15/05/20 14:48

BÀN VỀ GIẢI QUYẾT ÁN HÔN NHÂN GIA ĐÌNH KHI BỊ ĐƠN VẮNG MẶT NƠI CƯ TRÚ

      Trong Bộ luật Tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản về thủ tục tố tụng giải quyết án dân sự trong đó có cả thủ tục giải quyết án hôn nhân gia đình, tuy nhiên qua giải quyết án hôn nhân gia đình có một số vướng mắc trong các trường hợp bị đơn là vợ hoặc chồng vắng mặt tại địa phương như sau:

      Trường hợp bị đơn vắng mặt tại địa phương trước thời điểm nguyên đơn là vợ hoặc chồng khởi kiện yêu cầu ly hôn: Trong các vụ án hôn nhân gia đình được thụ lý giải quyết, trường hợp bị đơn vắng mặt ở địa phương Tòa án có tiến hành xác minh ở địa phương tình trạng hôn nhân và việc cư trú của bị đơn, nhưng nội dung xác minh tại nơi cư trú thường chỉ ghi bị đơn bỏ địa phương đi không thông báo nơi ở mới và không ghi thời điểm bỏ đi khỏi địa phương đi trước hay sau ngày nguyên đơn khởi kiện. Trong trường hợp này Thẩm phán đều tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi cư trú của bị đơn theo Điều 179 Bộ luật TTDS vì lý do không tống đạt được, sau đó khi xét xử thì tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn. Như vậy đã làm ảnh hưởng đến quyền nghĩa vụ của người bị đơn do vắng mặt không biết được việc ly hôn vì chỉ niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi cư trú.Có trường hợp bị đơn có mâu thuẫn với chồng, vợ mà và bỏ đi làm ăn xa và thường xuyên liên lạc điện thoại với vợ, chồng, nhưng nguyên đơn không khai báo với Tòa án việc liên lạc và địa chỉ bị đơn, dẫn đến khi Bản án có hiệu lực pháp luật rồi bị đơn mới biết Tòa án đã tuyên xử ly hôn. Như Bản án số 11/HNGĐ-ST ngày 20/4/2017 xét xử vắng mặt bà TTHT, Quyết định cho ông VT được ly hôn với bà TTHT, theo xác minh của Tòa thì bà TTHT còn hộ khẩu tại địa phương nhưng bỏ địa phương đi đầu năm 2016, ngày 19/12/2016 Tòa án thụ lý vụ án, Thẩm phán đã tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng nơi bà TTHT cư trú nhưng bà TTHT không tham gia tố tụng.  Sau khi Bản án có hiệu lực bà TTHT có đến phản ánh tại VKS do có mâu thuẫn với ông VT nên bỏ đi làm ăn ở TP Hồ Chí Minh và có liên lạc thường xuyên với ông VT, nhưng ông VT không thông báo về việc xin ly hôn cho bà nên bà không biết việc Tòa án thụ lý vụ án ly hôn giữa bà và ông VT nên không tham gia. Ngoài ra còn 1 số trường hợp khác bị đơn đến Tòa nhờ trích lục bản án do không biết việc ly hôn vì không có mặt tại địa phương. Như vậy trong vụ án ly hôn, tuy bị đơn có vi phạm về việc không thông báo việc chuyển tạm trú đến nơi khác cho cơ quan có thẩm quyền và nguyên đơn theo Luật cư trú và khoản 3 Điều 40 Bộ luật Dân sự về nơi cư trú, nhưng mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng trong gia đình khác với việc trốn tránh trách nhiệm của đương sự trong các quan hệ dân sự khác, do đó khi bị đơn không có mặt ở địa phương trước khi thụ lý vụ án, mà chỉ thực hiện thủ tục niêm yết theo Điều 179 mà không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo Điều 180 Bộ luật TTDS sẽ làm bị đơn mất đi quyền lợi ích của mình khi không được tham gia tố tụng.

      Đối với những trường hợp vợ hoặc chồng biệt tích trên 2 năm theo khoản 01 Điều 68 Bộ luật Dân sự và khoản 02 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình thì trước khi giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của nguyên đơn thì phải được Tòa án yêu cầu tuyên bố người kia là mất tích. tuy nhiên nếu nguyên đơn không khai báo trung thực thời gian bị đơn biệt tích trên 2 năm mà khai báo bị đơn bỏ nhà đi dưới 2 năm và Tòa án xác minh nhưng địa phương cũng không xác định chính xác thời gian bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú, dẫn đến Tòa án giải quyết theo thủ tục chung cho ly hôn. Thực tế đã xảy ra chồng yêu cầu Tòa Án giải quyết ly hôn và khai báo vợ bỏ nhà đi chưa được 2 năm không rõ đi đâu, quá trình Tòa án giải quyết Tòa án niêm yết các văn bản tố tụng theo thủ tục chung, Bản án cho ly hôn. Đến khi phát hiện ra vụ án giết người mới xác định chồng đã giết vợ trước khi yêu cầu giải quyết ly hôn 3 năm. Như vậy việc Tòa án có phải tuyên bố một người mất tích hay không trước khi giải quyết cho ly hôn hoàn toàn căn cứ vào lời khai của người yêu cầu. Những trường hợp này nếu sau đó phát hiện nguyên đơn khai báo không trung thực làm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng có tình tiết mới phải hủy bản án hôn nhân. Do Điều 180 Bộ luật TTDS sự chỉ quy định việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có căn cứ việc niêm yết không bảo đảm nhưng không quy định cụ thể căn cứ nào, Tòa án cũng không có hướng dẫn xác định trường hợp nào phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nên không có cơ sở để Viện kiểm sát kiến nghị với Tòa án yêu cầu thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Do đó cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp nào niêm yết không bảo đảm và cần phải thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng và quy định việc xác định rõ thời điểm bị đơn bỏ địa phương để tránh phải hủy án và để làm căn cứ và bảo đảm quyền lợi cho đương sự.

      Trên đây là những vướng mắc và quan điểm mà người viết thấy cần nêu lên mong các đồng nghiệp góp ý, trao đổi thêm./.

                                         
Bài: Nguyễn Tùng Lâm – Viện KSND huyện Đất Đỏ

Lên đầu trang