09/11/20 14:44

Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày nào?

Trong quá trình xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa vào Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và chọn ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam.

Lý do chọn ngày 9/11 vì đó là ngày Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta được thông qua (ngày 9/11/1946).
Phát biểu tại buổi lễ công bố “Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” diễn ra tối 8/11 /2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Ngày 09/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vào thời điểm lịch sử đó, Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ của một nước Việt Nam dân chủ - cộng hòa, không kém bất kỳ bản Hiến pháp nào trên thế giới.

Mặc dù ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản Hiến pháp năm 1946 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp sửa đổi và toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta”.


Ngày 9/11 hàng năm được chọn là Ngày Pháp luật Việt Nam.

Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?

Việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, CBCC trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước là vô cùng cần thiết.

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tân Dũng: Để Ngày Pháp luật đem lại hiệu quả, không phô trương, hình thức, cần phải có sự tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp để phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở tìm hiểu, vận dụng pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, góp ý, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân…

Đặc biệt, Ngày Pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm.

 

Nguồn doisongphapluat.com

Lên đầu trang