01/09/17 00:25

Sau một vụ án ly hôn, những đứa trẻ đi về đâu?

 
    Là Kiểm sát viên khâu dân sự tại một thành phố lớn của tỉnh, hàng năm tôi được phân công kiểm sát việc giải quyết khá nhiều vụ, việc hôn nhân gia đình, trong đó chủ yếu là việc ly hôn của các cặp vợ chồng. Đã lâu rồi mới có một hồ sơ ly hôn khiến tôi suy nghĩ nhiều đến thế… Đó là vụ án chị Nguyễn Thị H khởi kiện yêu cầu TAND Tp Vũng Tàu giải quyết cho chị được ly hôn với anh Nguyễn Quang P.
   Cuộc hôn nhân của chị H và anh P kéo dài đến thời điểm này là hơn 5 năm, họ có 2 con chung là cháu L (5 tuổi) và cháu H (2 tuổi). Lật giở từng trang hồ sơ, tôi thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng họ rất trầm trọng. Chị H cho rằng anh H không chung thủy, gây cho chị nhiều tổn thương, mất mát, có những lần anh P đánh chị trước mặt các con, khiến cháu L rất hoảng sợ. Còn anh P cho rằng mâu thuẫn vợ chồng là do chị H có lối sống, lối hành xử không đúng mực, thiếu suy nghĩ và khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, chị H đã có những lời nói tác động không tốt khiến cháu L bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tình cảm như: Cháu thường xuyên tỏ ra hoảng hốt, tìm mẹ, mẹ dậy sớm đi làm cháu cũng tỉnh giấc theo, một bước không rời; nói những câu: “Mẹ đừng bỏ con”; “Bố hư, bố đi theo gái”, “ Bố là con chó gặm xương”… Xét thấy mục đích hôn nhân không đạt, bất đồng quan điểm, không thể giải quyết được, anh P đồng ý ly hôn, anh yêu cầu được nuôi cả 2 con chung để đảm bảo con có môi trường giáo dục tốt nhất, được chăm sóc tốt, không có suy nghĩ lệch lạc, ảnh hưởng đến nhân cách sau này. Trong bản tự khai, anh P tin rằng anh có khả năng chuẩn bị tâm lý, giúp các con nhanh chóng cân bằng cuộc sống sau khi bố mẹ ly hôn. Chị H yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được nuôi cháu L vì cháu còn nhỏ, nhường quyền nuôi cháu L cho anh P…
      Thực sự, khi đọc hồ sơ này, tôi đã bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi, hoảng hốt của cháu L. Tôi rất băn khoăn khi đề xuất giao cháu L cho anh P hay chị H nuôi dưỡng. Điều tôi quan tâm nhất là tâm lý, tình cảm của cháu bé. Đứng giữa bố và mẹ, dù chị H nhường quyền nuôi cháu L cho chồng, nguyện vọng của anh cũng là vậy nhưng hiện nay cháu L rất sợ bố, nếu chưa giải tỏa được tâm lý cho cháu thì việc giao cháu cho bố có nên không? Hơn nữa, một phần nguyên nhân đổ vỡ của cuộc hôn nhân này là việc anh ngoại tình. Khi một người đàn ông ngoại tình, họ có cân nhắc đến cảm xúc, đến sự ảnh hưởng rõ ràng của việc đó đối với gia đình mình, đối với các con? Và có còn đủ sự quan tâm cũng như thời gian cho con của mình?... Mặt khác, như anh P trình bày, môi trường, quan điểm sống của chị H và gia đình chị, do tính chất công việc, chị H thường đi sớm, về trễ nên khó đảm nhận được việc đưa đón con đi học, hoàn toàn phụ thuộc vào ông bà ngoại. Về nhà, chị cũng ít chơi với con mà thường xuyên vào phòng sử dụng điện thoại…Tất nhiên, mọi tài liệu chứng cứ đều phải được thẩm tra tại phiên tòa, nhưng những thông tin hai anh chị cung cấp khiến tôi ngần ngại, liệu giao cháu cho mẹ thì có ổn không?
     Tại phiên tòa, nhận thấy anh P là 1 người rất quan tâm đến sự phát triển của các con, cả hai vợ chồng đều khẳng định tâm lý cháu L đã ổn định, chị H vẫn giữ quan điểm không yêu cầu nuôi dưỡng cháu L vì muốn cháu được gần bố, tôi mới yên tâm phần nào trước khi phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về nội dung vụ án. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy thật xót xa khi nghe chị H trình bày trong nước mắt: “Tối qua, cháu L có bảo với mẹ rằng con ở với bố không thì bố buồn, mẹ với em thường xuyên về chơi với con nhé!”… Cháu bé ấy bằng tuổi, học cùng lớp với con tôi. Tên của cháu, tôi thấy con mình nhắc trong câu chuyện kể cho mẹ mỗi ngày. Cháu mới chỉ 5 tuổi thôi mà phải chịu sự tổn thương quá lớn, và trong sự tổn thương ấy, cháu đã biết nghĩ đến nỗi buồn của người lớn nữa.


 


    Phiên tòa kết thúc cũng là giờ tan học, tôi đến trường đón con và gặp hình ảnh cháu L chạy ra ôm lấy anh P, thương vô cùng! Tôi đã nán lại để nói chuyện với cô giáo, mong cô quan tâm, động viên cháu L nhiều hơn ở giai đoạn nhạy cảm này... Khi bố mẹ ly hôn, những đứa con buộc phải sống với một trong hai người. Dù ở lứa tuổi nào, tâm hồn non nớt của trẻ cũng sẽ có cảm giác mất mát, trống vắng, hụt hẫng khó bù đắp. Mong rằng, trước mỗi sự lựa chọn cá nhân hay trước mỗi cách hành xử trong cuộc sống của mình, các bậc cha mẹ luôn nghĩ tới các con đầu tiên...

 

                       Tin bài: Lương Ngọc Tú- VKSND Tp Vũng Tàu

Lên đầu trang