Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ và thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài sản công đáp ứng tốt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong giai đoạn mới và đặc biệt là yêu cầu về đổi mới công tác quản lý tài sản công. Qua đó cần xây dựng quy định, tiêu chuẩn cụ thể về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn liên quan đến công tác quản lý tài sản công, như: chế độ đào tạo, bồi dưỡng, điều kiện bổ nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, yêu cầu về năng lực, chứng chỉ liên quan đến lĩnh vực công tác, yêu cầu về chuyên môn của vị trí làm việc.
Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch trong cấp tài sản công. Quy trình lập dự toán cần thực hiện đầy đủ, đúng trình tự xây dựng dự toán; giao dự toán, trong đó quá trình lập cần chú ý đến hai bước quan trọng là hướng dẫn lập dự toán và rà soát số liệu thông báo để kiểm tra dự toán có đúng, có phù hợp các quy định của pháp luật, yêu cầu của thực tiễn đặt ra cho đơn vị, như: căn cứ vào các quy định tiêu chuẩn và định mức sử dụng tài sản; danh mục, dự toán mua sắm tài sản công được phê duyệt; nhu cầu sử dụng thực tế; danh mục hàng hóa thực hiện mua sắm tài sản công theo quy định; dự toán chi ngân sách nhà nước được giao…Cần sớm triển khai việc giao dự toán tổ chức thực hiện mua sắm tài sản công với các loại tài sản được phân cấp. Thực hiện thí điểm lập ngân sách theo kết quả đầu ra (trong đó có kinh phí đầu tư, mua sắm tài sản) và tính toán hiệu quả khi quyết định đầu tư, mua sắm, giao tài sản công. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật máy móc, thiết bị chuyên dùng phù hợp với đặc thù của ngành và thực tế để trình Bộ Tài chính phê duyệt theo phân cấp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng tài sản công. Cần xây dựng Tổ chuyên trách về mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung để bảo đảm tính chuyên nghiệp và phù hợp với các mô hình kế toán. Công tác quản lý theo dõi tài sản trên sổ sách kế toán và thống nhất quản lý tài sản cố định hữu hình. Kết thúc công tác đầu tư xây dựng công trình hoặc mua sắm tài sản công hoàn thành, kế toán nội bộ và quản trị tài sản phải tổ chức theo dõi tài sản trên sổ sách kế toán, chương trình quản lý tài sản và thẻ tài sản theo chế độ quy định; thực hiện hạch toán kế toán ghi tăng tài sản cố định và nguồn vốn cố định; theo dõi tính khấu hao tài sản. Tài sản cố định được đầu tư, mua sắm hoàn thành, kế toán nội bộ phải xác định đúng nguyên giá tài sản cố định và lập bảng tính khấu hao tài sản cố định theo chế độ quy định. Bán đấu giá, bán thanh lý nhằm quản lý tài sản công tiết kiệm, hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm đối với tài sản công. Tăng cường công tác kiểm kê, kế toán tài sản công theo đúng quy trình, nội dung kiểm kê, kế toán tài sản công bảo đảm theo quy định pháp luật. Lực lượng kiểm kê, kế toán tài sản công phải đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, có tinh thần trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp sai phạm. Kiện toàn bộ máy thanh tra, giám sát, nâng cao tính chủ động của thanh tra, giám sát hoạt động quản lý tài sản công; tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan thanh tra, giám sát trong chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ thanh tra; nâng cao năng lực trình độ, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ cơ quan; thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý tài sản công. Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý về tài sản công phù hợp với thực tiễn và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để việc thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài sản của các đơn vị trực thuộc và từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị; hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước; ưu tiên trang bị tài sản cho các bộ phận trực tiếp tác nghiệp quản lý ngân sách, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo viện, kịp thời, linh hoạt có các chủ trương, biện pháp thiết thực hiệu quả; chủ động điều hành và chấp hành nghiêm dự toán ngân sách được giao. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư, mua sắm tài sản công tại đơn vị; thực hiện đồng bộ các biện pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tài sản, cần chấp hành nghiêm quy chế quản lý tài sản, quy chế công khai, minh bạch tài chính, công khai mua sắm tài sản, phát huy dân chủ của cán bộ, công chức trong việc giám sát hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong hoạt động đấu thầu mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản; theo dõi chặt chẽ mọi nguồn vốn trong thanh toán. Tăng cường phân cấp quản lý, sử dụng tài sản, gắn với việc nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong Học viện và người trực tiếp được giao quản lý, sử dụng tài sản.
Tin, bài: Nguyễn Thị Diễm Hằng - Văn phòng