19/11/20 10:39

Một số kỹ năng nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân ở VKS 2 cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

   Tiếp công dân là việc đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

   Công tác tiếp công dân được quy định cụ thể ở Luật tiếp công dân năm 2013, Quy chế số 51, Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 (Ban hành Quy định về quy tình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân).

Cán bộ Phòng Thanh Tra - Khiếu Tố tiếp công dân

   Từ thực tiễn công tác tiếp công dân của VKS 2 cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian vừa qua, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân trong thời gian tới, Thanh tra – Khiếu tố Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin đề cập một số kỹ năng nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân như sau:

   Một là: Phổ biến quyền và nghĩa vụ của công dân tại buổi tiếp dân.

   Bắt đầu buổi tiếp công dân, cán bộ tiếp dân phải phổ biến quyền và nghĩa vụ của người dân nộp đơn (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…) theo quy định tại Điều 7 Luật tiếp công dân. Việc phổ biến quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nộp đơn; đồng thời, gắn liền trách nhiệm người nộp đơn phải tuân thủ theo quy định tại buổi tiếp công dân.

   Hai là: Kiểm tra các thông tin cá nhân của người nộp đơn (theo quy định tại các Điều 6, Điều 17 và Điều 26 Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 (Ban hành Quy định về quy tình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân).

  Việc tiến hành thủ tục kiểm tra thông tin cá nhân nhằm mục đích xác định người nộp đơn là người tự mình thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…hay là người đại diện (đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền). Trường hợp, đối với người đại diện mà giấy tờ đại diện không không hợp lệ và không theo đúng quy định của pháp luật thì giải thích và hướng dẫn họ làm lại các thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định và đảm bảo đúng quyền lợi khi giải quyết.

    Ba là: Nghe, ghi chép nội dung đơn; tiếp nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 10, Điều 12, Điều 19, Điều 20, điều 27 và Điều 28 Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 (Ban hành Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân). Đối với nội dung này, cán bộ tiếp công dân cần lưu ý:

   Khi tiếp nhận đơn, nếu nội dung đơn không rõ ràng, chưa đầy đủ thì đề nghị người nộp đơn viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu…

   Trong trường hợp người nộp đơn chỉ trình bày vấn đề cần khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…mà không có đơn thì hướng dẫn họ viết đơn; nếu không tự viết được đơn thì cán bộ tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung đơn được trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị công dân ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn.

   Trường hợp, nhiều người đến nộp đơn về cùng một nội dung thì yêu cầu họ cử đại diện để trình bày.

   Khi tiếp nhận các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do người nộp đơn cung cấp thì cán bộ tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin, tài liệu, bằng chứng đó. Cần lưu ý, đề nghị người nộp đơn cung cấp bản sao có công chứng của tài liệu, bằng chứng, hạn chế việc tiếp nhận bản gốc.

   Đối với đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết, sau khi tiếp nhận đơn và các tài liệu, bằng chứng do người nộp đơn cung cấp, người tiếp công dân phải viết giấy biên nhận (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017).

    Bốn là: Phân loại, xử lý đơn.

    Phân loại, xử lý đơn được áp dụng theo quy định tại Điều 10 Quy chế số 51 là công việc được tiến hành sau khi tiếp nhận đơn của công dân.

    Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì hướng dẫn công dân viết thành từng đơn riêng.

    Để đảm bảo việc phân loại đơn, xử lý đơn theo đúng quy định, cán bộ tiếp dân phải nắm vững các quy định điều chỉnh của luật tương ứng; hiểu đúng về nhiệm vụ, chức năng của từng cơ quan, tổ chức; nội dung yêu cầu nêu trong đơn cần được giải quyết; xem xét điều kiện thụ lý đơn…

    Năm là: Kỹ năng phối hợp trong tiếp công dân.

    Trong tiếp dân, kỹ năng phối hợp trong tiếp công dân là một trong những kỹ năng mềm thiết yếu, có sự phối hợp giữa cán bộ tiếp dân với cán bộ nghiệp vụ tại các phòng nghiệp vụ (bộ phận công tác).

    Trường hợp tiếp công dân theo lịch của Viện tưởng hoặc những vụ việc phức tạp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS và đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết đơn của các cơ quan tư pháp thì cán bộ tiếp dân báo cáo lãnh đạo phối hợp với các phòng nghiệp vụ (bộ phận công tác) có liên quan thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.

    Đơn vị chủ trì có trách nhiệm: ghi biên bản tiếp công dân; thông báo kết luận hoặc ý kiến chỉ đạo khác của Viện trưởng trong việc tiếp công dân…

    Đơn vị phối hợp có nhiệm vụ: Nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc Viện trưởng tiếp công dân hoặc đơn do phòng (bộ phận) nghiệp vụ thụ lý giải quyết và có trách nhiệm kiểm sát…
Một số bộ phận liên quan có nhiệm vụ: Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh nơi tiếp công dân; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất phục vụ việc tiếp công dân của Viện trưởng; Quản lý về công tác thông tin, báo chí liên quan đến việc tiếp công dân của Viện trưởng (nếu có)…

    Trường hợp công dân thuộc đối tượng từ chối tiếp công dân, cán bộ tiếp dân áp dụng Điều 3 Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 (Ban hành Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân).

    Thực tế, việc tiếp công dân không có một khuôn mẫu cứng nhắc và cố định cho mọi trường hợp. Trên cơ sở, bám sát quy định chung, tùy điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể mà cán bộ tiếp công dân có sự sáng tạo, linh hoạt về phương pháp, nghiệp vụ tiếp công dân cho phù hợp…nhằm mục đích cuối cùng đạt được hiệu quả trong buổi tiếp dân./.

 

          Tin bài: Hoàng Thị Ngọc- Phòng Thanh tra – Khiếu tố 

Lên đầu trang