01/04/16 09:43

Những nội dung cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 Phần 2

 
PHẦN 2
LIÊN QUAN TRỰC TIẾP TỚI CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VIỆN KIỂM SÁT

     1. Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát:
     Là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự; Viện trưởng, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng (Bổ sung Điều 59 về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên).
    2. Nhiệm vụ quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát (Điều 57):
     Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ quyền quyết định kháng nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.

     3. Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp (các Điều 21, 232, 296, 367 và 374):
     Điều 21 của Bộ luật TTDS năm 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự được bổ sung:
     - Bổ sung quy định VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
     KSV được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp VKS kháng nghị phúc thẩm (khoản 1Điều 232, khoản 1 Điều 296 và khoản 1 Điều 367).
     - Về trình tự tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm có điểm mới bổ sung tại khoản 3 Điều 305 quy định về tranh luận đối với kháng nghị: Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu.
     * Về việc phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm:
    Về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm: Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án (Điều 262).
     Điều 369 khoản 1 Điểm g quy định: Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự.
     Điều 262, 306, khoản 3 Điều 341, điểm g khoản 1 Điều 369, điểm c khoản 1 Điều 375 quy định: Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ việc. Đây là điểm cần chú ý trong thực hiện công tác kiểm sát.
     4. Về thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát:
     - Bổ sung Kiểm sát viên được phân công thực hiện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn “Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này” (khoản 3 Điều 58);
     - Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 6 Điều 97);
     - Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao) có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết (Điều 330).
     5.Về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (Điều 331):
     Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao; của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
     Viện trưởng Viện kiểm sát cấp cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.


     HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ NGHỊ QUYẾT THI HÀNH BỘ LUẬT


     Trừ các quy định sau đây của Bộ luật này có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017:
     a) Quy định liên quan đến việc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 4, các điều 43, 44 và 45 của Bộ luật này;
     b) Quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
     c) Quy định liên quan đến áp dụng thời hiệu tại khoản 2 Điều 184 và điểm e khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này;
     d) Quy định liên quan đến pháp nhân là người đại diện, người giám hộ.
     Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 hết hiệu lực thi hành từ ngày Bộ luật này có hiệu lực, trừ các quy định tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2016.
     “Điều 159 Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu: được thưc hiện theo quy định của pháp luật, trường hợp pháp luật không có quy định thì:
     a- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;
     b- Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm
     Điều192. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp:
     h) Thời hiệu khởi kiện đã hết;
     Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015.


     VỀ VIỆC THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015


     Điều 1. Kể từ ngày Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2016):
     1. Đối với những vụ việc dân sự, đã được Tòa án thụ lý (giải quyết theo thủ tục sơ thẩm) trước 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm (phúc thẩm) thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết;
     2. Đối với những vụ việc HN&GĐ đã được Tòa án thụ lý giải quyết trước ngày 01/7/2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết;
     3. Khi giải quyết vụ việc dân sự , Tòa án tiếp tục áp dụng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới.
     Đối với vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì áp dụng mức án phí thấp hơn so với mức án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường.
     Điều2. Đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự phát sinh trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12.
     Trên đây là một số quy định mới của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát, xin trao đổi thông tin đến các đồng nghiệp.


                   Phạm Thị Thanh Hoa – Phòng 9

Lên đầu trang