thời hạn giải quyết để báo cáo Lãnh đạo Viện. Sau đó, VKS có công văn yêu cầu cơ quan CSĐT đẩy nhanh tiến độ giải quyết các TBTGTP đã quá hạn. Đối với các TBTGTP có nhiều tình tiết phức tạp thì tiến hành họp liên ngành để bàn đường lối xử lý. Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ TBTGTP cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế TBTGTP quá hạn luật định. Tất cả TBTGTP đã xử lý đều phải được Kiểm sát viên, cán bộ lập hồ sơ đầy đủ (trừ các hồ sơ khởi tố vụ án hình sự). Việc lập hồ sơ TBTGTP được lập như đối với hồ sơ khởi tố vụ án hình sự (có Quyết định phân công giải quyết TBTGTP, phô tô các chứng cứ, tài liệu của vụ án…). Đặc biệt, đối với các TBTGTP chưa xử lý cũng cần phải lập hồ sơ để theo dõi tiến độ giải quyết của Cơ quan CSĐT; nắm nguyên nhân chưa xử lý TBTGTP là do khách quan hay chủ quan để có công văn yêu cầu giải quyết TBTGTP đúng quy định hoặc kiến nghị.
3. Một số kiến nghị
Trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn gặp khó khăn trong thời hạn giải quyết. Theo quy định hiện nay (Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự) thì thời hạn tối đa không quá hai tháng là không phù hợp với một số loại tội phạm như loại án kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Vì vậy, khi tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ để xử lý đối với những hành vi trên thường bị vi phạm. Ví dụ, như vụ án liên quan đến trốn thuế, quản lý đất đai, không thể xác minh trong thời gian hai tháng được. Cần thiết quy định thời hạn giải quyết dài hơn đối với những loại tin báo phức tạp, án kinh tế, tham những…
     Bên cạnh đó, việc nắm, phát hiện tin báo, tố giác tội phạm ở một số lĩnh vực như Quản lý thị trường, thuế, đất đai... còn rất hạn chế. Các tội phạm về kinh tế như trốn thuế,... muốn nắm được chủ yếu thông qua công tác thụ lý giải quyết của Cơ quan công an nên rất bị động, kết quả kiểm sát, xử lý, yêu cầu khởi tố qua các nguồn tin báo tố giác chưa cao.
Cần quan tâm, tạo điều kiện cả về chế độ, vật chất đối với cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện công tác này. Bên cạnh đó thường xuyên tập huấn, để nâng cao kỹ năng, trách nhiệm trong hoạt động kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm./.

                                                                                            Ngô Xuân Thành

                                                                                 Viện trưởng VKSND Châu Đức

Lên đầu trang