01/10/19 15:37

Hôn nhân thực tế theo quy định pháp luật và quan điểm khi giải quyết một vụ án tranh chấp chia di sản tại địa phương liên quan đến hôn nhân thực tế

   Năm 1976 ông T.V.C và bà Đ.T.S chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng đăng ký kết hôn. Cả hai sống chung tại nhà bố mẹ ruột bà S ở Vũng Tàu và có 02  con chung sinh năm 1977 và sinh năm 1980. Năm 1980, cả hai ly thân, không còn sống chung với nhau nữa, bà S vẫn tiếp tục ở trong căn nhà của cha mẹ ruột bà S cùng với một người con. Còn ông C mang theo một người con chung về Bà Rịa ở.

   Khoảng vài tháng ông C gặp và sống chung với bà T.T.N từ năm 1981 đến khi ông C mất năm 2002 tại Bà Rịa, không đăng ký kết hôn và không có con chung. Việc cưới bà N gia đình ông C biết.
Bà Đ.T.S sau khi ly thân với ông C còn chung sống với hai người đàn ông khác, không đăng ký kết hôn. Một người còn có con chung.

   Khi mất ông C không để lại di chúc:

   Vấn đề đặt ra là xác định ai là vợ thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

   Quan điểm thứ nhất và cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Cần phải công nhận bà S là vợ và thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Còn bà T.T.N mặc dù sống chung đến khi ông C mất nhưng không  được công nhận là vợ và không phải là hàng thừa kế thứ nhất. Vì:

   Căn cứ theo Nghị quyết số 02 ngày 19-10-1990 của TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thừa kế năm 1990) có quy định: “trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-1-1960, ngày công bố Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977, ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ”. Nghị Quyết 35/2000 của UBTV Quốc hội về việc thi hành luật hôn nhân gia đình; điểm 1, mục d điểm 2 Thông tư liên tịch số 01 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp ngày 3-1-2001 quy định “Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.”  “d. Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
...”;

   Điều 9, khoản 1 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
   “Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn
   Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
   1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
   ...”

   Do vậy, bà S chung sống với ông C trước năm 1980, không đăng ký kết hôn, được gia đình hai bên biết và công nhận, Có hai con chung, không có quyết định ly hôn nên được công nhận là vợ hợp pháp. Bà N mặc dù đã ở với ông C từ năm 1980 đến khi ông C chết nhưng việc sống chung này không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp do ông C lúc này đã có vợ là bà S (do được công nhận hôn nhân thực tế) và chưa ly hôn vì vậy không công nhận bà N là vợ.

   Quan điểm thứ hai cho rằng: Xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm Bà Đ.T.S và bà T. T.N. Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3-1-1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo đó, nam và nữ được coi là chung sống với nhau như vợ chồng nếu như họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp: việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình… ". Vì vậy, bà N và ông C. có đủ các yếu tố quy định này. phải công nhận bà T.T.N là vợ ông C. và theo đó, bà T.T.N cũng là một trong những đồng thừa kế với bà Đ.T.S.

   Quan điểm thứ ba cho rằng: cần xác định bà T.T.N là vợ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. còn bà Đ.T.S không công nhận là vợ vì: Bà S và ông C đã không chung sống với nhau từ năm 1980 đến nay, lại sống với nhiều người đàn ông khác và có con chung. Mặc dù không có yêu cầu giải quyết ly hôn nhưng coi như tự chấm dứt quan hệ vợ chồng và cần công nhận ly hôn thực tế. Còn bà T.T.N sống với ông C như vợ chồng từ năm 1980 đến khi ông C mất Căn cứ Nghị Quyết 35/2000 của UBTV Quốc hội về việc thi hành luật hôn nhân gia đình; điểm 1, mục d điểm 2 Thông tư liên tịch số 01 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp ngày 3-1-2001. Phải công nhận bà T.T.N là vợ thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

   Việc xác định quan hệ hôn nhân thực tế tại vụ án vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau. Tác giả nêu ra một trường hợp thực tế qua công tác xét xử tại địa phương để VKS hai cấp có thể đọc, tham khảo, nghiên cứu và thảo luận đưa ra quan điểm đánh giá phù hợp với quy định của pháp luật.


       Bài viết: Khuất Thị Thu Hà – VKSND Tp Bà Rịa

Lên đầu trang