08/11/24 14:28

QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2024 VỀ ĐẤT TRỒNG LÚA

Theo quy định tại khoản 2 Điều 188, khoản 3 Điều 191 Luật đất đai năm 2013 quy định “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Đối với thừa kế Luật đất đai năm 2013 không hạn chế. Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các căn cứ xác định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp và cơ quan có thẩm quyền xác nhận là Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo hướng dẫn này thì người hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội không được giao đất, nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa. Mục đích của việc quy định như trên nhằm bảo vệ diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, trên thực tế việc hạn chế đối tượng nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa theo quy định của Luật đất đai năm 2013 không mang lại hiệu quả về quản lý nhà nước đối với đất trồng lúa. Hệ quả là làm thu hẹp các quyền của người sử dụng đất và còn gây ra một số hệ lụy cho xã hội và thị trường bất động sản như:

Người có quyền sử dụng đất trồng lúa không thể chuyển quyền sử dụng cho chính con cháu mình hoặc người khác thông qua chuyển nhượng, tặng cho nếu những người này là cán bộ, công chức….. Nếu muốn chuyển quyền quyền sử dụng đất trong trường hợp phải thông qua thủ tục thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Vì vậy, đã làm hạn chế đi quyền của người dân đối với đất trồng lúa.

Từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2022, thị trường bất động sản “nóng” lên từng giờ, để đủ điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, các bên tìm cách xin xác nhận là người đang sản xuất nông nghiệp. Nghĩa vụ xin xác nhận các bên có thể thỏa thuận là người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng. Đến khi thị trường bất động sản “đóng băng”, để giảm thiệt hại, những người nhận chuyển nhượng, nhận đặt cọc lại lấy chính điều kiện này để khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng, đặt cọc bảo đảm chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Có nhiều vụ việc, người nhận chuyển nhượng đã hoàn thành việc đăng ký đất đai (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới hoặc được đăng ký biến động sang tên). Do mục đích nhận chuyển nhượng đất để kinh doanh. Do mua giá quá cao, khi giá đất giảm. Để giảm nguy cơ thiệt hại cho mình đã khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng vì cho rằng mình là công nhân viên không đủ điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; việc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã trước đây là không đúng và do người chuyển nhượng làm.

Như vậy, Nhà nước muốn bảo vệ được diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực thì cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa và có chính sách hỗ trợ kèm theo để thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức có tiềm lực tham gia tạo nên nhiều vũng chuyên canh trồng lúa nước có năng xuất và chất lượng cao.
Luật đất đai năm 2024 đã khắc phục hạn chế, bất hợp lý nêu trên của Luật đất đai năm 2013. Tại khoản 7 Điều 45 Luật đất đai năm 2024 quy định: “Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6 Điều này và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế”. Theo quy định này, cá nhận được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa trong hạn mức giao đất, nếu quá hạn mức phải kèm theo điều kiện phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Ngay sau khi Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 01/8/2024. Ngày 11/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa có đối tượng điều chỉnh như sau: “Quy định về vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa; nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất, bảo vệ đất trồng lúa và chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao”.

Chúng ta có quyền hy vọng trong thời gian tới trên cả nước sẽ có rất nhiều vùng đất trồng lúa có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho người dân và xuất khẩu gạo ra thị trường gạo thế giới.

 

     Tin, bài: Bùi Thị Doan-Phòng 9

Lên đầu trang