19/05/19 15:15

Chúng con luôn noi theo bước chân “Người”

   “Người” là cái tên thân thương, gần gũi được nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế gọi về Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Bác Hồ sinh ngày 19.5.1890 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 02.9.1969 tại Hà Nội. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống với mục đích học hỏi kinh nghiệm và hoạt động cách mạng. Người đã từng là một phụ bếp, một người làm vườn, một công nhân cào tuyết cho trường học, đốt lò, vét bùn ở đường tàu điện ngầm, một thợ rửa ảnh, phóng ảnh, sơn vẽ đồ giả cổ và hướng dẫn viên du lịch…Tất cả các công việc Người làm trước khi trở thành lãnh tụ chính trị vĩ đại đều gắn bó với cuộc sống đời thường, vất vả mưu sinh lao động để kiếm sống. Đó là sự khởi đầu của hành trang văn hóa nhân văn chủ nghĩa yêu nước, tình yêu thương đồng bào trên con đường cứu dân, cứu nước của Người. Vì vậy, Người hiểu được tâm tư nguyện vọng nhân dân và luôn đặt lợi ích nhân dân lên làm đầu. Người là một con người có trái tim, tâm hồn mang tính dân tộc và nhân loại sâu sắc, nồng nàn. Người là một tấm gương sáng về phục vụ nhân dân, luôn nghiêm khắc bản thân giản dị và khiêm tốn. Nhân cách của Người trong sáng, thanh tao, tận tụy vì nhân dân, vì Tổ Quốc.

   Cả cuộc đời sự nghiệp của Người đã cống hiến cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam và đóng góp cho nhân loại nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức lớn lao, bền vững.

  Cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân làm theo lời Bác dặn “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”

  Cán bộ tư pháp nói chung, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng luôn ghi nhớ những lời Bác dạy tất cả hết lòng vì sự nghiệp chung của đất nước, vì nhân dân bảo vệ pháp luật. Kiên quyết bảo vệ lẽ phải đấu tranh với điều không đúng bảo vệ lợi ích của người dân và sự bình yên cho đất nước. Ngày 15/7/1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát được Quốc Hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua trong kỳ họp thứ nhất, khóa II, ngày 26/7/1960 Bác Hồ ký Lệnh số 20/LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực. Sinh thời khi Người còn sống đã từng căn dặn cán bộ ngành kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác nên phải là người gương mẫu trong chấp hành pháp luật. Bác Hồ đã dạy: Cán bộ kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đây là những chữ vàng Người đã giành riêng cho ngành kiểm sát được bao nhiêu thế hệ cán bộ của ngành lấy đó là phương châm hoạt động rèn luyện về đạo đức nhân cách trong thực thi nhiệm vụ và cuộc sống thường ngày.

  Kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác Hồ (19.5.1890-19.5.2019) cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân. Công tác tuyên truyền đã được Bác chú trọng trong thời chiến và thời bình cũng luôn giữ một vai trò, vị trí quan trọng. Bán sát với chức năng nhiệm vụ của ngành, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến người dân, giúp đỡ nhân dân hiểu rõ hơn các quy phạm pháp luật, giải đáp các thắc mắc của người dân về các quy định pháp luật. Đây là những hành động đẹp, hình ảnh đẹp của người cán bộ ngành kiểm sát nhân dân học tập và làm theo lời Người dạy về cán bộ là phải “Gần dân, trọng dân”.

   Một số hình ảnh cán bộ kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức trong hoạt động tuyên truyền pháp luật đến nhân dân các xã, thị trấn huyện Châu Đức.

   

   Tập thể cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức sẽ cố gắng phấn đấu xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh, tuân thủ kỷ luật bán sát chức năng nhiệm vụ của ngành luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xin hứa với Người sẽ là những người cán bộ kiểm sát gần dân đặt quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân lên hàng đầu./.


          Tin bài: Nguyễn Thị Sang-VKSND huyện Châu Đức.

Lên đầu trang