26/10/17 14:40

TÌNH CHỊ EM TRONG VỤ ÁN CHIA THỪA KẾ.

          Đó là câu chuyện đời thực xảy ra ngay xung quanh chúng ta mà ngày 25/10/2017 tôi được tận mắt chứng kiến. Phiên tòa phải tạm ngừng để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ nhưng đọng lại trong tôi bao nhiêu suy tư, trăn trở về tình cảm gia đình, về cách sống, cách cho, cách đối xử giữa những người thân trong một gia đình.

         Vụ án dân sự này thụ lý lần 1 ngày 02/4/2010, nhưng sau đó vì nguyên đơn (người mẹ) tuổi cao, trí nhớ lẫn lộn không còn minh mẫn nên Tòa án ra quyết định đình chỉ vào ngày 17/1/2011.

         Tháng 4/2011 Tòa ra quyết định tuyên bố người mẹ mất năng lực hành vi dân sự, đồng thời theo thỏa thuận của các anh chị em, ông T là người giám hộ cho mẹ.

          Tháng 5/2011 Tòa ra thông báo thụ lý theo yêu cầu khởi kiện của ông T. Nội dung mà ông T khởi kiện như sau: Gia đình ông T có 7 anh chị em, sau khi kết hôn bố mẹ ông T được ông bà ngoại cho một ít đất làm ăn sinh sống, rồi dần dần khai hoang mở rộng lên tới 22.200m2. Năm 1996 thì bố ông T mất, năm 1997 bố ông T mới được cấp 05 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích trên. Năm 2002,  5 giấy chứng nhận được chỉnh lý hết sang tên mẹ ông T xong tại văn bản thỏa thuận để mẹ ông T đứng tên không có chữ ký của ông T và một người chị. Khi còn sống bố, mẹ có cho 6 anh chị em mỗi người một phần đất nhất định, riêng ông chưa được cha mẹ cho phần nào. Khi biết được chị gái thứ 5 lợi dụng lúc mẹ bệnh tật lại không biết chữ đã lừa mẹ điểm chỉ vào tờ di chúc lập ngày 07/01/2003 để lại toàn bộ đất đai cho chị, chị còn nói với mẹ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mối ăn hết để làm giấy mới và rồi lừa mẹ điểm chỉ vào hợp đồng để chuyển nhượng 7.727 m2 đất sang cho chị, ông T rất bất bình. Năm 2016, mẹ ông T mất. Do hợp đồng chuyển nhượng đã được chứng thực và được cấp giấy chứng nhận, nhưng hiện nay đã có quyết định thu hồi nên ông T không yêu cầu hủy giấy chứng nhận nữa mà chỉ yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa mẹ và chị nói trên. Ngoài ra ông còn yêu cầu Tòa chia di sản là số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư do đất bị thu hồi theo pháp luật.

          Phía bị đơn thì cho rằng việc mẹ lập di chúc là tự nguyện trong tình trạng còn minh mẫn. Lý do mẹ không cho ông T đất vì ông T sau khi lấy vợ đối xử với mẹ tệ bạc, không cho mẹ ăn uống, chửi bới, bạc đãi mẹ nên bà mới phải đem mẹ về chăm sóc từ năm 2001 đến 2008. Năm 2009 lúc bà đi đám cưới thì ông T cùng chị cả sang bắt mẹ về, rồi việc làm đơn khởi kiện cũng là do mẹ bị xúi giục. Vì thế bà yêu cầu công nhận tờ di chúc.

         Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: 05 anh chị em còn lại đều khẳng định không ký bất cứ giấy tờ nào với nội dung đồng ý cho mẹ đứng tên để mẹ di chúc cho bị đơn. Họ đều thừa nhận đã được bố, mẹ cho đất khi còn sống, và nếu được chia thì cũng sẽ giao cho em út (Nguyên đơn) để thờ cúng bố mẹ.

        Vì giá trị tài sản tranh chấp khá lớn nhưng có nhiều nội dung chưa được làm rõ nên phiên tòa đã tạm ngừng để thu thập thêm.

        Điều muốn nói ở đây, 7 người con đều mới chỉ học đến bậc tiểu học, có người không biết chữ, người em út là nguyên đơn được UBND xã xác nhận có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trong đó người chị thứ 5 (bị đơn) có điều kiện hơn. Thế nhưng vẫn quyết định tranh giành với em út tới cùng. Tòa án đã tạo điều kiện mở rất nhiều phiên hòa giải để các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau nhưng đều không đạt được kết quả. Tại phiên tòa, nguyên đơn có người đại diện ủy quyền và luật sư bảo vệ quyền lợi. Bị đơn cũng có luật sư bảo vệ quyền lợi. Các bên đều kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, không nghĩ gì đến tình cảm ruột thịt. Người cha, người mẹ của họ nếu có chứng kiến được chắc sẽ đau lòng lắm khi thấy cảnh các con tranh chấp phần tài sản mà mình đã chắt chiu dành dụm cả đời để lại bất chấp tình thân.

        Phiên tòa kết thúc quá giờ trưa, lòng ai cũng nặng trĩu ra về. Gặp Kiểm sát viên ngoài sân Tòa án, những người liên quan nói “Cô ơi, cô bảo vệ cho tụi tui với, con năm (bị đơn) nó cướp hết tài sản của chúng tôi”. Kiểm sát viên cười buồn trả lời “Các cô, chú đã không tự thỏa thuận giải quyết trong gia đình được với nhau, để đưa ra Tòa như bây giờ thì phải xử theo quy định của pháp luật thôi”…



    Nguyên đơn đứng góc trái ngoài cùng (áo màu xanh), bị đơn góc tay phải (áo khoác cam).



                                                     Toàn cảnh phiên tòa

 

      Tin bài: Nguyễn Thị Ngần - Viện KSND TP.Vũng Tàu

Lên đầu trang