06/09/19 15:45

RÚT KINH NGHIỆM TỪ 02 VỤ ÁN LAO ĐỘNG VIỆN KIỂM SÁT KHÁNG NGHỊ

   Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm 02 vụ án lao động về “Tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải”, giữa nguyên đơn ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức với cùng bị đơn Công ty cổ phần cao su Bà Rịa. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo để Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rút kinh nghiệm như sau:

   I. Nội dung vụ án và quá trình tố tụng:

   Năm 2003, ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức ký hợp đồng lao động làm việc cho Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa; công việc là cạo mủ cao su; lương và các chế độ khác thực theo quy định của pháp luật và quy định của công ty.

   Ngày 18/6/2017, Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa ban hành quyết định đình chỉ công tác đối với ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức với lý do có hành vi trộm cắp mủ cao su tại lô 149, phiên C, thuộc Tổ 2, Đội 2.

   Ngày 30/6/2017, Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa ban hành quyết định thi hành kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức, do có hành vi trộm cắp mủ cao su (10 kg).

   Không đồng ý, ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tuyên hủy quyết định kỷ luật sa thải của Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa và buộc Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa phải bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp và tiền do sa thải trái pháp luật.

   Ngày 21/11/2018, Tòa án nhân dân huyện Châu Đức đưa 02 vụ án trên ra xét xử sơ thẩm và tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức. Không đồng ý với bản án sơ, ông Hải và ông Đức đều làm đơn kháng cáo; đồng thời Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức ban hành 02 quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với 02 bản án của Tòa án nhân dân huyện Châu Đức.

   Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/7/2019, Viện KSND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự tuyên xử: chấp nhận cả 02 quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức; chấp nhận kháng cáo của ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức; sửa 02 bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và được Hội đồng xét xử chấp nhận.

   II. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong vụ án:

   1. Xác định đương sự có hành vi trộm cắp mủ cao su:

   Nhận thấy, Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa ban hành quyết định kỷ luật với hình thức sa thải đối với ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức là do ông Hải, ông Đức có hành vi trộm cắp mủ cao su (10kg) là chưa đủ cơ sở, bởi lẽ: Vụ việc trộm mủ cao su không bắt được quả tang, tang vật còn nằm nguyên tại hiện trường và ông Bùi Hải, ông Hoàng Văn Đức cũng không thừa nhận có hành vi trộm cắp mủ cao su; lời khai của các nhân chứng là không thống nhất, có mâu thuẫn, cụ thể:

   Người làm chứng ông Nguyễn Hồng Phúc – Tổ trưởng quản lý – Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa khai khi ông Phúc phát hiện ông Đức và ông Hải trút mủ cao su vào bịch nilông thì ông Phúc la lên và yêu cầu ông Đức, ông Hải đứng lại để làm rõ sự việc, nhưng ông Đức, ông Hải chạy ra ga và bỏ về nhà luôn, ông Phúc có gọi điện thoại cho ông Lê Văn Lịch – Đội phó đội 2 để chặn lại.

   Tuy nhiên, ông Lịch lại khai khi ông Phúc gọi điện báo, ông đến hiện trường thì vẫn thấy công nhân Hải đang cùng vợ trút mủ cao su, bên kia công nhân Đức cũng đang đổ mủ cao su vào thùng…. Mặt khác, ông Hoàng Tấn Dũng, là công nhân cạo mủ cao su của Công ty cao su Bà Rịa trình bày: tại thời điểm đó ông Dũng đi cạo mủ cao su ở phần cây kề với phần cây của ông Đức, ông Hải thì thấy ông Đức, ông Hải trút mủ vào xô bình thường như mọi người, sau đó ông Đức, ông Hải đưa mủ ra ga gửi lại cho ông Dũng rồi đi về.

   Như vậy, Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa không chứng minh được ông Hải, ông Đức có hành vi trộm cắp mủ cao su của Công ty, nhưng lại áp dụng Điều 126, Bộ luật lao động để ra quyết định kỷ luật sa thải là không đúng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 123 của Bộ luật lao động. 

   Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của các ông Bùi Hải và Hoàng Văn Đức là chưa có căn cứ vững chắc.

   2.Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động:

   Theo khoản 1, Điều 30, Nghị định số: 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động như sau: Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho người lao động ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp; nhưng thực tế Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa chỉ giao giấy mời cho ông Bùi Hải Hải và ông Hoàng Văn Đức trước 01 ngày khi cuộc họp xử lý kỷ luật lao động diễn ra (giấy mời số 181 ngày 27/6/2017; họp xét kỷ luật lúc 14h30’ ngày 28/6/2017). Như vậy, Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục khi tổ chức chức họp kỷ luật người lao động.

   3. Rút kinh nghiệm về ban hành quyết định kháng nghị:

   Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã làm tốt công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án. Kiểm sát viên được phân công đã kịp thời báo cáo Lãnh đạo đơn vị xin ý kiến thỉnh thị quan điểm kháng nghị vụ án lên Viện kiểm sát tỉnh; sau khi có ý kiến trả lời của Viện kiểm sát tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm và được Tòa phúc thẩm chấp nhận.  

   Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức nhận thấy có một số nội dung cũng cần nêu ra để rút kinh nghiệm như sau:

   - Về tố tụng: Kháng nghị của Viện kiểm sát huyện Châu Đức nêu ra nhiều những vi phạm về tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm nhưng không kết luận cụ thể những vi phạm trên là nghiêm trọng hay là ít nghiêm trọng để từ đó đề nghị hủy án hay là đề nghị rút kinh nghiệm với Tòa án.

   Trong 02 vụ án này, kháng nghị của Viện kiểm sát đề nghị sửa án sơ thẩm, vì vậy khi soạn thảo kháng nghị Kiểm sát viên cần chọn ra một số vi phạm tố tụng thấy cần thiết để đề nghị Tòa án rút kinh nghiệm. (Đối với các vi phạm như: Tòa án chậm phân công thẩm phán giải quyết vụ án; vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử… chỉ cần đề nghị rút kinh nghiệm tại phiên tòa hoặc tập hợp kiến nghị chung với Tòa án huyện; Đối với chứng cứ là quyết định đình chỉ công tác của ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức mà Tòa sơ thẩm chưa thu thập để xem xét quyết định này đã ban hành đúng trình tự, thủ tục hay chưa: ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức không có yêu cầu khởi kiện đối với quyết định đình chỉ này nên không cần thiết phải xem xét). 

   - Về nội dung: Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức nhận định ông Bùi Hải và ông Hoàng Văn Đức làm việc cho Công ty cổ phần cao su Bà Rịa theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nên khi chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người lao động 45 ngày, nhưng Công ty cao su Bà Rịa không báo là vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 38, Bộ luật lao động năm 2012.

   Nhận định như trên là không đúng, vì theo Điều 125, Bộ luật Lao động năm 2012, quy định có bốn hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm: (i) khiển trách. (ii) Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức. (iii) Sa thải.

   Căn cứ Điều 36, Bộ luật lao động, khi người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải thì thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.

   Theo quy định trên thì sa thải là một trong những hình thức xử lý kỷ luật người lao động. Nếu trường hợp bị công ty xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải thì sẽ bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động ngay mà không cần phải báo trước thời gian theo quy định. (Người sử lao động chỉ báo trước cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (khoản 2 Điều 38 BLLĐ), không áp dụng trong trường hợp bị kỷ luật sa thải).

   Để nâng cao chất lượng công tác kháng nghị đối với đối với những vi phạm trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần nghiên cứu và thực hiện tốt Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC ngày 01/11/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

   Từ 02 vụ án lao động nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông báo để Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố biết và rút kinh nghiệm chung, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án lao động trong thời gian tới./.
               
              Bài viết: Lương Yến – Phòng 10

Lên đầu trang