18/01/19 13:34

NHỮNG LƯU Ý KHI KIỂM SÁT VIỆC CẤP, TỐNG ĐẠT, THÔNG BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, KINH DOANH THƯƠNG MẠI VÀ LAO ĐỘNG

    Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, nhận thấy việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự chưa được thực hiện đúng quy định của pháp luật, dẫn đến vụ án bị hủy, do chưa đảm bảo quyền lợi cho đương sự.

   1. Đối với vụ án hành chính: Theo Luật tố tụng hành chính năm 2015:

   - Tại Điều 99, Luật quy định: Tòa án…có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

   - Tại Điều 100, Luật quy định: Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo gồm: Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng hành chính; Bản án, quyết định của Tòa án; Văn bản tố tụng khác …

   - Tại Điều 102, Luật quy định các phương thức tống đạt: Tống đạt, thông báo trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính; người thứ ba được ủy quyền; tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử; phương tiện thông tin đại chúng…

   - Tại Điều 103, Luật quy định: Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật này thì được coi là hợp lệ.

   - Tại khoản 4, Điều 106, Luật quy định: Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

   - Tại Điều 107, Luật quy định: Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

   2. Đối với vụ án kinh doanh thương  mại và lao động: Theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

   - Tại Điều 170, Bộ luật quy định: Tòa án… có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

   - Tại Điều 171, Bộ luật quy định: Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo gồm: Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự; Bản án, quyết định của Tòa án; Văn bản tố tụng khác …

   - Tại Điều 173, Bộ luật quy định các phương thức tống đạt: Tống đạt, thông báo trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính; người thứ ba được ủy quyền; tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử, phương tiện thông tin đại chúng…

   - Tại Điều 174, Bộ luật quy định: Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ Luật này thì được coi là hợp lệ.

   - Tại khoản 5, Điều 177, Bộ luật quy định: Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

   - Tại khoản 1, Điều 178, Bộ luật quy định: Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt, thông báo.

   3. Những vi phạm trong quá trình tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự:

   a) Trường hợp cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự là cá nhân:

   Theo Điều 106, Luật tố tụng hành chính và Điều 177, Bộ luật tố tụng dân sự quy định trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo giao cho người thân thích cùng nơi cư trú hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Người thân thích ở đây bao gồm: Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự; Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự; Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự; Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

   Tuy nhiên, khi cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự (thường xảy ra qua dịch vụ bưu chính), khi đương sự vắng mặt, nhân viên bưu chính đã giao cho một người khác, nhưng tại giấy báo phát chuyển cho Tòa án không thể hiện người đó có quan hệ như thế nào với đương sự? có thuộc người thân thích của đương sự hay không? không có nội dung cam kết giao lại cho đương sự? có trường hợp giấy báo phát của bưu điện gửi cho Tòa án chỉ thể hiện chữ ký, không ghi rõ họ tên đầy đủ nên không biết người nhận tên gì?

   b) Trường hợp cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự là cơ quan, tổ chức:

   Theo 107, Luật tố tụng hành chính và Điều 178, Bộ luật tố tụng dân sự quy định trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận.

   Trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt, thông báo.

   Như vậy, theo quy định nêu trên trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức không có văn bản ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì văn bản tố tụng được giao cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó. Người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức ở đây là những người làm tại bộ phận văn thư của cơ quan, tổ chức đó, theo quy định tại Nghị định số: 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ, cụ thể: Văn bản đến từ bất kỳ nguồn nào đều phải được tập trung tại văn thư cơ quan, tổ chức để làm thủ tục tiếp nhận, đăng ký. Những văn bản đến không được đăng ký tại văn thư, các đơn vị, cá nhân không có trách nhiệm giải quyết.

   Tuy nhiên, trong thực tế, có vụ án cơ quan, tổ chức không ủy quyền cho ai tham gia hay nhận văn bản tố tụng, nhưng người thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng (thường qua dịch vụ bưu chính) lại giao cho người khác, nhưng không rõ người này có trách nhiệm, thẩm quyền, quan hệ như thế nào với cơ quan, tổ chức đó? có trường hợp người nhận chỉ ký tên, không ghi rõ họ tên đầy đủ của người nhận, nên không biết người nhận là ai?

   Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như trên là chưa hợp lệ, có trường hợp đương khiếu nại nhưng Tòa án không xem xét mà vẫn đưa vụ án ra xét xử vắng mặt đương sự hoặc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là không đảm bảo quyền lợi của đương sự.

 

          Tin bài: Nguyễn Sơn – Phòng 10

Lên đầu trang