09/10/23 15:37

Quy định về tách thửa đất và những bất cập trong thực tiễn

Tách thửa đất là quy trình phân chia quyền sử dụng đất từ người đứng tên trong sổ đỏ cho một hoặc nhiều người khác. Quy định về tách thửa có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai và việc tách thửa đất được thực hiện theo các quy định của pháp luật, cụ thể:

Tại khoản 2, Điều 143, Luật Đất đai 2013 quy định: Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

Tại khoản 31, Điều 2, Nghị định số: 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Tại khoản 23, Điều 1, Nghị định số: 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013: UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

   
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, qua khảo sát quy định của các tỉnh, thành trên cả nước về điều kiện tách thửa là không thống nhất và được chia thành 03 nhóm cơ bản như sau:
- Nhóm tỉnh, thành xem việc tách thửa theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật là trường hợp đặc biệt không phải tuân theo quy định về tách thửa chung của địa phương gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Cạn, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Kun Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc (tổng cộng có 42 tỉnh, thành).
- Nhóm tỉnh, thành không có đề cập đến điều kiện tách thửa đối với bản án, quyết định của Tòa án gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Đà Nẵng, Đăk Lắk, Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Yên Bái (tổng cộng có 15 tỉnh, thành).
- Nhóm tỉnh, thành không thừa nhận điều kiện tách thửa đối với bản án, quyết định của Tòa án gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Điện Biên, Sơn La (tổng cộng có 06 tỉnh, thành).
Như vậy, qua khảo sát nhấn thấy việc quy định về điều kiện tách thửa đất của các địa phương là thiếu sự đồng bộ; phần lớn các tỉnh, thành quy định về tách thửa đất theo bản án, quyết định của Tòa án là trường hợp đặc biệt, không phải tuân thủ quy định tách thửa chung của định phương, nhưng cũng có tỉnh, thành không đề cập đến việc tách thửa đất liên quan đến thực hiện bản án, quyết định của Tòa án; phần ít tỉnh, thành quy định việc tách thửa đất khi khi thực hiện bản án, quyết định của Tòa án cũng phải tuân theo quy định tách thửa của địa phương.
Nhận thấy, các tỉnh, thành quy định tách thửa đất khi thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án, không phải tuân thủ quy định tách thửa chung của định phương là phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành khác, đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, vì thực tế giá trị của bản án, quyết định của Tòa án và một số quyền về tài sản của cá nhận, tổ chức đã được Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai thừa nhận, nhưng quy định của địa phương lại không phù hợp với các văn bản có pháp lý cao hơn.
Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần rà soát và có những điều chỉnh kịp thời, ngoài giao quyền cho địa phương có những quy định riêng về điều kiện tách thửa, cũng cần có những quy định chung về điều kiện tách thửa trên cơ sở các quyền về tài sản (như quyền thừa kế tài sản, quyền được sử dụng đất xuất phát từ các giao dịch được pháp luật công nhận…) nhằm để pháp luật được áp dụng thống nhất và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật.


      Tin bài: Nguyễn Văn Sơn – Viện KSND thành phố Vũng Tàu

Lên đầu trang