01/07/14 14:54

Tổng bí thư: 'Phải khẳng định chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa'

"Có ý kiến băn khoăn nếu chiến tranh thì sao, chúng ta chuẩn bị mọi khả năng song mong nó không xảy ra", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri Hà Nội.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa Việt Nam tiếp tục là chủ đề quan trọng trong buổi tiếp xúc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sáng 1/7.

Theo Tổng bí thư, "Trung Quốc là nước láng giềng "ăn đời ở khiếp" nên chúng ta phải chung sống hòa bình mới phát triển được đất nước. Những người đặt giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam khác với 1,3 tỷ người dân Trung Quốc. Xây dựng tình hữu nghị đồng thời phải giữ được chủ quyền. Đấu tranh với Trung Quốc là việc lâu dài, chúng ta làm sao phải khẳng định được chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa".

"Có ý kiến băn khoăn chiến tranh xảy ra thì sao? Chúng ta phải chuẩn bị mọi khả năng song mong nó không xảy ra", Tổng bí thư nói và khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội trên dưới một lòng làm hết trách nhiệm của mình. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp, song đấu tranh hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả đấu tranh pháp lý.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng phải khẳng định chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa. Ảnh: Đ.Loan.

Nhận định việc chủ động, sáng tạo trong việc đấu tranh khi Trung Quốc đặt giàn khoan khiến nhân dân thế giới thấy được quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, cử tri Phạm Văn Tá đề nghị Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn an ninh với quốc phòng, bớt chi tiêu để dành đóng tàu lớn, phát triển dịch vụ nghề cá, đặc biệt làm tốt an ninh cơ sở, giữ vững ổn định.

"Khó mà biết dựa vào dân, nhất định sẽ thắng, tuyến đảo gần hay xa sẽ trở thành những pháo đài chống lại sự bành trướng của Trung Quốc", ông Tá nhấn mạnh.

Cử tri Phan Thanh Muôn cũng mong muốn chính quyền tuyên truyền, giải thích cho người dân thấy được âm mưu thâm độc của Trung Quốc hiện nay.

Liên quan vấn đề chống tham nhũng, tiết kiệm, ông Phan Thanh Muôn nêu thực trạng cán bộ khoa học, quân đội, công an chỗ thừa chỗ thiếu nên lãng phí trí tuệ, nhân tài, những chủ trương như đổi chứng minh thư sang căn cước công cũng dân gây ra lãng phí tiền của.

Cử tri Trần Văn Hoa lấy ví dụ Hà Nội đã quy định phí trông xe máy 3.000 đồng/lượt ban ngày. Nhưng đa số các điểm trông giữ xe đã thu 5.000 đồng. "Rõ ràng họ thu công khai nên lòng tin của dân vào chính quyền giảm đi rất nhiều. Đó là cái nhỏ còn cái lớn thì rất khó kiểm soát", ông Hoa nói và nhận xét, chống tham nhũng phải dựa vào dân vì dân có tin có làm nhiệt tình thì mới giải quyết được vấn nạn này.

Cử tri Hà Nội cho rằng chống tham nhũng phải dựa vào dân. Ảnh: Đoàn Loan

Đồng tình với việc phải dựa vào dân, Tổng bí thư ví von, "giặc đánh trong lòng mình mới khó", công tác này liên quan người có chức quyền, có lợi ích nhóm, là mặt trận nóng bỏng và phải giải quyết lâu dài. Nhiều khi lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng.

"Chúng ta quyết tâm song vì khó, phức tạp nên phải rất kiên trì, phải dựa vào dân, đặc biệt cán bộ phải gương mẫu, phải tạo niềm tin", Tổng bí thư nhận xét.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, kỳ họp vừa qua, các hoạt động Quốc hội đã được thảo luận rất dân chủ, có trách nhiệm, do nhiều đại biểu chưa đồng tình với nội dung của nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm nên vấn đề này chưa được thông qua. Đại biểu Quốc hội đóng góp rất trí tuệ vào các vấn đề của đất nước chứ không đề nghị làm đường, làm bệnh viện như trước kia. Bộ trưởng làm không đúng đã xin lỗi dân và dần sẽ hướng đến việc "từ chức".

                                                                Văn Minh lấy từ vnexpress.net "Đoàn Loan"
 

  

Lên đầu trang